Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Nga cam kết vận chuyển ngũ cốc miễn phí đến ít nhất sáu quốc gia châu Phi trong vòng bốn tháng tới, nhằm củng cố hình ảnh của mình ở lục địa này.
>>Châu Phi sẽ "dẫn dắt" kinh tế thế giới?
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi tại St. Petersburg ngày 27/7, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga sẽ có vụ mùa bội thu trong năm nay và sẵn sàng thay thế nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine cho châu Phi trên cả cơ sở thương mại và viện trợ miễn phí.
"Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Cộng hòa Trung Phi và Eritrea 25-50 nghìn tấn ngũ cốc miễn phí trong vòng 3-4 tháng tới", ông Putin nói, đồng thời cho biết thêm rằng Nga sẽ vận chuyển miễn phí số ngũ cốc này tới người tiêu dùng châu Phi.
Bên cạnh đó, ông Putin cũng chia sẻ về việc rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen khi khẳng định rằng, các nước phương Tây đã không thực hiện được các cam kết về việc tạo điều kiện cho Nga xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.
Ông Putin cũng nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt của phương Tây thậm chí ngăn cản Nga cung cấp phân bón miễn phí cho các nước nghèo. "Phương Tây cản trở nguồn cung ngũ cốc và phân bón của chúng tôi thông qua lệnh trừng phạt. Song họ cũng đổ lỗi cho chúng tôi về tình trạng khủng hoảng hiện nay của thị trường lương thực thế giới", ông Putin nói.
Các quan chức Nga cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh, ông Putin cũng sẽ tổ chức các cuộc thảo luận song phương với các nhà lãnh đạo châu Phi. Một số thỏa thuận về văn hóa, nhân đạo và công nghệ dự kiến sẽ được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh, và dự kiến những nhà lãnh đạo tham gia cũng sẽ thông qua một tuyên bố chung.
“Trọng tâm chính tại hội nghị lần này sẽ dành cho việc phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa châu Phi và Nga, cũng như nhấn mạnh vào sự hỗ trợ của Nga đối với sự phát triển của khu vực châu Phi, đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với thực phẩm, phân bón, công nghệ hiện đại và nguồn năng lượng", Cố vấn chính sách đối ngoại của Điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết.
>>"Ngoại giao ngũ cốc" - quân bài mới của Nga tại châu Phi
Việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc vào tuần trước đã gây ra sự phản đối kịch liệt trên toàn cầu, đặt ông Putin vào thế phòng thủ, khiến ông tìm cách tiếp tục lôi kéo các nước châu Phi đứng về phía Nga trong cuộc xung đột địa chính trị với Mỹ và đồng minh. Giới quan sát nhận định, việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi tại thành phố St. Petersburg dường như nhằm báo hiệu cho các nhà lãnh đạo châu Phi rằng Nga là người bạn thực sự của họ.
Ông Alex Vines, lãnh đạo Chương trình châu Phi tại Chatham House, cho biết: “Moscow luôn mơ ước về một hệ thống tài chính và thương mại thay thế không bị ngắt kết nối. Và châu Phi trở nên quan trọng trong vấn đề này khi Nga đang nỗ lực tìm kiếm các mối quan hệ đối tác mới".
Một số ý kiến khác cho biết, tại St Petersburg, các nhà lãnh đạo châu Phi sẽ thực hiện các nỗ lực ngoại giao của họ một cách quyết đoán hơn nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, đang có sự phân hoá lớn ở châu Phi trong vấn đề này.
Tháng trước, đại diện của sáu quốc gia châu Phi đã đến thăm cả Nga và Ukraine trong nỗ lực hòa giải chiến sự Nga- Ukraine, nhưng đề xuất của họ phần lớn bị cả hai bên bác bỏ. Tuy nhiên theo ông Ronak Gopaldas, Giám đốc Signal Risk, một công ty tư vấn rủi ro châu Phi, cho biết: “Các bên liên quan ở châu Phi đang ngày càng lạc quan về những gì họ có thể cung cấp cho thế giới".
Do đó, ông Gopaldas lưu ý, mục tiêu của các quốc gia châu Phi tại Hội nghị với Nga lần này sẽ là đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế và chính trị để đạt được lợi ích chiến lược tối đa, đồng thời tìm kiếm những kết quả hữu hình ngoài những cam kết bề ngoài.
Nhưng trên thực tế, tham vọng địa chiến lược ngày càng tăng của Moscow đã không chuyển thành đầu tư vào châu Phi. Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi đầu tiên vào năm 2019, Nga đã cam kết tăng gấp đôi thương mại với các nước châu Phi lên 40 tỷ USD trong 5 năm, tuy nhiên kim ngạch thương mại giữa hai bên đã chững lại ở mức khoảng 18 tỷ USD với việc châu Phi nhập khẩu nhiều hơn gần 8 lần so với những gì Nga mua từ lục địa vào năm ngoái.
Hơn nữa, dữ liệu từ FDI Intelligence cho thấy, Nga chỉ chiếm 1% đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi. Ông Joseph Siegle, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Phi nhận định: “Moscow không có nhiều thứ để cung cấp cho khu vực châu Phi. Mục tiêu của Nga phần lớn mang tính biểu tượng; quốc gia này muốn chứng tỏ rằng trong suy nghĩ của nhiều nhà lãnh đạo châu Phi, Nga vẫn là một cường quốc toàn cầu”.
Có thể bạn quan tâm