“Trợ lực” cho thị trường bất động sản hồi phục

THANH BÌNH 30/05/2023 01:00

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Công điện 469/CĐ-TTg về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

>>Thủ tướng tiếp tục ra công điện tháo gỡ khó khăn cho bất động sản

Thực tế cho thấy, từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng. Thực trạng của thị trường khiến các nhà đầu tư tay ngang, sử dụng đòn bẩy tài chính không chịu được áp lực nên buộc phải bán cắt lỗ sâu, đặc biệt tại các phân khúc như đất nền, liền kề, biệt thự,… Song dù rao bán suốt thời gian dài vẫn không tìm được người mua.

Việc lãi suất tăng cao vào nửa cuối năm 2022 đã làm suy yếu nhu cầu mua nhà. Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở bị sụt giảm do quá trình phê duyệt pháp lý diễn ra lâu do gặp phải những vướng mắc.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng. ẢNH: LV

Công điện 469/CĐ-TTg yêu cầu các địa phương chỉ đạo rà soát các dự án vướng mắc để kịp thời tháo gỡ. ẢNH: LV

Theo Báo cáo về thị trường bất động sản 2022 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam thì nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48,500 sản phẩm, tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán năm 2021 – thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và chỉ bằng 28% so với năm 2018 (180.000 sản phẩm.

Cùng với lượng giao dịch suy giảm, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phải đối mặt với khó khăn lớn như khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, khó phát hành trái phiếu và huy động vốn. Nhiều doanh nghiệp đã phải dừng triển khai dự án mới, giảm đến 50 % lực lượng lao động.

Những khó khăn đó được xác định bởi nhiều nguyên nhân khách quan như: dịch bệnh, chu kỳ tăng trưởng của thị trường, tăng trưởng kinh tế giảm, khó khăn thị trường. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là chính, như việc: lập, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch còn chậm; điều chỉnh dự án đầu tư còn vướng mắc; triển khai thực hiện dự án chậm, kéo dài; tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, chứng khoán còn khó khăn;

Xây nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chưa đạt yêu cầu; xác định giá đất; một số địa phương thiếu chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, cũng như trong phối hợp với các cơ quan Trung ương giải quyết khó khăn; thông tin thị trường chưa đủ minh bạch; cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý; pháp luật còn chồng chéo, việc áp dụng pháp luật còn thiếu thống nhất, đồng bộ.

Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp chắc hẳn vui mừng với Công điện mới do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký. Dù cho Công điện không phải mới mẻ, nhưng nó tiếp nối tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nhằm hồi phục nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng sau thời gian “ngủ đông” vì đại dịch COVID-19.

>>Hoạt động tài chính “cứu” doanh thu doanh nghiệp bất động sản

>>Vốn ngoại vào bất động sản giảm mạnh

>>Thị trường bất động sản sẽ khởi sắc

Còn nhớ, từ cuối năm 2022 trở lại đây, hàng loạt chỉ đạo mạnh mẽ từ Thủ tướng và sự khẩn trương tháo gỡ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương trở thành “trợ lực” cho thị trường bất động sản hồi phục.

Cụ thể, Nghị quyết số 33 về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; trong đó có gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; Chính phủ tiếp tục ban hành văn bản số 178 thúc đẩy thị trường bất động sản; Quyết định 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”; Nghị định số 10 về “sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành luật đất đai”..v.v.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã nhận định: “Có thể nói sau chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng cũng như của Tổ công tác, đến nay bước đầu đã cơ bản tháo gỡ được những vướng mắc về mặt pháp lý cho các dự án bất động sản”.

Đã có một loạt các “chuyển động” liên quan đến thị trường bất động sản như một số chủ đầu tư cũng đã công bố sẽ khởi động trở lại các dự án đã bị đình trệ trong giai đoạn khó khăn. Đơn cử, sau dự án The Grand Manhattan, NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm, mới đây Novaland đã công bố tái khởi động dự án Khu dân cư phức hợp Victoria Village tại TP. Thủ Đức (TP. HCM).

Hoặc, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo về việc điều chỉnh giảm thêm một loạt lãi suất điều hành, áp dụng từ ngày 25/5. Đây là lần thứ ba trong chưa đầy 3 tháng qua Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành. Trước đó, vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4/2023, cơ quan này đã hai lần điều chỉnh một số loại lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Có điều, theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia kinh tế, một “điểm nghẽn” cần tháo gỡ kịp thời nữa để thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững là phải sớm cân bằng cán cân cung cầu, trong đó có giải pháp đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở xã hội.

Với những chính sách, chỉ đạo mới nói trên, chắc chắn những bước tiến về môi trường pháp lý, vướng mắc trên thị trường sẽ dần được tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi, phát triển lành mạnh.  Từ đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, huy động nguồn nội lực to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Dẫu vậy, vẫn cần có thêm thời gian để các chính sách “trợ lực” ngấm vào thị trường, chờ thời điểm “bứt phá”.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng tiếp tục ra công điện tháo gỡ khó khăn cho bất động sản

    15:26, 29/05/2023

  • Hoạt động tài chính “cứu” doanh thu doanh nghiệp bất động sản

    11:24, 29/05/2023

  • Tập đoàn Everland: Xây chắc thương hiệu Nhà phát triển bất động sản bền vững

    08:00, 29/05/2023

  • Vốn ngoại vào bất động sản giảm mạnh

    05:00, 29/05/2023

  • Thị trường bất động sản sẽ khởi sắc

    01:00, 29/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Trợ lực” cho thị trường bất động sản hồi phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO