Tờ Washington Post dẫn lời các quan chức phương Tây cho rằng Trung Quốc động thổ căn cứ quân sự ở cảng Ream thuộc tỉnh Sihanoukville, Campuchia.
>>Thảm họa cuối “Vành đai và Con đường”
Trong khi cả thế giới hướng mắt về chiến sự Nga - Ukraine, hồi hộp theo dõi giá xăng dầu thì Trung Quốc vừa thực hiện hàng loạt bước đi mới nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng ra bên ngoài, như chuyến đi đến 8 quốc đảo trên Thái Bình Dương của Ngoại trưởng Vương Nghị.
Mới đây, tờ Washington Post dẫn lời các quan chức phương Tây cho rằng Trung Quốc đã động thổ căn cứ quân sự ở cảng Ream thuộc tỉnh Sihanoukville, Campuchia, trong vùng Vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, cả Bắc Kinh và Phnom Penh bác bỏ thông tin này.
Đầu năm nay, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) phát hiện các tàu nạo vét đang hoạt động ở vùng biển gần quân cảng Ream. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Những diễn biến này đe doạ lợi ích của Mỹ và các đối tác, an ninh khu vực, và chủ quyền của Campuchia”.
Tháng 6 năm ngoái, báo chí Campuchia dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh nói rằng: “Trung Quốc sẽ giúp Campuchia mở rộng và hiện đại hoá cảng Ream, nhưng không phải là nước duy nhất được tiếp cận cơ sở này”.
Chưa có bằng chứng nào xác đáng khẳng định Trung Quốc và Campuchia bí mật xây cảng quân sự, trong đó Trung Quốc được sử dụng độc quyền 1/3 diện tích. Tuy nhiên, từ năm 2010 mối quan hệ song phương này rất mặn nồng.
Trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Campuchia hồi tháng 10/2016, trên đường phố thủ đô Phnom Penh đã trưng bày hai bức chân dung rất trịnh trọng được sơn son thiếp vàng - Quốc vương Norodom Sihamoni bên cạnh Chủ tịch Trung Quốc.
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất ở Campuchia, tài trợ tới 7 dự án thủy điện tạo ra 50% sản lượng điện; xây dựng 3.000km cao tốc. Từ 2013 đến 2017 trung bình mỗi năm Bắc Kinh đổ 1 tỷ USD vào Campuchia.
Hàng loạt dự án lớn do Trung Quốc tài trợ đang triển khai ở miền Nam Campuchia, đặc biệt tại Sihanoukville, vùng đất có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng ở Đông Nam Á.
Sự hiện diện của Trung Quốc ở miền Nam Campuchia lớn đến mức, người ta gọi là “hội chứng Sihanoukville” sau khi chứng kiến miền đất này thay đổi hoàn toàn về tập tục, văn hóa, phong cách sống theo kiểu “phố Tàu”.
“Phố Tàu” Sihanoukville với 80 sòng bài, tụ điểm ăn chơi xô bồ, tệ nạn xã hội, chi phí đắt đỏ dường như chỉ dành cho khách du lịch Trung Quốc! Người Campuchia ngày càng lánh xa thành phố này chuyển sang Kampot, Siem Reap và Ratanakiri.
Hiện tượng bất mãn, hoặc di cư bất thường để lại khoảng không gian mênh mông cho người Trung Quốc mặc sức tung hoành, dựa trên cam kết “trải thảm đỏ” tiếp nhận đầu tư không giới hạn của Chính phủ ông Hun Sen.
>> Trung Quốc và những quân cờ cản Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương
Phong cách đầu tư, tài trợ, bao thầu xây dựng, kèm nhân công và bành trướng, nẩy nở ngay trong lòng quốc gia sở tại. Một trong những điển hình dễ nhận thấy là “cộng đồng dân cư Trung Quốc” mọc lên như nấm ở Campuchia và nhiều nước khác khắp toàn cầu.
Con đường ra Biển Đông, tiến xuống phía Nam Thái Bình Dương, vòng sang Ấn Độ Dương không gì tốt hơn bằng xuất phát từ Sihanoukville. Cách đó không xa là cảng Hambantota của Sri Lanka đã thuộc về Trung Quốc!
Sihanoukville và Hambantota cùng tạo thành một điểm thẳng hàng với Djibuti - căn cứ quân sự Trung Quốc duy nhất ở ngoài lãnh thổ được công khai, tọa lạc ngay cửa ngõ ra vịnh Aden từ kênh đào Suez. Đây là tuyến hàng hải cực kỳ quan trọng cho những con tàu đi qua cảng châu Âu - châu Mỹ đến những cảng phía nam châu Á, cảng phía Đông châu Phi và Châu Đại Dương.
Nếu Sihanoukville được phát triển thành căn cứ quân sự, dù của bất cứ quốc gia nào ngoài Campuchia vẫn là mối lo với nhiều quốc gia, kể cả việc xoay trục của Mỹ sang Châu Á- Thái Bình Dương.
Chính vì thế, thời gian gần đây Washington bày tỏ thái độ nghi ngại với ông Hun Sen. Trong quan điểm của Nhà trắng, sự kết hợp quân sự Trung Quốc - Campuchia sẽ giúp gia tăng đáng kể sức mạnh của cường quốc châu Á, thêm phương án đối phó Mỹ và đồng minh trong chiến lược xoay trục Châu Á- Thái Bình Dương.
Có thể bạn quan tâm