Trung Nguyên: Nội chiến pháp lý và hệ lụy của “chiêu” dẫn dắt dư luận

Đinh Thanh - Song Nhi 12/08/2018 06:40

Được đánh giá là một trong những thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam nhưng liệu Trung Nguyên có đủ vững vàng khi rơi vào một cuộc chiến chưa từng có, áp lực tứ bề, từ trong ra ngoài?

Cuộc tranh chấp quyền điều hành giữa vợ chồng ông bà chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên kéo dài đã hơn 3 năm gây sự chú ý của dư luận. Điều này đang ngày một tốn thêm giấy mực của báo chí và dường như đã vượt qua ngưỡng “nội chiến” mà đang trở thành một cuộc... lật đổ hình tượng – biến Đặng Lê Nguyên Vũ ngày một “điên loạn” trong con mắt công chúng. Điều đáng tiếc nhất, thương hiệu Trung Nguyên - một THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA cũng lặng lẽ "chia cắt".

Mới đây, vợ chồng ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên: bà Lê Hoàng Diệp Thảo (45 tuổi) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (47 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) lần đầu có mặt tại TAND TP HCM để tham gia phiên hòa giải.
Nhưng vụ lùm xùm bắt đầu từ tháng 4/2015, khi ông Đặng lê Nguyên Vũ đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ của ông Vũ) tại Tập đoàn Trung Nguyên.

Đến tháng 10/2015, ông Vũ lại có văn bản triệu tập cuộc họp HĐQT để thảo luận, biểu quyết miễn nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT kiêm CEO của bà Thảo và thay đổi người đại diện theo pháp luật tại tập đoàn này. Bà Thảo có văn bản không đồng ý việc triệu tập cuộc họp nhưng sau đó ông Vũ vẫn tổ chức mà vắng mặt người có liên quan.
Bà Thảo cho rằng các quyết định miễn nhiệm bà và bổ nhiệm ông Vũ không đúng quy định pháp luật, gây bất lợi, ảnh hưởng đến việc điều hành của bà trong công ty. Do đó, tháng 11/2015, bà Thảo khởi kiện quyết định trên lên Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.

Trong phiên xử sơ thẩm vào tháng 8/2016, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên bác các yêu cầu của bà Thảo. Bà Thảo kháng cáo, yêu cầu TAND Cấp cao tại TP HCM hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại.
Ngày 22/9/2017, Tòa án Nhân dân TP HCM xét xử sơ thẩm vụ kiện này, với phán quyết hủy quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo do ông Vũ (với tư cách Chủ tịch HĐQT) ký tháng 4/2015. Đồng thời, khôi phục chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo trong Tập đoàn Trung Nguyên. Tòa cũng yêu cầu ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm bà Thảo tham gia điều hành, quản lý tại tập đoàn này.

Song đến ngày 10/10/2017, ông Vũ và Công ty Cổ phần tập đoàn Trung Nguyên đã gửi đơn kháng cáo và tiếp tục ra quyết định bãi nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo.
ngày 7/2/2018, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP HCM tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp điều hành giữa các thành viên Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (TNG). Cụ thể, nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Phó Tổng giám đốc thường trực TNG. Bị đơn là Công ty TNG và Tổng giám đốc Đặng Lê Nguyên Vũ, cũng là chồng bà Thảo.

Nhưng trong phiên xét xử sáng 7/2/2018, cả bà Thảo và ông Vũ đều không tới tòa mà ủy quyền cho các luật sư tham dự. Phía bị đơn là ông Vũ đã có đơn yêu cầu hoãn phiên tòa.
Được biết, cũng trong thời gian này, tòa án đang thụ lý xem xét vụ ly hôn của ông bà chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Cả hai vợ chồng bà Thảo, ông Vũ đều đang sở hữu 93% tài sản hữu hình và vô hình, bao gồm các thương hiệu như Trung Nguyên, G7.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ luôn xuất hiện trên truyền thông với tư cách đại diện duy nhất và cao nhất của Trung Nguyên. Còn sự đóng góp của “nội tướng” Lê Hoàng Diệp Thảo thì người ngoài gần như không hay biết. Phải đến khi vợ chồng “vua” cà phê Việt xảy ra tranh chấp pháp lý nổ, người ta mới biết đến hình ảnh chính thức của bà Thảo.

Khởi nghiệp là một cơ sở rang xay cà phê thủ công nhỏ ở Buôn Ma Thuột - thủ phủ cà phê Việt Nam vào năm 1996 với một chiếc xe đạp trị giá chưa đến 1 chỉ vàng, sau 22 năm, Trung Nguyên trỗi dậy thành một tập đoàn “hùng mạnh” với gần 10 thành viên có tổng vốn điều lệ khoảng 6.000 tỷ đồng.
Trung Nguyên đang hoạt động trong 3 mảng chính là kinh doanh, chế biến cà phê; bán lẻ và nhượng quyền, với các thành viên như CTCP Tập đoàn Trung Nguyên, CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên, CTCP Cà phê Trung Nguyên, CTCP Thương mại và Dịch vụ G7, Công ty liên doanh Vietnam Global Gateway, CTCP Trung Nguyên Franchising, CTCP Đầu tư Trung Nguyên, Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê…

Đi trước nửa bước và tương thích với những nhận thức chung, sát với thực tiễn là cách để Trung Nguyên chinh phục thị trường và thành công. Nếu không có một Đặng Lê Nguyên Vũ “ma quái”, có thể Trung Nguyên đã rơi vào quên lãng hoặc đang trong cuộc chiến thương trường với hàng loạt thương hiệu cà phê ngay chính đất Buôn Ma Thuột.
Tuy vậy, thị trường cà phê rất phức tạp. Các đánh giá về thị phần chỉ mang tính tương đối, thậm chí là xung đột. Trung Nguyên là một trong số rất ít doanh nghiệp, “xông pha” trọn vẹn 4 phân mảng chính của ngành gồm: cà phê hòa tan, cà phê rang xay, kinh doanh quán cà phê và xuất khẩu quốc tế.
Về cà phê hòa tan, theo khảo sát mới nhất của công ty W&S thực hiện hồi tháng 4/2018, thay phiên nhau đứng đầu trong các chỉ số đo lường độ phổ biến thương hiệu, Nescafe và G7 là 2 thương hiệu có mức độ phổ biến cao nhất (31/7 và 30/8), biểu đồ cho thấy 2 thương hiệu đứng đầu đang giữ khoảng cách khá xa với các thương hiệu còn lại trong top 5: Vinacafe 17.3, Wake up 7.1, Café Phố 6.5.

Ngược lại, thị trường cà phê rang xay ghi điểm tuyệt đối cho Trung Nguyên khi công ty này dẫn đầu bảng tổng sắp với 60% thị phần. Các vị trí tiếp nối sau đó gồm Vinacafe, Highlands, Nguyên Hồng, Trần Quang, Mexico, Hoàng Tuấn, Việt Thái, Phúc Long, Bình Minh và Quang Hà…
Tương tự như cà phê rang xay, Trung Nguyên tiếp tục “bá đạo” trong mô hình kinh doanh quán/chuỗi cà phê xét về quy mô (khoảng 100 quán Trung Nguyên sở hữu và rất nhiều quán trên toàn Việt Nam có bán cà phê và treo bảng hiệu Trung Nguyên).
Một mảng thị trường khác cũng làm nên tên tuổi của Trung Nguyên là xuất khẩu. Khi còn “cơm lành, canh ngọt”, ông Vũ và bà Thảo đã có những toan tính hợp thời để đưa cà phê Robusta G7 thượng hạng từ Buôn Ma Thuột ra nước ngoài. Từ tư duy này, Trung Nguyên đã trở thành doanh nghiệp cà phê đầu tiên của Việt Nam đặt văn phòng tại nước ngoài (Singapore) để tạo cửa ngõ ra 55 nước trên toàn cầu.

Theo một nguồn tin không chính thức và chưa được kiểm chứng thì doanh thu từ thị trường Trung Quốc mang về cho Trung Nguyên hằng năm khoảng xấp xỉ 2.000-3.000 tỉ đồng. Ông Vũ từng nói mỗi người Trung Quốc chi tiêu 1 USD mỗi năm cho cà phê Trung Nguyên thì cũng đã thỏa ước vọng của ông. Được biết, Trung Nguyên cũng đang xúc tiến sự hiện diện của họ đến Trung Đông (Dubai), một nền văn minh thịnh vượng và sành điệu.
Điều đáng nói, cùng với những lùm xùm nội chiến việc thay đổi thành “Trung Nguyên LEGEND” của Trung Nguyên dường như khiến nhận diện của Trung Nguyên biến mất. Trong tương lai, cũng không loại trừ LEGEND sẽ đứng độc lập, thay thế hoàn toàn Trung Nguyên để tạo nên một “huyền thoại cà phê” mới.

Ở chiều ngược lại, bà Lê Hoàng Diệp Thảo – CEO của Trung Nguyên International – một nhánh riêng của bà Thảo khi bị truất quyền điều hành tại Trung Nguyên đã mở cho mình “đường mới - King Coffee”, Trước mắt, trong năm 2018, chuỗi quán King Coffee sẽ phủ đều ở 6 thành phố lớn. Bà Thảo có tham vọng đưa King Coffee thành chuỗi 1.000 cửa hàng bao gồm 800 cửa hàng bán cà phê mang đi (take away) và 200 quán cà phê cao cấp.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã có tuyên ngôn lay động: “Khát vọng vĩ đại tạo ra con người vĩ đại” nhưng tại sao chưa một lần “ngồi lại” với người mình từng chung giường, chung ước vọng? Tại sao những con người trong cùng một gia đình lại không thể gặp nhau? Những câu hỏi đó chắc không dành cho người ngoài.
Có lịch sử 22 năm hoạt động, Tập đoàn Trung Nguyên đã trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình hoạt động với không ít sóng gió. Nhưng trong cuộc chiến mới nhất, cam go nhất, giữa 2 vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, nhiều người lo ngại Trung Nguyên khó giữ thương hiệu.
Những ai yêu quý Trung Nguyên và luôn hy vọng ở Trung Nguyên, muốn cái tên của thương hiệu này phải “tràn đầy năng lượng và đổi đời” chứ không phải âm thầm biến thành 1 hoặc 2 Trung Nguyên khác – rất khác.

Nổi bật
Mới nhất
Trung Nguyên: Nội chiến pháp lý và hệ lụy của “chiêu” dẫn dắt dư luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO