Trung Quốc rời "ngôi vương" nhập khẩu cá tra của Việt Nam

LINH NGA 23/03/2021 04:00

Từ vị trí là thị trường xuất khẩu hàng đầu cá tra Việt Nam năm 2020, Trung Quốc-Hồng Kông đã tụt xuống hạng 4. Theo Vasep, sự sụt giảm này là do nhiều cản trở trong đó có dịch Covid-19.

fasd

Tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đạt 13,55 triệu USD, giảm 38,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) thông tin, tính đến nửa đầu tháng 2/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đạt 13,55 triệu USD (chiếm 8,5% tổng giá trị xuất khẩu cá tra), giảm 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Hồng Kông cũng giảm 40,5%.

Theo Vasep, sự sụt giảm không mong muốn này là hệ lụy của cả năm 2020, xuất khẩu sang thị trường này gặp nhiều cản trở trong đó có dịch Covid-19. Ngay từ đầu năm 2020, việc các nhà máy chế biến thủy sản Trung Quốc trở lại muộn, gián đoạn giao thương do virus corona đã khiến giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đột ngột giảm sút.

Kể từ cuối quý 2 và đầu quý 3, hoạt động sang thị trường này trở nên nhộn nhịp hơn chuẩn bị cho Lễ quốc khánh của Trung Quốc. Tháng 10/2020, giá xuất khẩu cá tra phile đông lạnh sang Trung Quốc – Hồng Kông bất ngờ tăng lên mức 2,52 USD/kg, đây là mức giá cao hơn so với cùng kỳ năm trước và cao hơn hẳn so với các tháng trong năm, dao động từ 1,55 – 1,65 USD/kg. Mức giá này thấp hơn so với quý trước.

Tuy nhiên sau đó, chính sách kiểm soát dịch bệnh qua đường biên và tại các cảng, cửa khẩu đối với tất cả sản phẩm thực phẩm nhập khẩu đã khiến không chỉ cá tra Việt Nam mà nhiều sản phẩm thủy sản nhập khẩu khác của các nước bị ngưng trệ.

Bên cạnh đó, theo Vasep, từ quý cuối năm 2020, chính quyền Quảng Tây, Trung Quốc là địa phương có biên giới với 4 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang cũng đã đưa ra một số yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu thực phẩm đông lạnh.

Theo đó, mặt hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu nếu không có đủ 4 loại giấy tờ gồm: giấy chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu, chứng nhận khử trùng, thông tin truy xuất nguồn gốc hợp pháp và xét nghiệm axit nucleic âm tính với Covid-19, sẽ không được phép tiêu thụ trên thị trường.

Thực phẩm đông lạnh nhập khẩu vào Quảng Tây qua các cửa khẩu, cảng biển khi bảo quản, tiêu thụ và gia công trên địa bàn phải được nhập kho giám sát tập trung của địa phương, thực hiện lấy mẫu axit nucleic, khử trùng toàn bộ bề mặt hàng hóa, quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Với các sản phẩm đã thực hiện công tác trên tại tỉnh, thành phố khác của Trung Quốc vẫn phải nhập kho để đối chiếu, sau đó có thể tiêu thụ hoặc gia công...

Các sản phẩm cá tra xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông chủ yếu là cá tra phile đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh, bong bóng cá chiên/khô/sấy, cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh, bụng cá tra đông lạnh, cá tra phile cắt khúc/cắt miếng còn da, cá tra cắt portion đông lạnh, cá tra phile tẩm gia vị đông lạnh, cá tra nguyên con bỏ nội tạng đông lạnh…

Năm 2020, có gần 145 doanh nghiệp, hợp tác xã xuất cá tra sang thị trường Trung Quốc, 40 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông, trong đó, 3 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Trung Quốc trong thời gian này là: IDI Corp; VINH HOAN Corp và TG FISHERY. Ba doanh nghiệp cá tra xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Hồng Kông là IDI Corp, VINH HOAN Corp và VDTG FOOD

Về thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam, các chuyên gia kinh tế nhận định với sự cộng hưởng của các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực theo thời gian, giá trị sản phẩm cá tra Việt Nam lưu hành trên thị trường thế giới sẽ cao hơn. Cụ thể, Hiệp định Thương mại tự đó Việt Nam - châu Âu (EVFTA) sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm 2021 nhờ mức chênh lệch về thuế. Sau 3 năm hiệp định này có hiệu lực, các sản phẩm cá tra Việt Nam hầu hết sẽ giảm về mức thuế 0%, thấp hơn mức thuế của các đối thủ cạnh tranh như Indonesia (4,5% - 9%), Trung Quốc (0% - 9%).

Đặc biệt, trong các thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam thì Vương quốc Anh đang trở thành điểm sáng khi kim ngạch liên tục tăng. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) tác động tích cực đến xuất khẩu cá tra Việt Nam. Ước tính, trong năm 2020 kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 65,6 triệu USD, tăng 48% so với năm 2019.

Như vậy, năm 2020, Anh là thị trường xuất khẩu duy nhất đạt mức tăng trưởng dương liên tục bất chấp dịch COVID-19. Đáng chú ý, tỷ trọng cá tra chế biến (HS 1604) tăng mạnh, chiếm 32% tổng xuất khẩu cá tra và tăng hơn 1.400% so với cùng kỳ năm trước. Một yếu tố tích cực ở thị trường này phải kể đến là giá. VASEP ước tính, giá cá tra nhập khẩu trung bình của Anh cũng tương đối ổn định, dao động từ 2,98 - 3,98 USD/kg và đây là mức tương đối khả quan với cá tra Việt Nam. Nếu giá trị xuất khẩu tại Anh tiếp tục khả quan trong thời gian tới thì mức tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm này qua Anh có thể đạt ít nhất 10% trong năm 2021.

Ngoài yếu tố trên, tại thị trường Anh còn có tác động tích cực của UKVFTA có hiệu lực từ ngày 31/12/2020. Theo thông báo chính thức của Chính phủ Anh, Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong danh sách các nước thụ hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GPS) của Anh. Như vậy hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang nước này được hưởng thuế quan ưu đãi GPS khi doanh nghiệp nhập khẩu xuất trình C/O mẫu A theo quy định.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp của

    Doanh nghiệp của "nữ hoàng cá tra" đang rơi vào thế khó?

    11:00, 18/02/2021

  • Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc gặp khó

    Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc gặp khó

    21:09, 30/11/2020

  • Xuất khẩu cá tra khởi sắc nhờ sức mua từ Trung Quốc

    Xuất khẩu cá tra khởi sắc nhờ sức mua từ Trung Quốc

    04:00, 17/11/2020

  • Đồng bằng sông Cửu Long thiếu cá tra giống chất lượng để thả nuôi

    Đồng bằng sông Cửu Long thiếu cá tra giống chất lượng để thả nuôi

    15:08, 13/11/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc rời "ngôi vương" nhập khẩu cá tra của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO