Kinh tế thế giới

Trung Quốc dự kiến huy động gần 1 tỷ USD vốn xanh, cơ hội nào cho Việt Nam?

Nam Trần 03/04/2025 04:10

Trung Quốc vừa khởi động đợt phát hành trái phiếu xanh chính phủ đầu tiên, với mục tiêu huy động 6 tỷ nhân dân tệ (826 triệu USD) và niêm yết tại London.

Chính phủ Trung Quốc muốn huy động khoảng 800 triệu USD từ phát hành trái phiếu xanh chính phủ lần đầu tiên (Ảnh: SCMP)

Theo Bloomberg, Bộ Tài chính Trung Quốc đưa ra mức lãi suất kỳ hạn 3 năm và 5 năm lần lượt là 2,3% và 2,35%/năm cho các lô trái phiếu này, với mức giá được chốt trong ngày 2/4.

Quyết định niêm yết trái phiếu xanh đầu tiên tại London cho thấy nỗ lực gần đây của Trung Quốc trong việc thúc đẩy mối quan hệ tài chính song phương chặt chẽ hơn với Vương quốc Anh. Đồng thời, phía Trung Quốc cũng bày tỏ tham vọng tiếp cận thị trường châu Âu – nơi được xem là thị trường mua nợ bền vững lớn nhất thế giới.

Trái phiếu xanh, huy động vốn cho các dự án thân thiện với môi trường, là sản phẩm tài chính được thiết kế để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khí hậu toàn cầu. Tổng lượng phát hành đã tăng vọt lên khoảng 700 tỷ USD vào năm ngoái, từ con số 41 tỷ USD một thập kỷ trước. Trong đó, trái phiếu xanh chính phủ là một loại trái phiếu do Nhà nước phát hành, thay vì doanh nghiệp hay tổ chức tài chính.

Dẫn dắt thị trường tài chính xanh châu Á

Trái phiếu xanh của Trung Quốc ra mắt trong bối cảnh thị trường trái phiếu xanh toàn cầu đang chững lại, bị bao phủ bởi quan điểm không ủng hộ chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đầu năm 2025, lượng phát hành trái phiếu xanh từ các nền kinh tế mới nổi (không bao gồm Trung Quốc) đã giảm khoảng một phần ba, xuống còn 8 tỷ USD, mức khởi đầu năm thấp nhất kể từ năm 2022.

Tuy vậy, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lại là điểm sáng, ghi nhận mức tăng trưởng 23% trong phát hành trái phiếu xanh so với năm 2024, phần lớn nhờ vào hoạt động mạnh mẽ của Trung Quốc, theo BloombergNEF. Sự khác biệt này cho thấy cam kết ngày càng lớn của Trung Quốc đối với tài chính xanh và tham vọng đóng vai trò lớn hơn trong quá trình chuyển đổi khí hậu toàn cầu.

“Đây là bước đi tích cực từ Trung Quốc. Một tín hiệu rõ ràng với thị trường rằng Trung Quốc vẫn cam kết với chương trình chuyển đổi xanh, bất chấp việc Mỹ đang thụt lùi, ”bà Rose Choy, Giám đốc nghiên cứu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Viện Trái phiếu Cố định Anthropocene, nhận định.

Dưới thời ông Trump, chính phủ Mỹ đã rút lui khỏi nhiều chương trình tài chính khí hậu và tác động tới Phố Wall. Chỉ có duy nhất một trái phiếu xanh tính bằng USD từ doanh nghiệp Mỹ – khoản trị giá 350 triệu USD của Oglethorpe Power – được phát hành trong quý I/2025. Đây là mức thấp nhất kể từ quý I/2015, cho thấy rõ sự sụt giảm mạnh trong nhu cầu tại khu vực doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Ông Johann Plé, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại AXA IM, cho rằng: "Một số doanh nghiệp Mỹ đơn giản là không muốn công khai các khoản đầu tư xanh của họ". Nguyên nhân có thể đến từ làn sóng phản đối ESG tại Mỹ, điều này cũng ảnh hưởng đến nhu cầu với trái phiếu tại các thị trường mới nổi.

Ngược lại, quyết định chiến lược của Trung Quốc khi niêm yết trái phiếu xanh đầu tiên tại London cho thấy nhu cầu mạnh mẽ vẫn còn từ các nhà đầu tư châu Âu đối với các sản phẩm môi trường. Việc niêm yết tại nước ngoài không chỉ giúp tiếp cận nhóm nhà đầu tư dễ đón nhận hơn mà còn củng cố khát vọng của Trung Quốc trong vai trò ngoại giao khí hậu toàn cầu – nhất là khi Mỹ đang dần lùi bước.

Bà Sonali Siriwardena, Giám đốc toàn cầu về ESG tại công ty luật Simmons & Simmons, nhấn mạnh tầm quan trọng của bước đi này, cho rằng nó đặc biệt có ý nghĩa “trong bối cảnh các nhà đầu tư châu Âu có nhu cầu rất lớn với đầu tư xanh và có trách nhiệm, giữa lúc thế giới bất ổn trong mục tiêu giảm phát thải – chẳng hạn như việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris,” và rằng nó có thể “thổi luồng sinh khí mới vào quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu.”

Bất chấp Mỹ rút lui khỏi tài chính xanh toàn cầu, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vẫn to lớn với cơ hội từ Trung Quốc và Châu Âu

Cơ hội xanh vẫn “dồi dào” cho Việt Nam

Đối với Việt Nam, những chuyển động toàn cầu này tạo ra một bức tranh phức tạp nhưng đầy tiềm năng, trong lúc đất nước cần huy động nguồn tài chính xanh để triển khai các dự án hạ tầng bền vững và hướng tới nền kinh tế ít phát thải.

Cam kết mạnh mẽ của Trung Quốc với tài chính xanh – thể hiện qua việc phát hành trái phiếu xanh có chủ quyền và đầu tư mạnh vào chuyển đổi năng lượng (chiếm 4,5% GDP vào năm ngoái, cao gấp đôi mức trung bình toàn cầu) – mở ra cơ hội hợp tác và thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, sự tương phản giữa việc Mỹ thoái lui và Châu Á tiến lên trong tài chính xanh có thể làm thay đổi dòng vốn đầu tư toàn cầu. Các tổ chức Việt Nam tìm kiếm tài trợ xanh có thể sẽ thuận lợi hơn khi tiếp cận nhà đầu tư và tổ chức tài chính từ châu Âu và châu Á – những khu vực vẫn duy trì nhu cầu mạnh mẽ trong lĩnh vực bền vững này.

Tất nhiên, không thể tránh khỏi việc các bất ổn vĩ mô và địa chính trị làm chậm lại tiến trình huy động trái phiếu xanh ở một số khu vực, theo ông Jameson McLennan – chuyên gia phân tích tại BNEF.

“Sự chững lại có thể là do các nhà phát hành đang đối mặt với bất ổn kinh tế vĩ mô và địa chính trị ngày càng tăng – bao gồm lãi suất cao kéo dài, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và nguy cơ chiến tranh thương mại,” ông Jameson McLennan nhận định. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến chi phí và khả năng tiếp cận tài chính xanh trên toàn cầu – bao gồm cả Việt Nam.

Bên cạnh đó, các chuyên gia quốc tế chỉ ra đang có sự dịch chuyển nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực khác như quốc phòng tại Trung Quốc và Châu Âu, có thể làm chậm lại tăng trưởng cho vốn xanh. Dữ liệu cho thấy đầu tư vào năng lượng sạch toàn cầu năm 2024 vẫn thấp hơn chi tiêu quốc phòng, với 2,1 nghìn tỷ USD so với 2,46 nghìn tỷ USD tương ứng. Vì vậy, việc huy động vốn cho các dự án xanh sẽ cần lập luận kinh tế thuyết phục và sự đồng thuận chiến lược với các mục tiêu phát triển rộng lớn hơn.

Bà Betty Pallard, CEO công ty tư vấn ESG & Climate Consulting, chỉ ra một số bài học quan trọng cho Việt Nam trong tiếp cận vốn xanh trong bối cảnh bất định.

Thứ nhất - Tập trung phát triển dự án xanh: Nhu cầu đầu tư xanh toàn cầu, đặc biệt từ châu Âu và châu Á, đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng danh mục các dự án xanh rõ ràng, khả thi về mặt kinh tế để thu hút nguồn vốn quốc tế.

Thứ hai - Đa dạng hóa nguồn tài trợ: Trước sự biến động và chênh lệch khu vực trong thị trường trái phiếu xanh, việc đa dạng hóa nguồn vốn và tìm kiếm đối tác từ châu Âu, châu Á là hết sức cần thiết.

Thứ ba - Tăng cường khung pháp lý: Một khung pháp lý minh bạch và vững chắc về tài chính xanh sẽ giúp củng cố niềm tin nhà đầu tư và tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh quốc tế.

Thứ tư - Học hỏi từ xu hướng toàn cầu: Theo dõi sát sao các diễn biến trên thị trường trái phiếu xanh toàn cầu – cả những nguyên nhân khiến một số khu vực chững lại lẫn những câu chuyện thành công – sẽ giúp đưa ra quyết định chiến lược hiệu quả hơn.

Theo bà Betty – một chuyên gia kinh tế xanh của EuroCham, tiềm năng kinh tế của Việt Nam vẫn còn rất lớn, đặc biệt là trong tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều đó, bản thân các doanh nghiệp cần điều chỉnh lộ trình kinh doanh theo hướng bền vững, cũng như tìm cách tiếp cận các nguồn tài chính xanh – một yếu tố quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc dự kiến huy động gần 1 tỷ USD vốn xanh, cơ hội nào cho Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO