Hội đồng Vàng Thế giới kỳ vọng việc mua vàng của ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục trong vài năm nữa - một tín hiệu cho thấy sự đa dạng hóa tài sản còn lâu mới kết thúc.
>>Giá vàng tuần tới: Cẩn trọng cú đảo chiều ngắn hạn
Việc giá vàng thế giới tăng lên mức cao, trên 2.400 USD/ounce trong năm nay đã thu hút sự chú ý của thị trường toàn cầu. Trong đó Trung Quốc - quốc gia hàng đầu về sản xuất và tiêu thụ kim loại quý đã trở thành tâm điểm của làn sóng đầu tư mạnh mẽ này.
Sự leo thang của các căng thẳng địa chính trị, như xung đột ở Trung Đông và Ukraine, cùng với triển vọng lãi suất thấp hơn của Mỹ, đã thổi bùng lên niềm tin vào vàng như một khoản đầu tư an toàn. Đặc biệt, nhu cầu về vàng tại Trung Quốc không hề suy giảm, khi mọi tầng lớp từ người mua sắm bán lẻ đến nhà đầu tư quỹ, nhà giao dịch tương lai và ngay cả ngân hàng trung ương đều xem vàng thỏi như một biện pháp bảo toàn giá trị trong thời kỳ bất ổn.
Theo SCMP đưa tin, năm 2023, Trung Quốc đã chính thức vượt qua Ấn Độ trở thành nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, khi nhu cầu đối với vàng trang sức tại nước này tăng 10%, ngược lại tại Ấn Độ đã chứng kiến sự sụt giảm 6%. Đặc biệt ấn tượng là sự tăng trưởng 28% về đầu tư vào đồng xu và vàng miếng ở Trung Quốc, điều này không chỉ phản ánh sức mạnh kinh tế mà còn thể hiện sự ưa chuộng ngày càng tăng của người dân đối với kim loại quý như một phương tiện đầu tư an toàn và bền vững.
Philip Klapwijk - Giám đốc điều hành công ty tư vấn Precious Metals Insights tại Hồng Kông cho rằng: “Người dân Trung Quốc đang tìm đến các tài sản được coi là an toàn hơn giữa bối cảnh lựa chọn đầu tư hạn chế, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản kéo dài, thị trường chứng khoán biến động và đồng Nhân dân tệ suy yếu. Sự dịch chuyển đó cho thấy tâm lý cẩn trọng của nhà đầu tư trong việc bảo vệ tài sản của mình trong thời điểm kinh tế không chắc chắn”.
>>Không để giá vàng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế
Trung Quốc dù là quốc gia khai thác vàng hàng đầu thế giới nhưng vẫn phải nhập khẩu lượng vàng đáng kể, với tổng số hơn 2.800 tấn trong hai năm qua. Con số này vượt trội so với lượng vàng dự trữ trong các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) toàn cầu và bằng khoảng 1/3 lượng dự trữ của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed). Riêng trong hai tháng đầu năm nay, lượng nhập khẩu vàng đã tăng 53% so với cùng kỳ năm 2023, phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc đối với kim loại quý.
Đồng thời, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng tăng cường mua vào trong 17 tháng liên tiếp, là đợt mua dài nhất từ trước đến nay, nhằm đa dạng hóa nguồn dự trữ của mình khỏi đồng USD và phòng ngừa sự mất giá của tiền tệ. Đây là quốc gia “nhiệt tình” nhất trong số các ngân hàng trung ương đang ưa chuộng vàng và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì lượng mua vào năm 2024.
Trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng cao, thị trường Trung Quốc đã thể hiện sự khác biệt so với quy luật thông thường khi người tiêu dùng vẫn tiếp tục mua vàng dù giá ở mức cao, không giống như thói quen trước đây là chỉ mua khi giá giảm. Sự gia tăng bền vững của giá vàng đã khiến nhiều nhà đầu tư tại các thị trường khác phải điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu đang tăng tại Trung Quốc.
Vừa qua, Chính phủ nước này đã có động thái cảnh báo người dân về rủi ro khi mua vàng ở mức giá cao. Sở Giao dịch Vàng Thượng Hải (SGE) và Sở Giao dịch Hàng hóa Tương lai Thượng Hải (SFE) quyết định tăng tỷ lệ ký quỹ đối với một số hợp đồng vàng, nhằm hạn chế hoạt động đầu tư mang tính rủi ro cao. Bất chấp những biện pháp này, giao dịch vàng tại các sàn của Trung Quốc vẫn đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua và dự báo nhu cầu sẽ tiếp tục mạnh mẽ.
Các chuyên gia khuyến nghị, một cách ít rủi ro hơn để đầu tư vào vàng là thông qua quỹ ETF. Theo Bloomberg Intelligence, tiền chảy vào các quỹ ETF vàng ở Trung Quốc đại lục hầu như mỗi tháng kể từ tháng 6/2023. Điều đó được so sánh với dòng vốn chảy ra mạnh mẽ của các quỹ vàng ở phần còn lại của thế giới.
Dòng tiền đổ vào đã đạt tổng cộng 1,3 tỷ USD trong năm nay, so với 4 tỷ USD dòng tiền chảy ra từ các quỹ nước ngoài. Những hạn chế trong việc đầu tư vào Trung Quốc là một yếu tố then chốt, do người dân ngày càng có ít lựa chọn.
“Nhu cầu của Trung Quốc có thể tiếp tục tăng khi các nhà đầu tư tìm cách đa dạng hóa việc nắm giữ hàng hóa của họ”, nhà phân tích Rebecca Sin tại Bloomberg Intelligence lưu ý.
Có thể thấy, Bắc Kinh đã rất lo ngại khi trở nên quá phụ thuộc vào đồng bạc xanh và muốn đa dạng hóa nguồn dự trữ của ngân hàng trung ương. Mục tiêu đa dạng hóa phù hợp với mục tiêu của các quốc gia khác trong nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), những quốc gia có nền kinh tế được thiết lập nhằm vươn lên thống trị nền kinh tế toàn cầu vào năm 2050.
Các nhà phân tích của Hội đồng Vàng Thế giới kỳ vọng việc mua vàng của PBoC sẽ tiếp tục trong vài năm nữa, một tín hiệu cho thấy sự đa dạng hóa còn lâu mới kết thúc.
Ngay cả sau gần 18 tháng mua vào, dự trữ vàng của Trung Quốc vẫn chiếm khoảng 4% tổng dự trữ của PBoC. Con số đó thấp hơn nhiều so với ngưỡng dự trữ của ngân hàng trung ương các nước phát triển. Tuy nhiên, giá đã bị các nhà đầu cơ thổi phồng quá mức và nhu cầu tiếp tục của các ngân hàng trung ương như Trung Quốc có thể không thúc đẩy giá tăng cao hơn nhiều...
Có thể bạn quan tâm
03:36, 22/04/2024
11:20, 21/04/2024
03:59, 20/04/2024
05:30, 18/04/2024