Kinh tế thế giới

Trung Quốc tạo đòn bẩy “kinh tế trẻ”

Trương Khắc Trà 01/04/2025 11:03

Sau thời kỳ dài tận dụng đòn bẩy ngoại lực, nền kinh tế Trung Quốc đã trở lại với những lợi thế sẵn có. Trong đó, “kinh tế trẻ” là sáng kiến có giá trị.

sang lap2
Deepseek mới thành lập tháng 5/2023 tại Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc, nhưng đã gây chấn động toàn thế giới. (Nhà sáng lập DeepSeek Lương Văn Phong (phải) phát biểu tại một cuộc hội thảo do Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chủ trì hôm 20/1/2025. Ảnh: CCTV)

Kinh tế trẻ Trung Quốc được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này trong những năm tới.

Đầu tư cho tương lai

Một trong năm ưu tiên chiến lược kinh tế của Trung Quốc là “chăm sóc trẻ em” - điều này không chỉ được nhìn nhận dưới góc độ nhân khẩu, xã hội học thông thường, mà đã được nâng lên tầm tư duy cao hơn - động lực tăng trưởng kinh tế cho hiện tại và tương lai.

Tại thành phố thủ phủ Hohhot của khu tự trị Nội Mông đã thí điểm chương trình trị giá 300 tỷ nhân dân tệ. Trong đó, có khoản trợ cấp 100.000 nhân dân tệ cho trẻ em sinh ra tại địa phương đã đăng ký hộ khẩu và làm việc tại thành phố này.

Các cặp đôi ở Trung Quốc có thể được hưởng trợ cấp một lần là 10.000 nhân dân tệ khi sinh đứa con đầu lòng. Đứa con thứ hai của họ đủ điều kiện nhận trợ cấp hàng năm là 10.000 nhân dân tệ cho đến khi đứa trẻ lên 5 tuổi. Nếu các cặp đôi sinh đứa con thứ ba, chính quyền sẽ cung cấp hỗ trợ 10.000 nhân dân tệ mỗi năm cho đến khi đứa trẻ lên 10 tuổi.

Tại trung tâm công nghệ Thâm Quyến đang cân nhắc một khoản trợ cấp tương tự cho lớp trẻ. Hiện nay, có khoảng 20 tỉnh, thành trên toàn Trung Quốc đã cung cấp một số loại trợ cấp chăm sóc trẻ em. Điểm chung là hỗ trợ tiền mặt cho các cặp vợ chồng, một phần trong số đó được chi dưới dạng phiếu mua sản phẩm cho trẻ em.

Theo nhiều chuyên gia, chính sách này sẽ đem lại một số tác động tích cực cho nền kinh tế Trung Quốc:

Thứ nhất, đây là chiến lược dài hạn thể hiện tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc, góp phần giải quyết tình trạng không sinh con. Số ca sinh trên một phụ nữ ở Trung Quốc vào năm 2022 là 1,2, giảm so với mức 1,8 vào năm 2012.

Thứ hai, trước mắt chính sách này giúp giảm áp lực tài chính cho hàng triệu hộ gia đình, đi kèm với nhu cầu chi tiêu, qua đó vực dậy nhu cầu trong nước. Các nhà phân tích của Citibank cho rằng, nếu trợ cấp chăm sóc trẻ em ở Hohhot có thể được mở rộng ra toàn quốc, thì có thể tạo ra thêm 0,2% doanh số bán lẻ trong năm đầu tiên, góp phần thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Thứ ba, chính sách này sẽ góp phần cải thiện tình trạng già hóa dân số, tạo ra thế thế hệ tương lai tốt hơn về chỉ số phát triển con người (HDI).

Các nhà phân tích của Goldman Sachs đánh giá “hướng đi của các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng của Trung Quốc là đúng đắn”, bao gồm loạt động thái tăng lương tối thiểu, ổn định thị trường chứng khoán, tăng thu nhập của nông dân, giải quyết tình trạng nợ đọng với các doanh nghiệp…

Hàm ý cho Việt Nam

Trên thực tế, cơ cấu nhân chủng học, đặc điểm dân cư, nhân khẩu tại Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc. Một trong số đó là xu hướng già hóa, thâm hụt lực lượng lao động và trào lưu sinh ít con, thậm chí ngại lập gia đình, sinh con.

Bộ Chính trị quyết định miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông công lập từ năm học mới 2025-2026 là chủ trương rất đúng đắn. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần tiếp tục có chính sách tác động vào từng gia đình, như hỗ trợ tài chính cho việc sinh con và nuôi dạy trẻ; mở rộng dịch vụ giáo dục, y tế cho đối tượng này để giảm áp lực cho những gia đình trẻ.

Ngoài ra, một nhu cầu bức bách đặt ra hiện nay là “sinh kế cho thế hệ trẻ khởi nghiệp”, trong đó tìm việc làm và không gian định cư là then chốt. Đáp ứng được 2 điều kiện này sẽ bổ sung thêm đáng kể nhu cầu tiêu dùng. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: “Phải có chính sách hỗ trợ nhà cho người trẻ từ quê lên thành phố”.

Còn nhớ, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TPHCM đã từng đặt ra vấn đề “cần có chính sách quốc gia về nhà ở cho giới trẻ” trong độ tuổi 25-35. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần tháo gỡ nhiều điều kiện “cứng” để được tiếp cận vốn ưu đãi.

Bài học nhãn tiền về kinh tế trẻ ở Nhật Bản cho thấy, thế hệ 7x, 8x của nước này không tài ba bằng tiền bối của họ. Ví dụ điển hình là hầu hết các công ty lớn nhất, giàu chất xám nhất xứ “hoa anh đào” như Honda, Toyota, Sony, Nippon, Mitsubishi, Nissan, Sumitomo đều ra đời trước năm 1946. Chỉ có 2 tập đoàn tài chính lớn hình thành muộn hơn - Softbank được thành lập năm 1981, Mizhuho được thành lập năm 2002.

Trong khi đó, hàng loạt startup “kỳ lân” Trung Quốc có tuổi đời rất trẻ. Lịch sử Deepseek mới được tính bằng tháng; hãng sản xuất xe điện lớn nhất hành tinh BYD ra đời năm 2003, ByteDance, Shein mới thành lập năm 2012,…

Nếu có chính sách phát triển “kinh tế trẻ” sớm hơn sẽ giúp Việt Nam duy trì thế hệ kế cận, tránh “vết xe đổ” về dân số như Nhật Bản, châu Âu. Đồng thời, tạo ra động lực tăng trưởng tiêu dùng đáng kể, góp phần ổn định nhịp độ phát triển kinh tế. Nhưng quan trong hơn, giới trẻ mới là chủ nhân của kinh tế sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc tạo đòn bẩy “kinh tế trẻ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO