Mặc dù Trung Quốc đang giảm số lượng khoản cho vay tại châu Phi, nhưng khu vực Tây Phi đang nổi lên như một cực tiềm năng mới hút vốn đầu tư của Trung Quốc.
>>Châu Phi sẽ "dẫn dắt" kinh tế thế giới?
Theo một trường đại học Mỹ, các khoản vay của Trung Quốc dành cho châu Phi đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Cụ thể, dữ liệu mới do Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston tổng hợp cho thấy, trong năm 2021 và 2022, Trung Quốc đã thực hiện 16 cam kết cho vay mới với tổng trị giá 2,22 tỷ USD đối với các nước châu Phi, đánh dấu hai năm liên tiếp cho châu Phi vay dưới 2 tỷ USD.
Trong Cơ sở dữ liệu về các khoản vay của Trung Quốc tại châu Phi, trung tâm này đã theo dõi 7 khoản vay trị giá 1,22 tỷ USD mà các nhà cho vay Trung Quốc đã ký với các nước châu Phi vào năm 2021, và 9 khoản vay khác lên tới 994,48 triệu USD vào năm ngoái. Tuy nhiên, đã có sự sụt giảm cả về số lượng cũng như giá trị các khoản vay so với những năm trước đại dịch.
Trong một tài liệu chính sách kèm theo dữ liệu khoản vay, trung tâm cho biết, trong những năm trước đại dịch từ 2017 đến 2019 và những năm đại dịch (2020-2022), mức cho vay trung bình của Trung Quốc đối với châu Phi đã giảm 37% từ 213,03 triệu USD xuống còn 135,15 triệu USD.
Sénégal, Bénin, Bờ Biển Ngà, Angola, Uganda, Ghana, Rwanda và Cộng hòa Dân chủ Congo là những nước vay Trung Quốc trong giai đoạn 2021-2022. Trong số đó, các quốc gia Tây Phi, vốn thường ít vay từ Trung Quốc, lại trở thành những nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các khoản vay mà Trung Quốc dành cho châu Phi trong những năm đó.
Trên thực tế, 1,92 tỷ USD, tương đương 86% số tiền của Trung Quốc đã được dùng để tài trợ cho các dự án ở Tây Phi, trong đó Senegal, Benin và Bờ Biển Ngà là những nước vay nhiều nhất. Sénégal đã vay Trung Quốc khoảng 923 triệu USD trong hai năm để tài trợ cho việc xây dựng đường sá, trung tâm dữ liệu và các dự án nước; Bénin nhận được 710 triệu USD và Côte d'Ivoire nhận được cam kết cho vay 200 triệu USD từ Trung Quốc.
>>Trung Quốc "bắt tay" các nước châu Phi hồi sinh sáng kiến BRI
Khi sáng kiến Vanh đai và Con đường được công bố lần đầu tiên vào năm 2013, chỉ có Đông Phi và Sừng châu Phi được tham gia sáng kiến này, với ý tưởng phát triển một khu vực hợp tác thương mại gần Kênh đào Suez. Các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù điều này không loại trừ các nước châu Phi khác vay mượn từ Trung Quốc, nhưng nhiều dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường đã được phát triển trên khắp Đông Phi, chẳng hạn như Đường sắt khổ tiêu chuẩn Ethiopia-Djibouti (SGR) năm 2013 và SGR của Kenya năm 2014.
Bà Lauren Johnston, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc-Châu Phi tại Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi ở Johannesburg, lưu ý rằng Tây Phi cách xa Trung Quốc hơn về mặt địa lý, trong khi thị trường hàng hóa của nước này cũng gắn bó với châu Âu và Mỹ. Bà cho biết, trọng tâm mới của Trung Quốc vào Tây Phi có thể được coi là giai đoạn thứ hai của Sáng kiến Vành đai và Con đường ở Châu Phi.
“Điều thú vị là các quốc gia trọng tâm mới này đều là các nền kinh tế ven biển hoặc có các cảng quan trọng và thường ít giàu tài nguyên như Ghana, Benin và Senegal” chuyên gia Johnston nói. Bà cũng lưu ý thêm rằng, các quốc gia bao gồm Kenya, Tanzania và Mozambique ở Đông Phi cũng có đường bờ biển và cung cấp các cửa ngõ giao thông đến thị trường quốc tế.
“Các quốc gia này là những điểm thắt có thể giúp các nền kinh tế không giáp biển trở thành nền kinh tế liên kết với đất liền", bà Johnston nhấn mạnh. Nói cách khác, sự tập trung mới của Trung Quốc vào các nền kinh tế Tây Phi cũng có thể là tin tốt cho các nước như Burkina Faso, Chad, Mali và Niger.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Boston cho biết, thông qua sự kết hợp giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường, Hợp tác Vành đai và Con đường chất lượng cao Trung Quốc-Châu Phi, việc cho vay trong tương lai có thể đồng nghĩa với việc có ít khoản vay quy mô lớn hơn trên 500 triệu USD, nhưng sẽ có nhiều khoản vay với giá trị nhỏ hơn, dưới 50 triệu USD và các khoản vay có nhiều tác động xã hội và môi trường.
Một trong những tác giả của nghiên cứu, bà Oyintarelado Moses, nhà phân tích dữ liệu và quản lý cơ sở dữ liệu của Sáng kiến Trung Quốc toàn cầu tại Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston đánh giá, mặc dù mức độ cho vay của Trung Quốc dành cho châu Phi đã giảm trong những năm gần đây, nhưng ảnh hưởng của nước này trong khu vực sẽ tiếp tục được cải thiện.
“Việc cho vay đã góp phần phát triển, mở rộng trao đổi ngoại giao và tăng cường hội nhập thị trường giữa Trung Quốc và các nước châu Phi. Với nền tảng đã được củng cố này, Trung Quốc có thể sẽ duy trì sự can dự với khu vực thông qua các kênh thương mại và ngoại giao, ngay cả khi việc cho vay ở mức thấp”, bà Moses nói.
Đồng quan điểm, ông Gyude Moore, một thành viên chính sách cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại Washington giải thích việc tập trung vào Tây Phi đơn giản là những dự án đó phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. “Với tiêu chí cho vay nghiêm ngặt hơn của Trung Quốc, Tây Phi đã đưa ra nhiều dự án phù hợp hơn", ông nói.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Ấn Độ đưa Liên minh châu Phi vào G20?
03:30, 10/09/2023
Vụ đảo chính Niger: Pháp có nguy cơ sụp đổ chiến lược châu Phi
04:00, 07/08/2023
Trung Quốc "bắt tay" các nước châu Phi hồi sinh sáng kiến BRI
03:30, 06/08/2023
Tổng thống Putin đang toan tính gì ở châu Phi?
04:30, 31/07/2023
Toan tính của Nga khi tìm cách cùng cố quan hệ với châu Phi
03:30, 28/07/2023