Vì dự án có đến 8 dự án thành phần, độc lập với nhau, do đó, Sở GTVT các tỉnh phải chịu trách nhiệm chính, thay vì ban quản lý dự án các các địa phương. Đồng thời gắn trách nhiệm các đơn vị.
>>Tìm đáp án cho bài toán giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 TP.HCM
Đó là nội dung được Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, nhấn mạnh tại hội nghị triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 và công tác chuẩn bị dự án vành đai 4 tại TP.HCM.
Cân nhắc hình thức chỉ định thầu…
Theo đó, ngày 2/7/2022 UBND TP.HCM chính thức phối hợp với 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An tổ chức hội nghị triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 và công tác chuẩn bị dự án vành đai 4 tại TP.HCM.
Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Qua tham khảo một số dự án, các tỉnh thành thống nhất đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn và gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật theo phương thức rút gọn để rút ngắn thời gian thực hiện. Trong đó TP.HCM là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện để đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ của dự án.
Cũng theo ông Lâm, ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, TP cùng với các địa phương đã khẩn trương phối hợp triển khai nhanh các công việc tiếp theo. Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành mới đây, các địa phương nỗ lực để khởi công dự án sớm hơn, tức là vào tháng 6/2023 thay vì tới cuối năm 2023. Và theo kế hoạch đề ra, tháng 7/2022, Chính phủ ban hành nghị quyết triển khai nghị quyết của Quốc hội; tháng 10/2022 bắt đầu bàn giao mặt bằng và đến cuối năm 2023 bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng. Thời gian thi công 36 tháng, dự án đặt mục tiêu thông xe toàn tuyến, hoàn thành cơ bản phần cao tốc vào tháng 10/2025 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.
Nêu vấn đề về quy chế phối hợp, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho biết TP.HCM và 3 địa phương ký quy chế phối hợp với nhau và sẽ thực hiện 6 nhóm công việc chính, trong đó sẽ có hội nghị về giải phóng mặt bằng. Đáng chú ý trong nhóm các công việc chính là triển khai đề án khai thác quỹ đất hai bên đường vành đai 3. Để việc này hiệu quả thì cần có một đề án cụ thể, từ đó rà soát và mời gọi đầu tư. Ngay từ bây giờ cần tiến hành song song nhiệm vụ rà soát quỹ đất đường vành đai 3. TP.HCM và 3 tỉnh cũng tiếp tục rà soát các mỏ vật liệu để đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ xây dựng dự án.
>>Ưu tiên vốn cho Dự án Vành đai 3 TP.HCM để hoàn thành trong năm 2025
… và gắn trách nhiệm để đảm bảo tiến độ
Liên quan tới hình thức chỉ định thầu cho dự án, bà Bùi Thị Thu Thủy - Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ KH-ĐT), cho biết: Theo thẩm quyền cho phép thì chỉ định thầu thuộc quyền của TP.HCM. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn sẽ rủi ro cho thành phố bởi hình thức này chỉ áp dụng với gói thầu đơn giản và không cần phương án. Về mặt quy trình chỉ định thầu, phải xác định năng lực, kinh nghiệm và xác định phương án. Hiện quy trình bồi thường đã rất đơn giản, các địa phương nên cân nhắc, áp dụng theo Điều 54, 55, 56 Nghị định 63 hướng dẫn Luật Đấu thầu.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Đức Trọng, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ KH-ĐT, cho rằng đối với đề nghị phân cấp cho UBND TP.HCM điều chỉnh quy hoạch cục bộ, đây là kiến nghị chung của nhiều địa phương. Tuy nhiên, theo quy định thì cấp thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cục bộ cấp tỉnh thuộc về Chính phủ, không có quy định phân cấp về cho địa phương. Do đó, các địa phương cũng nên cân nhắc đề xuất này cho đảm bảo tính pháp lý, nhất là khi dùng nghị quyết của Chính phủ để điều chỉnh một quy định pháp luật – ông Trọng lưu ý.
Nêu các giải pháp trong việc chỉ định thầu để rút ngắn thời gian và hoàn thành tiến độ, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng: Trong dự án này có 8 dự án thành phần, độc lập với nhau, do đó, Sở GTVT các tỉnh phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề này thay vì ban quản lý dự án các của các địa phương.
Cũng theo ông Thọ, hiện các đơn vị đang chuẩn bị trình Chính phủ ban hành nghị quyết, nhưng lúc này có thể triển khai các bước, làm việc với đơn vị tư vấn. Do thời gian áp dụng nguyên tắc chỉ định thầu chỉ có 2 năm nên phải làm nhanh nhưng tuân thủ pháp luật, bám vào quy định để làm nhanh, chắc chắn. Cụ thể, hồ sơ thầu phải chấm nhanh, rút ngắn thời gian, công đoạn. Khi có tư vấn rồi sẽ thực hiện một số nội dung công việc song song như 15/8 tiến hành giải phóng mặt bằng.
Đánh giá giải phóng mặt bằng là mấu chốt, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng khuyến nghị công tác giải phóng mặt bằng nên chia làm 3 giai đoạn, chỉ cần được 70% là khởi công, tập trung khởi công trước những giai đoạn dễ. “Giải phóng mặt bằng thì địa phương nào chịu trách nhiệm trên địa bàn địa phương đó nên chỉ cần xây dựng cơ chế giải phóng mặt bằng. Nếu diện tích đất thuộc thẩm quyền của HĐND thì có thể họp bất thường để thông qua... Dứt khoát thời điểm khởi công phải có 70% mặt bằng cho ban quản lý dự án triển khai thi công. Cần phải gắn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, từng cán bộ. Chẳng hạn Sở Tài nguyên - Môi trường phải chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng... Sau này, căn cứ vào kế hoạch để kiểm điểm tiến độ” - ông Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Trước đó, liên quan tới các giải pháp tháo gỡ trong quá trình thực hiện dự án vành đai 3, 4, TP.HCM đã thống nhất thành lập Ban chỉ đạo dự án của thành phố để lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết ngay các vấn đề phát sinh cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện các dự án thành phần của thành phố. Đây cũng là cơ quan đầu mối, trao đổi, phối hợp với Tổ công tác Chính phủ giải quyết các vướng mắc chung cho toàn dự án, các vấn đề có tính chất liên tỉnh.
Trưởng ban chỉ đạo là Thường trực Thành ủy cùng thành viên gồm đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy, Thường trực HĐND TP, Giám đốc Công an Thành phố, Giám đốc Sở GTVT, Bí thư Thành ủy TP.Thủ Đức và Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Nhiệm vụ cụ thể của mỗi thành viên do Trưởng ban phân công. Ban chỉ đạo họp định kỳ 1 tháng/lần và có xây dựng quy chế làm việc.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ thành lập Ban chỉ huy dự án của thành phố về đường Vành đai 3 là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo. Ban chỉ huy sẽ điều hành giải quyết ngay các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trưởng ban chỉ huy là Phó chủ tịch UBND TP; Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy là lãnh đạo Sở GTVT. Ban chỉ huy họp định kỳ 2 tuần/lần và có xây dựng quy chế làm việc.
Có thể bạn quan tâm
00:45, 30/06/2022
00:00, 07/06/2022
16:46, 06/06/2022
15:00, 06/06/2022
14:00, 04/05/2022
00:30, 13/05/2022
21:04, 15/04/2022
20:30, 21/03/2022