Với tầm nhìn xa hơn, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, TP.HCM cần chuyển sang nền kinh tế có tính đổi mới sáng tạo chứ không thuần túy dựa vào đầu tư.
Mở đầu bài phát biểu tại Hội thảo Khoa học "Định hướng phát triển TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045", TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng, để có thể phát triển, cần định vị xem TP.HCM đang ở đâu và muốn TP.HCM như thế nào trong giai đoạn tới? Nếu lựa chọn và định vị TP.HCM như thế nào thì sẽ có sự ứng xử tương xứng như vậy?
Cuộc chơi của thế giới, của toàn cầu từ khoảng 10 - 20 năm nay đã hoàn toàn khác, nên TP.HCM cũng cần có chiến lược hoàn toàn khác. Thay vì chỉ hướng TP.HCM là đầu tàu của cả nước, điều đó đúng nhưng chưa đủ, thì "cần coi TP.HCM là siêu đô thị toàn cầu, trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa ở khu vực Đông Nam Á và tiến tới là Châu Á". Đó là định vị cần hướng tới.
Để thực hiện được điều đó, theo TS Vũ Thành Tự Anh, cần một loạt ưu tiên chiến lược, không làm dàn trải vì sẽ không đủ nguồn lực về cả thời gian, sự tập trung, thể chế, nhân lực… Với TP.HCM, nên hạn chế và tiến tới không còn những ngành công nghiệp đang làm nữa mà nên chuyển sang dịch vụ. Nếu TP.HCM tiếp tục định vị mình như một thành phố phát triển công nghiệp, thì không chỉ bất khả thi, mà còn đánh mất cơ hội của TP.HCM trong 10 - 20 năm nữa.
“Trước đây, nền kinh tế TP.HCM phụ thuộc nhiều vào chi phí rẻ, dựa vào đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế tư nhân trong nước và dân số nhập cư, đẩy kinh tế phát triển, nhưng tốc độ phát triển kinh tế chưa cao. Trong 10 năm tới, động lực tăng trưởng phải là năng suất. Nếu cho tôi chọn 1 chữ thôi thì chữ đó là “năng suất”. Để thực hiện được năng suất thì phải phát triển khu vực tư nhân nội địa và đây là thế mạnh nổi bật của TP.HCM so với cả nước. Song song đó là tăng cường cạnh tranh nội địa, tạo ra môi trường cạnh tranh và “thị trường nhất” có thể. Đây là mệnh lệnh cho sự phát triển, nếu TP.HCM không làm được thì thụt lùi. Cùng với đó là TP.HCM phải mở cửa thị trường và hội nhập, cần tiên phong trong cả nước để làm được điều này”, TS. Vũ Thành Tự Anh nói.
TS.Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng, TP.HCM cần khuyến khích tăng năng suất, phát triển cơ sở hạ tầng. Ngay cả khái niệm cơ sở hạ tầng cũng cần thay đổi, xem lại. Đồng thời, cần hình thành các cụm ngành then chốt của TP.HCM, trong đó có Trung tâm tài chính quốc tế của cả nước đặt tại TP.HCM.
Với tầm nhìn xa hơn, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, TP.HCM cần chuyển sang nền kinh tế có tính đổi mới sáng tạo chứ không thuần túy dựa vào đầu tư. TP.HCM phải có gì đó độc đáo, sáng tạo. Và điều đó đòi hỏi Thành phố phải có nhân lực có kỹ năng cao, có cơ sở khoa học – công nghệ, có các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và tạo các cụm ngành có năng lực cạnh tranh nổi trội…
“Chúng ta biết TP.HCM là thành phố luôn đứng đầu, đầu tàu trong cả nước về kinh tế. Nhưng nhìn ra khu vực thì TP.HCM lại thua kém nhiều đô thị khác trong khu vực và trên thế giới. Nên Thành phố cần có tầm nhìn xa và nhìn trước, còn cứ đi theo tư duy cũ, tầm nhìn cũ, thì không bao giờ bứt phá được. Trước hết, đòi hỏi sự tự bứt phá ngay trong tư duy của mình”, TS. Vũ Thành Tự Anh chia sẻ.
Nêu ví dụ về tầm nhìn xa, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, trong giai đoạn dài, không riêng TP.HCM mà cả nước, háo hức, hồ hởi hội nhập. Nhưng khi hội nhập đã đánh mất thị trường trong nước và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Đây là 2 điều chí tử. Hội nhập là quan trọng nhưng nội lực mới là then chốt cần luôn luôn tâm niệm, bởi không một đô thị lớn nào, không một quốc gia nào phát triển chỉ nhờ ngoại lực mà cần trau dồi nội lực.
Đối với các điều kiện để thực hiện chiến lược phát triển TP.HCM, TS. Vũ Thành Tự Anh nêu 3 nút thắt lớn, mà theo ông trong thời gian tới cả 3 điều này cũng cần một tư duy hoàn toàn khác.
Thứ nhất là về cải cách thể chế, trong 10 năm qua, các địa phương trong cả nước đã không đến TP.HCM học tập kinh nghiệm cải cách nữa. TP.HCM không còn là niềm hứng khởi, không tạo ra cảm hứng cho các tỉnh, thành, cho cả quốc gia về cải cách. Nếu TPHCM muốn phát triển, muốn đi hàng đầu, muốn trở thành siêu đô thị sánh ngang với các đô thị lớn ở khu vực mà lại không làm được điều này – cải cách - thì đồng nghĩa đã tự loại ra khỏi cuộc chơi.
Thứ hai là cải cách thể chế về môi trường kinh doanh và đầu tư. Trước đây, chúng ta chỉ nói về thu hút lao động chi phí rẻ, kỹ năng trung bình… Bây giờ, cần làm thế nào để thu hút được những tập đoàn lớn nhất đến TP.HCM. Muốn vậy thì TP.HCM phải tạo môi trường “đất lành chim đậu” cho người dân và tạo ra các “ổ” để đón “đại bàng”. Về nhân lực, TP.HCM phải có chất lượng nhân lực cao hàng đầu khu vực.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM cần giữ vững vai trò đàu tàu kinh tế của cả nước
15:01, 05/05/2021
TP.HCM: Tạm dừng hoạt động karaoke, quán bar, vũ trường từ 18 giờ ngày 30/4
15:24, 30/04/2021
Ì ạch cải tạo chung cư cũ (KỲ VIII): Câu chuyện dài hơi tại TP.HCM
06:30, 28/04/2021
TP.HCM: Nghiêng tàu, 18 container rơi xuống sông Xoài Rạp
14:54, 26/04/2021
TP.HCM “xin tiền” làm cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo hình thức PPP
06:00, 26/04/2021
Thí điểm thu thuế cho thuê căn hộ tại TP.HCM
05:00, 26/04/2021