"Trùng lặp" khiến bí mật khó giữ

Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBLAW 23/03/2018 14:55

Dù đã có những sửa đổi song dự thảo Nghị định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài… còn nhiều điểm trùng lặp.

Nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng đã được Chính phủ ban hành bằng Nghị định số 70/2000/NĐ-CP ngày 21/11/2000. Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện, những quy định của Nghị định 70/2000/NĐ-CP đến nay vẫn chưa bao quát hết yêu cầu thực tế hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như cân đối với các quy định khác của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 70/2000/NĐ-CP về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng.

Việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định 70 nhằm bảo vệ lợi ích của khách hàng: Tạo cơ sở pháp lý để việc giữ bí mật và việc cung cấp thông tin được thực hiện thống nhất, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, đảm bảo quyền riêng tư cá nhân, thông tin khách hàng được pháp luật bảo vệ, phù hợp với Hiến pháp, Bộ luật Dân sự.

Về cơ bản dự thảo đã tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên vẫn còn một số điều khoản quy định chưa rõ ràng, dẫn đến khó hiểu.

Thứ nhất, Khoản 5 Điều 3 Dự thảo quy định: “thông tin về tài sản gửi của khách hàng là các thông tin về tài sản của khách hàng …. thông tin định danh khách hàng; tên loại tài sản; giá trị tài sản (nếu có) và các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản của khách hàng”.

Tuy nhiên, khái niệm “công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản của khách hàng” là chưa rõ ràng và khá khó hiểu. Điều này có thể gây khó khăn trong quá trình áp dụng.

Thứ hai, “Thông tin định danh khách hàng”: điểm b khoản 7 quy định “đối với khách hàng là tổ chức” phải cung cấp thông tin “chủ tài khoản của tổ chức”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 32/2016/TT-NHNN thì “chủ tài khoản của tổ chức là tổ chức mở tài khoản. Người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền (gọi chung là người đại diện hợp pháp) của tổ chức mở tài khoản thanh toán thay mặt tổ chức đó thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản thanh toán trong phạm vi đại diện”.

Như vậy, việc quy định vừa yêu cầu cung cấp thông tin định danh của tổ chức (tên giao dịch, địa chỉ đặt trụ sở chính, số điện thoại, …) vừa yêu cầu cung cấp thông tin chủ tài khoản của tổ chức là trùng lặp.

Thứ ba, tại Điều 8 Dự thảo quy định về các trường hợp cung cấp thông tin khách hàng như sau: “Tổ chức khác, cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng được quy định cụ thể tại Bộ luật, Luật”.

Thiết nghĩ, Dự thảo nên liệt kê cụ thể các tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu hay có nhu cầu yêu cầu. Trên thực tế, một số cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác cũng có nhu cầu được cung cấp thông tin như: cơ quan hải quan, cơ quan quản lý thuế để phục vụ công tác cưỡng chế thuế; Cục thi hành án dân sự, Cục Quản lý cạnh tranh, Cục chống cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương.

Cơ quan điều tra Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, cơ quan khác của Công an; Viện kiểm sát, Tòa án; Một số cá nhân, cơ quan khác; Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, văn phòng luật sư…

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng chưa quy định điều chỉnh đối với trường hợp khách hàng mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc chết, do vậy, khách hàng không được bảo vệ quyền lợi khi phát sinh các rủi ro nội tại từ phía khách hàng.

Nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, phù hợp với yêu cầu thực tế, tháo gỡ khó khăn cho tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc yêu cầu cung cấp và cung cấp thông tin khách hàng, kiến nghị mở rộng đối với tất cả các trường hợp tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin quy định tại Luật và Pháp lệnh có liên quan. Trong đó, cần liệt kê cụ thể các trường hợp được yêu cầu cung cấp thông tin giúp thuận lợi cho việc tra cứu và áp dụng văn bản. 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng còn Nhiều điểm trùng lặp trong dự thảo giữ bí mật, cung cấp thông tinp/khách hàng.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng còn Nhiều điểm trùng lặp trong dự thảo giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng.

Bao gồm:

- Người đại diện theo pháp luật, người giám hộ hoặc người thừa kế của khách hàng trong trường hợp khách hàng mất năng lực hành vi dân sự, mất tích, chết;

- Người được thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự;

- Cơ quan Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát, cưỡng chế thuế thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật có liên quan;

- Một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác xác minh. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể đơn vị nghiệp vụ được quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng;

- Các tổ chức quốc tế mà Chính phủ Việt Nam hoặc Ngân hàng Nhà nước có cam kết cung cấp thông tin, Chính phủ các nước theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trên cơ sở bảo vệ lợi ích quốc gia và không tiết lộ cho bên thứ ba;

- Tổ chức, cá nhân khác có quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng theo quy định tại Luật và Pháp lệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Trùng lặp" khiến bí mật khó giữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO