Trước các vấn đề của thị trường, chuyên gia cho rằng, việc ngân hàng giảm lãi suất sẽ hút dòng tiền của các nhà đầu tư, góp phần đưa thị trường bất động sản dần qua “đáy”...
>> 9 điểm nhấn nổi bật của Luật Đất đai mới
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023 tiếp tục ghi nhận lượng lớn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng gần 21% so với 2022; nhóm chờ thủ tục giải thể tăng xấp xỉ 29%. Bình quân mỗi tháng có 14.400 đơn vị rút lui khỏi thị trường.
Đáng nói, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng đầu lĩnh vực có doanh nghiệp đóng cửa nhiều nhất, gần 1.300 đơn vị, tăng khoảng 8% so với 2022. Bình quân mỗi tháng, 107 doanh nghiệp ngành này phá sản, trong khi số lập mới giảm 45%, trên 4.700 đơn vị.
Thực tế, báo cáo của Viện Nghiên cứu bất động sản - Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy, trong 2 năm trở lại đây, dù đối diện với nhiều thách thức nhưng bất động sản vẫn là kênh đầu tư có hiệu quả cao nhất với lợi suất lên đến 14%, cao hơn nhiều so với các kênh đầu tư truyền thống như trái phiếu (8,5%), vàng (7,36%) và gửi tiết kiệm (6%).
Chưa kể, theo khảo sát mới đây của Batdongsan.com.vn, trong quý III/2023, thanh khoản thị trường thứ cấp đã có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại, bắt đầu xuất hiện động thái xuống tiền của nhà đầu tư ở những dự án có mức chiết khấu cao, đầy đủ pháp lý, vị trí lân cận khu dân cư hiện hữu đông đúc, giao thông thuận tiện kết nối về khu trung tâm. Bên cạnh đó, nhu cầu tìm mua nhà đất trên cả nước đã tăng 6%.
Xu hướng tăng này diễn ra trong tất cả các loại hình bất động sản gồm cả căn hộ, đất nền, nhà riêng, nhà mặt phố. Trong đó, căn hộ chung cư, biệt thự và đất nền ghi nhận nhu cầu mua tăng 6-7%. Ngoài nhu cầu mua gia tăng trở lại, giá bán nhà đất trong tháng 7 và tháng 8/2023 cũng ghi nhận sự ổn định. Lượng tin rao bán cắt lỗ giảm mạnh so với đầu năm.
>>Doanh nghiệp kỳ vọng Luật Đất đai mới
Trước thực tế đã nêu, để đồng hành với doanh nghiệp, Nhà nước và Chính phủ đã tung ra hàng loạt chủ trương để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là chính sách liên quan đến giảm lãi suất, chính sách tiền tệ nới lỏng.
Theo các chuyên gia, các chính sách này là một trong những triển vọng tươi sáng nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản.
Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, TS Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn đã khuyến khích dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư thay vì chỉ gửi tiết kiệm.
Theo ông Huân, thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu khởi sắc hơn, ghi nhận số lượng tài khoản mở mới tăng kỷ lục và thanh khoản cũng tăng trở lại. Nếu thị trường tiếp tục vận động theo diễn biến này thì chỉ trong một thời gian ngắn, dòng tiền sẽ bắt đầu có xu hướng chốt lời ở thị trường chứng khoán và “chảy” vào thị trường bất động sản.
“Sự dịch chuyển của dòng tiền như vậy sẽ đem lại kỳ vọng vào việc gia tăng tính thanh khoản cho thị trường bất động sản, tạo bước đệm để ghi nhận sự khởi sắc, dần phục hồi trở lại trong năm 2024”, ông Huân nhận định.
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế, ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, từ nay đến trước Tết Nguyên đán sẽ có một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Khi lãi suất giảm, nhiều nhà đầu tư sẽ không còn quá mặn mà với việc gửi tiết kiệm. Thay vào đó, họ sẽ hướng đến những kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn, trong đó có việc đầu tư mua bất động sản hoặc đổ vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vì cuối năm nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng cao. Mặt khác, không chỉ lãi suất tiết kiệm giảm, lãi suất cho vay cũng chạm đáy là cơ hội tốt cho cả chủ đầu tư và nhà đầu tư bất động sản.
Còn theo TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, việc giảm lãi suất chắc chắn sẽ khiến thị trường địa ốc tốt hơn lên ở nhiều khía cạnh. Mức lãi suất hấp dẫn sẽ giúp cho thị trường bất động sản hồi phục mạnh hơn bởi bản thân các doanh nghiệp bất động sản khi hoạt động cũng chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay ngân hàng, trong khi người mua nhà cũng phải vay tiền, nên ngành này nhận được tác động tích cực kép.
Theo ông Lực, năm 2023, dù thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nguồn vốn tín dụng vẫn tăng khoảng 6% so với cuối năm 2022 cho thấy những tín hiệu tích cực và niềm tin từ nhà đầu tư với thị trường này đã có sự cải thiện rõ rệt.
“Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển tín dụng nhà ở các phân khúc còn thiếu nguồn cung, bởi vậy các cơ quan quản lý cần lưu tâm phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính. Từ nay đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 800.000 đến 1 triệu tỷ đồng vốn trung dài hạn, ngoài phần vốn tín dụng ngân hàng, vì vậy kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro”, TS Cấn Văn Lực cho hay.
Có thể bạn quan tâm
Sắp xuất hiện dự án biểu tượng, bất động sản Phú Thọ tăng sức nóng
08:00, 23/01/2024
Doanh nghiệp bất động sản nỗ lực sạch nợ trái phiếu
13:28, 22/01/2024
Khối ngoại làm chủ “cuộc chơi” M&A bất động sản 2024?
15:00, 21/01/2024
Không để biến tướng môi giới bất động sản
12:00, 21/01/2024
Luật Đất đai mới rút ngắn đà phục hồi thị trường bất động sản
05:00, 21/01/2024