Bắt đầu từ 30/8, Trung Quốc không còn yêu cầu kết quả xét nghiệm nhanh COVID-19 âm tính đối với khách du lịch nhập cảnh. Điều này được nhận định là một cột mốc quan trọng trong việc mở cửa du lịch.
Cụ thể, thông tin về hủy bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân công bố tại cuộc họp giao ban ở thủ đô Bắc Kinh.
Trung Quốc thực hiện yêu cầu xét nghiệm nhanh COVID-19 với khách từ nước ngoài kể từ tháng 4, thay thế phương pháp xét nghiệm PCR trước đây. Kết quả xét nghiệm nhanh chỉ được chấp nhận trong vòng 48 giờ. Trung Quốc là một trong số ít quốc gia ở châu Á vẫn yêu cầu kiểm dịch cho đến nay.
Động thái trên được các nhà phân tích đánh giá là một mốc quan trọng đánh dấu quá trình mở cửa hoàn toàn sau đại dịch của Trung Quốc và góp phần thu hút khách quốc tế một cách mạnh mẽ hơn.
Trước đại dịch, Trung Quốc đón hơn 136 triệu lượt khách quốc tế. Hiện lượng du khách nước ngoài chỉ bằng 20% so với năm 2019.
Vào tháng 1, quốc gia tỷ dân đã chấm dứt các yêu cầu cách ly đối với người từ nước ngoài. Trong vài tháng qua, Trung Quốc cũng dần mở rộng danh sách các quốc gia mà công dân trong nước có thể đến và tăng số lượng chuyến bay quốc tế.
Mặc dù có nhiều động thái mở cửa đón khách quốc tế, tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Trung Quốc được ghi nhận chưa có sự gia tăng đáng kể.
Theo Cục Quản lý Nhập cư Trung Quốc, tổng cộng 168 triệu lượt đến và đi từ Trung Quốc đại lục đã được ghi nhận trong nửa đầu năm nay – chỉ bằng 49% so với mức năm 2019. Chính quyền Trung Quốc cho biết trong số này chỉ có 8,4 triệu người nước ngoài, và chưa có số liệu chi tiết về lượng khách quốc tế đến.
Giám đốc điều hành của Tập đoàn Mandarin Oriental, James Riley, nói với Bloomberg News vào đầu tháng này: "Dòng người đổ vào Trung Quốc hiện tại rất khiêm tốn. Có một số căng thẳng địa chính trị rộng lớn hơn đang khiến mọi người tạm dừng kế hoạch".
Du lịch hàng không ở Trung Quốc về cơ bản đã "cạn kiệt" khi Covid-19 bùng phát ở nước này vào đầu năm 2020, dẫn đến việc kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất thế giới. Vì thế, nước này cần có thời gian để xây dựng lại năng lực bay từ mức thấp chưa từng thấy.
Theo HSBC Holdings, ba hãng hàng không lớn nhất của Trung Quốc - Air China, China Southern Airlines và China Eastern Airlines - có khả năng công bố khoản lỗ tổng cộng gần 13 tỉ nhân dân tệ trong nửa đầu năm nay. Trong giai đoạn từ 2020 đến 2022, khoản lỗ lên tới gần 190 tỉ nhân dân tệ cho bộ ba hãng bay này.
Một yếu tố khác khiến Trung Quốc trở thành điểm đến khó khăn đối với du khách là việc sử dụng các nền tảng thanh toán kỹ thuật số dành riêng cho quốc gia này. Thẻ tín dụng không phải của Trung Quốc hiếm khi được chấp nhận và thường rất khó sử dụng tiền mặt. Hầu hết các nhà cung cấp - từ quầy hàng trên đường phố đến cửa hàng bách hóa lớn - chỉ chấp nhận các hệ thống thanh toán địa phương như WeChat Pay và Alipay.
Barbara Kosmun, một nhà làm phim người Slovenia, đã đến Trung Quốc vào mùa hè này để gặp bạn bè và gia đình đang làm việc ở đó. Cô cho biết, hệ thống thanh toán kỹ thuật số của Trung Quốc 'có vẻ khó khăn hơn so với trước Covid'. Sau năm lần thử tải ảnh hộ chiếu lên để kích hoạt lại tài khoản WeChat Pay mà vẫn không thành công, Kosmun đã từ bỏ và nhờ bạn bè trang trải chi phí.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 29/08/2023
00:10, 28/08/2023
23:36, 11/08/2023
14:20, 02/08/2023
03:00, 24/06/2023