Trung Quốc dự kiến sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ với Trung Á khi Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón các nhà lãnh đạo trong khu vực này.
>>Trung Quốc, Mỹ, Nga cạnh tranh quyết liệt ở Trung Á
Bắc Kinh đã ca ngợi Hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc với 5 nước Trung Á, gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan trong tuần này là “sự kiện ngoại giao lớn đầu tiên mà Trung Quốc đăng cai trong năm nay”.
Dự kiến, Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á lần thứ nhất sẽ được diễn ra ở Tây An, thuộc tỉnh Thiểm Tây, trùng với thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Nhóm G7 tổ chức ở Hiroshima, Nhật Bản.
Hội nghị này cũng diễn ra vài tuần sau cuộc điện đàm được mong đợi từ lâu của giữa Chủ tịch Tập với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, làm dấy lên suy đoán rằng Bắc Kinh có thể thể hiện mình là một đối tác an ninh đáng tin cậy đối với một khu vực có truyền thống dựa vào sự đảm bảo an ninh của Nga.
Bắc Kinh từ lâu đã coi Trung Á là một khu vực quan trọng đối với việc mở rộng thương mại và an ninh năng lượng của đất nước, cũng như đối với sự ổn định ở khu vực Tân Cương. Giới quan sát cũng nhận định, Trung Quốc đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Á, khi ông Tập đã đến thăm Kazakhstan và Uzbekistan trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ những ngày đầu của đại dịch COVID-19 vào tháng 9 năm ngoái.
Bắc Kinh cho biết, hội nghị thượng đỉnh sẽ là “một cột mốc quan trọng trong lịch sử” của Trung Quốc và Trung Á. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, các thoả thuận quan trọng sẽ được ký bởi 6 nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh sẽ mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai bên.
Ông Zhu Yongbiao, Giáo sư tại Trường chính trị và quan hệ quốc tế của Đại học Lan Châu, cho biết mối quan hệ chặt chẽ của Trung Quốc với Trung Á hiện được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự ngoại giao của Trung Quốc.
“Trong quá khứ, sự hợp tác của Trung Quốc với các nước Trung Á chủ yếu ở cấp độ song phương hoặc dưới các nền tảng đa phương như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Giờ đây, Trung Quốc muốn một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với Trung Á nói chung”, ông Zhu nói.
>>Mỹ có cạnh tranh được với Nga - Trung tại Trung Á?
Ông Zhu cũng chỉ ra, Trung Quốc là cường quốc duy nhất trên thế giới duy trì mối quan hệ cấp cao như vậy với khu vực này. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của Mỹ chưa bao giờ đặt chân đến Trung Á.
Dự kiến, các vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn như cuộc chiến tại Ukraine và cuộc khủng hoảng ở Afghanistan, cũng sẽ được thảo luận khi các nhà lãnh đạo gặp nhau ở Tây An. Trung Quốc và ba quốc gia Trung Á Turkmenistan, Uzbekistan và Tajikistan đều là láng giềng của Afghanistan. Họ đã chia sẻ những lo ngại về mối đe dọa ngày càng tăng từ những kẻ cực đoan kể từ khi Mỹ rút quân khỏi quốc gia này và Taliban nối lại quyền kiểm soát.
Năm quốc gia Trung Á theo truyền thống được coi là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của Nga, nhưng không quốc gia nào ủng hộ cuộc tấn công Ukraine của Moscow. Mặc dù năm quốc gia Trung Á không chỉ trích cuộc tấn công Ukraine của Nga và bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu lên án hành động của Nga tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 2/2023, nhưng họ cũng không ủng hộ rõ ràng các hành động gây hấn của quốc gia này.
Ồng Wang Jian, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết Bắc Kinh đã tập trung nhiều hơn vào các mối quan hệ với Đông Nam Á, nhưng Trung Á vẫn rất quan trọng đối với an ninh của Trung Quốc.
“Trung Quốc đang rất chú ý đến Trung Á, đặc biệt là sau cuộc chiến Ukraine. Trung Á là chìa khóa cho an ninh của vùng Tây Bắc Trung Quốc, và những thay đổi trong tình hình an ninh ở Nga và Trung Á sẽ có tác động quan trọng đến lợi ích an ninh của biên giới phía Bắc và Tây Bắc của quốc gia này", ông nói thêm.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng nỗ lực thúc đẩy quan hệ của Trung Quốc với Trung Á sẽ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ Mỹ. Kể từ năm 2015, Mỹ đã sử dụng Hội nghị thượng đỉnh C5+1 hàng năm giữa Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng của 5 quốc gia Trung Á để mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực.
Tại hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất ở Astana, thủ đô của Kazakhstan, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết chiến sự Nga- Ukraine đã đặt ra cho Mỹ và Trung Á những thách thức chung, và các quốc gia Trung Á bày tỏ lo ngại về tác động lan tỏa của các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đối với nền kinh tế của họ.
Các chuyên gia cho rằng, là những nước láng giềng gần gũi và phụ thuộc nhiều vào Nga trong phát triển kinh tế, năm nước Trung Á cần cân nhắc cẩn thận lợi ích quốc gia trong bối cảnh các cuộc cạnh tranh giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra gay gắt, đồng thời tránh làm mất lòng bất kỳ bên nào.
Có thể bạn quan tâm