Trong khi hàng loạt nền kinh tế đối mặt với tình trạng lạm phát cao thì Trung Quốc chứng kiến dòng chảy ngược lại: giảm phát.
>> "Báo động đỏ" kinh tế Trung Quốc
Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của nước này giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2021, trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm tháng thứ 10 liên tiếp, với mức giảm 4,4% trong tháng 7.
Chính phủ Trung Quốc đã có chính sách đặc biệt tránh khỏi “bão giá”, nhưng nhu cầu tiêu dùng cá nhân và đầu tư liên tục “rà đáy” sau khi chấm dứt “zero COVID".
Nguyên nhân được các nhà nghiên cứu chỉ ra là các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc “tiết kiệm” hơn nhiều so với phương Tây. Từ khi COVID-19 bùng phát đến nay, Trung Quốc chỉ bung ra 2.400 tỷ NDT, tương đương gần 300 tỷ USD, chủ yếu phân bổ cho xây dựng hạ tầng, giảm trực tiếp vào tiền lương cho lao động và thuế cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, cơn đại khủng hoảng bất động sản đầu năm 2022 chưa “tiêu hóa” hết dư chấn tiêu cực của nó. Điều này cộng với làn sóng nợ công kỷ lục tại các địa phương đặt ra nhiều thách thức với kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân dưa thừa công suất, cắt giảm đầu tư,… là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm phát ở Trung Quốc.
Đáng báo động, tỷ lệ lao động trẻ thất nghiệp (từ 16 đến 24 tuổi) tại khu vực thành thị ở Trung Quốc tăng cao kỷ lục, ghi nhận mức 21,3% vào tháng 6/2023. Theo một khảo sát của Đại học Bắc Kinh, nếu tính cả 16 triệu người trẻ thanh niên đang rảnh rỗi thì tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên có thể cao hơn 40% trong khoảng thời gian đầu năm 2023.
Lần đầu tiên sau 10 năm, Trung Quốc mất vị trí nhà xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ, nhường chỗ cho Canada và Mexico. Theo Bộ Thương mại Mỹ, số liệu đến ngày 8/8, hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ chỉ đạt 203 tỷ USD, giảm 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là hiện tượng cho thấy “công xưởng thế giới” bị lung lay.
>> Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc gây lo ngại
Câu chuyện này có nguồn gốc sâu xa từ mâu thuẫn chiến lược, hệ thống Trung - Mỹ. Thực trạng này có phần ảnh hưởng rất lớn từ chiến tranh thương mại 2018 và chương trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng hiện nay của Mỹ cùng đồng minh, chuyển các mắt xích trung gian hàng hóa về gần hơn, giảm thiểu rủi ro truyền thống và phi truyền thống, như dịch bệnh, xung đột vũ trang, chính trị.
Mảng nhập khẩu của Trung Quốc cũng ghi nhận sự suy giảm liên tiếp 5 tháng liên tục. Riêng tháng 7, nhập khẩu của nước này giảm 12,4%. Điều này cho thấy nhu cầu trong nước rất yếu. Chính phủ Trung Quốc chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5% cả năm 2023- con số khiến cả thế giới sốt ruột.
Đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng, kinh tế Trung Quốc không bùng nổ trong thời kỳ hậu COVID như nhiều dự báo, nghĩa là giảm phát đã bắt đầu. Nhưng vì sao giảm phát lại đáng sợ? Bởi vì nó phản ánh tổng cầu suy yếu, kéo theo sản lượng nền kinh tế, GDP bị thu hẹp,…
Trung Quốc là thị trường chủ đạo của Việt Nam, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, cà phê, hồ tiêu của nước ta giảm cả khối lượng lẫn giá trị trong thời gian Trung Quốc giảm phát. Trong khi đó, hệ sinh thái nhập khẩu nguyên liệu Trung Quốc - sản xuất tại Việt Nam - xuất khẩu sang Mỹ, EU có thể đón cơn gió “nghịch”.
Trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc rất lớn về nguyên, nhiên liệu tại thị trường Trung Quốc, nếu nước này điều chỉnh tỷ giá hối đoái đồng NDT, thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam lập tức bị ảnh hưởng, bài học từng xảy ra hồi năm 2016 khi Trung Quốc hạ giá đồng NDT khiến Việt Nam phải hạ đồng VND để ứng phó. Viễn cảnh này rất có nguy cơ xảy ra trong thời gian tới, bởi khi cầu trong nước sụt giảm mạnh, thì quốc gia này có thể sẽ giảm giá NDT để thúc đẩy xuất khẩu.
Hơn nữa, các nhà sản xuất lớn tại Trung Quốc đang thời kỳ “ngủ đông” trên ưu điểm giá sản xuất thấp, chắc chắn sẽ trỗi dậy trong tương lai gần, tạo ra dòng hàng hóa giá rẻ để xâm nhập vào các thị trường trong khu vực. Khi đó, hàng hóa Việt Nam sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh khốc liệt - lịch sử đã từng xảy ra rất nhiều lần.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát sao các diễn biến tiếp theo từ xuất nhập khẩu đến tỷ giá và lãi suất, nhất là chỉ số CPI và PPI của Trung Quốc để có chiến lược phù hợp. Điều quan trọng là phải đẩy mạnh đa dạng thị trường xuất nhập khẩu.
Có thể bạn quan tâm
"Lộ diện" lý do kinh tế Trung Quốc chưa thể phục hồi
04:00, 01/07/2023
Vì sao tốc độ phục hồi kinh tế Trung Quốc gặp trở lực?
03:00, 26/05/2023
Kinh tế Trung Quốc phục hồi sẽ cứu nền kinh tế toàn cầu?
11:10, 22/03/2023
Kinh tế Trung Quốc: "Lung lay" trụ cột tiêu dùng
04:30, 18/03/2023
"Cơn gió ngược" với kinh tế Trung Quốc
03:00, 08/03/2023
Kinh tế Trung Quốc hướng nội, Việt Nam ứng phó ra sao?
12:00, 27/02/2023
Kỳ vọng sự phục hồi kinh tế Trung Quốc
03:38, 03/02/2023