Các mô hình khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phát triển đa dạng trên mọi lĩnh vực kinh tế, góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nữ.
Nhằm giúp hội viên thoát nghèo vươn lên làm giàu, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thực hiện tốt việc xây dựng và nhân rộng các mô hình phụ nữ phát triển kinh tế, góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế ở địa phương. Một trong những mô hình được Hội triển khai thực hiện bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, đó là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao.
Hợp tác xã trồng và chế biến cây dược liệu thân thiện với môi trường do phụ nữ làm chủ tại xã Đông Hoàng (huyện Đông Sơn) hiện có hơn 30 thành viên. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Hợp tác xã đã vận động các thành viên chuyển đổi hơn 12 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó trồng và sản xuất chế biến chủ yếu cây cà gai leo. Năm 2020, sản lượng sản phẩm của Hợp tác xã đạt 150 tấn, doanh thu đã trừ chi phí đạt 1,5 tỷ đồng.
Năm 2014, tình cờ biết được nhiều địa phương đang phát triển trồng cà gai leo và được các công ty dược liệu thu mua, chị Lê Thị Nước ở xã Đông Hoàng đã mua giống, cải tạo đất và trồng thử nghiệm 2 sào cà gai leo trên diện tích lúa kém hiệu quả. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng cây dược liệu cao hơn nhiều so với trồng các cây khác, chị Nước đã mạnh dạn mở rộng thêm diện tích trồng. Hiện nay, gia đình chị có gần 2 ha dược liệu đang cho thu hoạch, gồm hai loại chính: cà gai leo và kim ngân, ngoài ra còn có một số dược liệu khác đang được trồng thử. Mỗi ha cà gai leo và kim ngân mỗi năm đều cho sản lượng từ 14-16 tấn sản phẩm khô. Với giá bán 35-45.000 đồng/kg, mỗi ha cho thu nhập tới 500-700 triệu đồng/năm. Hiện nay, ngoài bán sản phẩm thô, gia đình chị Lê Thị Nước đã đầu tư dây chuyền nấu cao các sản phẩm dược liệu, trong đó sản phẩm cao cà gai leo có đầy đủ tem nhãn truy suất nguồn gốc, đã được sản xuất và tiêu thụ ổn định. Gia đình chị dự tính sẽ thuê thêm 6 ha đất để mở rộng diện tích.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp từ cây dược liệu, chị Lê Thị Nước cho biết: Ban đầu, gia đình chị trồng thí điểm để kiểm nghiệm, sau đó mới mở rộng diện tích, nhưng quá trình làm vẫn gặp khó khăn. Sau khi chuyển đổi cây trồng mới, chị Nước đã chịu khó học hỏi, dần quen việc và có thêm kinh nghiệm nên những khó khăn như: cây chết, sâu bệnh, cây đẻ nhánh ít... được khắc phục ngay. Đến nay, trung bình mỗi sào (360 m2) trồng cây dược liệu của gia đình chị đã cho lợi nhuận 20 - 30 triệu đồng/năm. Sản phẩm cà gai leo của gia đình chị đã được hỗ trợ làm tem truy xuất nguồn gốc, được Công ty Dược Tuệ Linh, các hiệu thuốc trong và ngoài tỉnh tiêu thụ.
Chị Lê Thị Vui, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) cho biết: Cây dược liệu là loại cây trồng mới đang mở ra hướng làm giàu cho nhiều hội viên. Tại Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp năm 2020 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa tổ chức, sản phẩm cao cà gai leo của Hợp tác xã trồng và chế biến cây dược liệu thân thiện với môi trường do phụ nữ làm chủ xã Đông Hoàng đã đoạt giải “Liên kết sáng tạo, gia tăng giá trị cho cộng đồng”. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã hỗ trợ 300 triệu đồng cho Hợp tác xã mua trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất cao cà gai leo. Thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền cho hội viên phụ nữ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng; duy trì 2 năm một lần chương trình “Phụ nữ sáng tạo”, tạo sân chơi bổ ích, ý nghĩa, để các sản phẩm do phụ nữ làm ra có cơ hội quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ…
Tại vùng núi cao xã Trung Xuân (huyện Quan Sơn), mô hình khởi nghiệp từ cây chè Tán ma của hội viên phụ nữ vùng núi này đã vượt qua khó khăn, mở ra hướng đi mới giúp phụ nữ thoát nghèo. Theo người dân bản địa, từ "tán ma" có nghĩa là khách quý đến, sản phẩm chè Tán ma có ý nghĩa là được sử dụng để tiếp đón khách quý. Tuy nhiên, do chưa phát triển thành sản phẩm hàng hóa, nhiều diện tích chè không được chăm sóc đã dần mai một.
Năm 2019, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Hội Phụ nữ xã Trung Xuân hỗ trợ thành lập nhóm hộ sản xuất chè Tán ma do phụ nữ làm chủ với 24 thành viên, tổng diện tích 2 ha. Hội Phụ nữ xã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các thành viên cách chăm sóc chè để tăng năng suất. Khác với trước đây các hộ mạnh ai nấy làm, nay các hộ được hỗ trợ tập huấn kiến thức, liên kết cùng nhau phát triển, tiêu thụ sản phẩm và tăng giá trị thu nhập. Nhiều thành viên rất phấn khởi, hào hứng sản xuất. Mỗi tháng, các thành viên trong nhóm chế biến và cung ứng ra thị trường được từ 80 -100 kg chè Tán ma khô với giá bán 200 nghìn đồng/kg, mở ra hướng đi mới, giúp phụ nữ vùng khó vươn lên thoát nghèo.
Bà Phạm Thị Cán, Trưởng nhóm chè Tán ma do phụ nữ làm chủ xã Trung Xuân cho biết: Thời gian tới, để sản phẩm chè Tán ma có cơ hội tìm kiếm thị trường và được các chứng nhận theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm, rất mong các cấp ngành quan tâm hỗ trợ để chúng tôi mở rộng thêm diện tích sản xuất tập trung; liên kết tiêu thụ sản phẩm; có tem, nhãn truy suất nguồn gốc…
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cấp hội khảo sát các gia đình phụ nữ kinh doanh cá thể tại địa phương, vận động, tư vấn, hỗ trợ gia đình thành lập doanh nghiệp. Từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội phụ nữ đã hỗ trợ 1.800 hộ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, hỗ trợ thành lập mới 480 doanh nghiệp do nữ làm chủ. Các mô hình khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh đã phát triển đa dạng trên mọi lĩnh vực kinh tế, góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nữ, đồng thời ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong phát triển kinh tế của địa phương.