Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc khó tránh khỏi suy thoái kinh tế - một phần đến từ chính sách mới của ông Tập Cận Bình chuyển đổi động lực tăng trưởng.
>>Trở lực kinh tế Trung Quốc
Một trong những biểu hiện cụ thể cho thấy kinh tế Trung Quốc khó cưỡng lại đà suy thoái. Chỉ trong tháng 8, gần 50 tỷ USD vốn đầu tư đã rời khỏi “công xưởng thế giới”. Nhà đầu tư bắt đầu nhận thấy môi trường kinh doanh tại Trung Quốc đã thay đổi theo chiều kích không còn thuận lợi như trước.
Mô hình kinh tế Trung Quốc từng được ngưỡng mộ, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhà nước toàn năng, trợ thủ bởi tư tưởng nho giáo, phát huy đúng lúc tính năng động của khu vực tư nhân - có thời điểm vượt trội hơn chủ nghĩa thị trường tân tự do ở phương Tây.
Nhưng công thức này hiện không còn hữu dụng, chính giới lãnh đạo cao cấp Trung Quốc từng phân vân giữa hai con đường: Tiếp tục nuôi dưỡng động lực chính là kinh tế tư nhân hay nêu cao quyền năng chính trị. Và cuối cùng, ông Tập Cận Bình đã chọn ưu tiên “củng cố quyền lực chính trị”.
Lý thuyết kinh tế cổ điển cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, các doanh nhân cần có quyền sở hữu mạnh mẽ. Tuy nhiên, Trung Quốc không muốn điều này. Họ bắt đầu tước bỏ bớt quyền lực của khu vực tư nhân trong nền kinh tế. Các nhà tư bản Trung Quốc một lần nữa bị gạt ra ngoài lề.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của các công ty bất động sản Evergrande, Country Garden và Sunac China Holdings đã phơi bày cách thức vận hành của kinh tế tư nhân tại Trung Quốc. Đó là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng bằng cách bơm vốn cho vay ồ ạt.
Những doanh nghiệp bất động sản kể trên sản sinh hàng loạt dự án khổng lồ, bỏ qua việc đo đếm nhu cầu thị trường, giúp chính phủ và chính quyền địa phương đạt được mục đích tạo ra việc làm, thu nhập, tăng trưởng GDP kỷ lục; đồng thời kéo theo rất nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ cùng phát triển.
>>Kinh tế Trung Quốc: "Lung lay" trụ cột tiêu dùng
Hệ sinh thái kinh tế bất động sản chiếm 30% GDP Trung Quốc - nên cú đổ vỡ “domino” lần này để lại lổ hổng quá lớn. Những con số ảm đạm trong ngành này trực tiếp làm cho thống kê tăng trưởng chung lùi về mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Cả doanh nghiệp công nghệ thấp và công nghệ cao của Trung Quốc đều được tạo ra bởi quá trình tự do hóa - toàn cầu hóa đối với lĩnh vực công nghệ cao và cải cách tài chính đối với khu vực nông thôn. Điều này phần lớn nhờ tiếp thu rất tốt bí quyết từ nước ngoài thông qua kênh FDI.
Nhưng bây giờ, Trung Quốc bị cuốn vào cuộc cạnh tranh với Mỹ, tâm lý “không dấu mình chờ thời” thúc đẩy Bắc Kinh đáp trả tương xứng với đối thủ, bằng cách "trừng phạt" doanh nghiệp nước ngoài, thay đổi chiến lược phát triển công nghệ theo hướng khép kín - đã gây ra cú sốc với doanh nghiệp Trung Quốc vốn không làm chủ được công nghệ lõi.
Nói cách khác, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tìm kiếm nội lực thay thế ngoại lực, dựa vào tài nguyên mới nổi như đất hiếm; khả năng bùng nổ công nghệ năng lượng sạch; các ưu thế về AI, dữ liệu lớn, mạng 5G, 6G.
Trung Quốc đang ở giai đoạn chuyển tiếp. Sở dĩ nguy cơ suy thoái kinh tế Trung Quốc khó tránh khỏi là do một phần có tính chủ động, muốn loại bỏ các động lực tăng trưởng cũ để đón đầu cuộc cách mạng công nghệ mới. Thành hay bại phải đợi thời gian trả lời!
Có thể bạn quan tâm
Toan tính của Trung Quốc khi tăng cường đầu tư vào Tây Phi
04:00, 25/09/2023
Bài học đắt giá cho EU trong cuộc chiến xe điện với Trung Quốc
04:00, 24/09/2023
Căng thẳng thương mại EU - Trung Quốc có dễ hoá giải?
03:30, 24/09/2023
Tham vọng AI của Trung Quốc sẽ thoái trào theo nền kinh tế?
04:00, 23/09/2023