Chính trị

Trung Quốc lạc quan về sự phát triển kinh tế Việt Nam

Trà My 18/08/2024 11:20

Các doanh nghiệp Trung Quốc rất lạc quan về sự phát triển kinh tế của Việt Nam và rất nhiều cơ hội kinh doanh mới.

tongbithu.jpeg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân đến Sân bay Quốc tế Bạch Vân, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc)

Vào 9h27' (giờ địa phương) ngày 18/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Sân bay Quốc tế Bạch Vân, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) về phía Trung Quốc có Ủy viên Trung ương Đảng, Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông Vương Vĩ Trung, Thị trưởng thành phố Quảng Châu Tôn Chí Dương, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba.

Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai và Phu nhân, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Nguyễn Việt Dũng và Phu nhân, cùng một số cán bộ Tổng Lãnh sự quán và bà con cộng đồng tại Quảng Châu.

Theo chương trình, tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Công viên Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương, dâng hoa tại mộ Liệt sĩ Phạm Hồng Thái; thăm Khu di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông; gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc.

Trong hơn 70 năm qua (18-1-1950 / 18-1-2024), quan hệ Việt Nam - Trung Quốc luôn giữ được tình hữu nghị, hợp tác. Tình hữu nghị do các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Thời gian qua, đặc biệt sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022, quan hệ giữa hai nước duy trì xu thế phát triển với những kết quả tích cực. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao được tích cực triển khai. Giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng được duy trì thường xuyên. Các cấp, ngành, địa phương hai bên tích cực khôi phục trao đổi đoàn.

Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 15 năm (2008-2023) hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, là cột mốc quan trọng trong mối quan hệ song phương. Lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc.

Sau 15 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vào năm 2008 đến nay, với phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, hợp tác trên các lĩnh vực đã đạt được nhiều tiến triển tích cực, toàn diện.

Quan hệ hai Đảng, hai nước không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu; phát triển ngày càng thực chất, vững chắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Hai nước đã đề ra phương hướng “6 hơn” bao gồm: Tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn.

Kể từ sau khi hai nước nhất trí làm sâu sắc và nâng tầm khuôn khổ quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” theo định hướng “6 hơn,” quan hệ hai nước tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực, lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành, hình thành không khí hợp tác sôi động, hiệu quả, thiết thực.

Hai bên đang trao đổi, xác định một số cơ chế đối thoại mới. Năm 2024, các hoạt động trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên, theo nhiều hình thức linh hoạt, cả trên kênh Đảng, Nhà nước và giao lưu nhân dân. Hai nước đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025 (18/1/1950-18/1/2025).

Đáng chú ý, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Trung Quốc không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất. Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc trên thế giới và lớn nhất trong ASEAN.

Lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tháng 7 năm 2024 của nước ta sang Trung Quốc tăng nhanh so với các tháng trước, nhiều mặt hàng có mức tăng cao, đạt trên 1 tỷ USD như điện thoại (1,45 tỷ USD, tăng 18% so với tháng 6), máy tính (1,24 tỷ USD, tăng 57%), cao su (173 triệu USD, tăng 124%)…

Lũy kế 7 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 33,4 tỷ USD, tăng 7,5%, tương ứng tăng gần 2,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Với hơn 1 tỷ USD thu về từ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (số liệu 6 tháng), mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt mức tăng trưởng 48% so với cùng kỳ. Đây là sự phục hồi ấn tượng, bởi năm ngoái mặt hàng này giảm 20,6%. Còn máy ảnh, quay phim và linh kiện đạt 2,43 tỷ USD, tăng 85%; hàng rau quả gần 2,2 tỷ USD, tăng 22,5%; giày dép gần 950 triệu USD, tăng 8,7%...

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), những tháng gần đây, đặc biệt tháng 6 và 7, đơn hàng từ Trung Quốc có sự cải thiện rõ rệt nhờ hồi phục về nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, tác động đáng kể vào số liệu xuất khẩu với bức tranh tăng trưởng ấn tượng”.

Ông Hứa Ninh Ninh - chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghiệp trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc - ASEAN, chuyên gia trưởng về hợp tác thương mại Trung Quốc - ASEAN cho rằng, còn nhiều dư địa để thúc đẩy đầu tư, thương mại hai chiều giữa hai bên. Các doanh nghiệp Trung Quốc rất lạc quan về sự phát triển kinh tế của Việt Nam và rất nhiều cơ hội kinh doanh mới.

Điều này đươc thệ hiện tại buổi làm việc mới đây giữa đoàn doanh nghiệp Trung Quốc với khoảng 150 thành viên, trong đó khoảng 50% là các chủ tịch và tổng giám đốc các doanh nghiệp đến thăm Việt Nam mới đây, doanh nghiệp hai nước đều bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác và tiến hành các hoạt động kết nối, đàm phán rất cụ thể, điều này khẳng định đầy đủ các cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Theo ông Hứa Ninh Ninh, các doanh nghiệp Trung Quốc rất sẵn sàng đầu tư, phát triển và khởi nghiệp tại Việt Nam. Phía Việt Nam cũng đã thu hút được các doanh nghiệp Trung Quốc với hàng loạt chính sách ưu đãi và điều kiện đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Ông Hứa Ninh Ninh tin tưởng rằng trong thời gian tới, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển hiệu quả, đi vào chiều sâu và thực chất.


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc lạc quan về sự phát triển kinh tế Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO