Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Theo TS. Trần Du Lịch, giữ vững vị thế, vai trò đầu tàu của TP.HCM là vấn đề mang tầm quốc gia chứ không phải chuyện riêng của Thành phố.
Phát biểu tại Hội thảo Khoa học định hướng phát triển TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, do UBND TP.HCM tổ chức sáng nay (5/5), Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong hơn 45 năm qua, TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Giai đoạn 2016 - 2019, GRDP của TP.HCM tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP và hơn 26% thu ngân sách cả nước.
Riêng năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, TP.HCM vẫn cơ bản hoàn thành nhiệm vụ kép, kinh tế tăng trưởng 1,39%, thu ngân sách đạt hơn 371.000 tỷ đồng và vẫn đóng góp hơn 25% thu ngân sách quốc gia. Đặc biệt, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách trên địa bàn TP.HCM đã tăng từ mức 61,1% năm 2016 lên 71,4% năm 2020.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể theo tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương.
Cụ thể, đến năm 2025, TP.HCM sẽ là đô thị thông minh, Thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. TP.HCM sẽ đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình cùng GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD.
Đến năm 2030, sẽ là Thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, Thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD và là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn 2045, TP.HCM sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Để triển khai hiệu quả những định hướng đó, Thành phố nhận thức cần phải phân tích đánh giá dự báo các yếu tố đặc thù, nhất là khơi dậy các tiềm năng. Cùng với đó là tìm kiếm các giải pháp đột phá trong bối cảnh mới, cụ thể các mô hình giải pháp này như là một đầu bài trong nhiệm vụ quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045.
“Việc tổ chức hội thảo hôm nay là 1 trong số nhiều giải pháp để Thành phố lắng nghe ý kiến, hiến kế của các chuyên gia nhằm hiện thực hoá khát vọng phát triển vươn lên mạnh mẽ của Thành phố, đưa TP.HCM hướng tới một đô thị thông minh, năng động sáng tạo mang đẳng cấp khu vực và quốc tế", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói.
Theo TS. Trần Du Lịch, giữ vững vị thế, vai trò đầu tàu của TP.HCM là vấn đề mang tầm quốc gia chứ không phải chuyện riêng của TP.HCM. TS. Trần Du Lịch cho rằng, Việt Nam có phát triển được hay không, nằm ở chỗ có, hay không, tận dụng được động lực này – phát triển đầu tàu kinh tế TP.HCM.
Trước thực tế TP.HCM đang giảm dần tốc độ tăng trưởng, TS. Trần Du Lịch cho rằng, TP.HCM phải xem lại khả năng chống chịu trước những khả năng bất thường của nền kinh tế. Bất cập lớn nhất vẫn là hạ tầng, nhất là giao thông kết nối vùng, mà theo TS. Trần Du Lịch là quá chậm trễ để giải quyết bài toán liên vùng để phát triển. Đây là đô thị đặc biệt, có nhiều lần có cơ chế đặc thù nhưng vẫn là chiếc “áo chật”, hạn chế khả năng năng động sáng tạo của TP.HCM.
Để TP.HCM tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước, TS.Trần Du Lịch cho rằng, trong 10 năm tới TP.HCM cần duy trì tốc độ tăng trưởng gấp 1,2 - 1,5 lần mức bình quân cả nước. Hoạt động kinh tế phải là hoạt động mang tính thị trường nhất cả nước, nếu không sẽ không còn năng động.
“Theo tôi, vấn đề đột phá là giao thông kết nối vùng. Tôi rất buồn là chúng ta đã quy hoạch đường vành đai 2-3-4 nhưng đến nay chưa cái nào hoàn thành. Đường bao nhiêu mét đã có hết trong quy hoạch. Nhưng thực tế… không ai làm! Với giao thông thế này đừng bao giờ nói liên kết vùng. Nếu không đột phá trong quy hoạch này để phát triển vùng, thì TP.HCM sẽ bị bó và không phát triển được”, TS. Trần Du Lịch nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho rằng, một trong những đặc trưng của TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là tỷ lệ người nhập cư cao nhất cả nước, nên phải đối mặt với nhiều mặt trái như kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm môi trường. Với vai trò là đầu tàu, “anh cả” trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thành phố cần ưu tiên cho giao thông liên kết vùng.
Trước tiên là xây dựng cầu Cát Lái qua sông Đồng Nai để kết nối hai địa phương. Bên cạnh đó là mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây lên 10 - 12 làn xe để đảm bảo kết nối sân bay Long Thành. Hiện cao tốc này chỉ 4 làn xe, đã quá tải và thường xuyên ùn tắc.
Ngoài ra, các dự án đường Vành đai 3, 4 và tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam đoạn TP.HCM - Nha Trang cũng như tuyến đường sắt nhẹ từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Long Thành, cũng cần được ưu tiên thực hiện.
“TP.HCM và Đồng Nai có lợi thế về giao thông thủy nhưng chưa được khai thác hết, thời gian tới cần khai thác tốt hơn, chia sẻ áp lực với giao thông đường bộ”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Thêm 10 ca COVID-19 trong cộng đồng, TP.HCM và Hà Nội đối mặt nguy cơ bùng dịch
18:20, 03/05/2021
TP.HCM: Tạm dừng hoạt động karaoke, quán bar, vũ trường từ 18 giờ ngày 30/4
15:24, 30/04/2021
TP.HCM: Hủy kế hoạch bắn pháo hoa dịp 30/4 để chống dịch Covid-19
15:30, 26/04/2021
Vốn đâu cho dự án Vành đai 3 TP.HCM?
04:12, 25/04/2021
TP.HCM: Đầu tư 2 dự án kết nối vùng gần 13.000 tỉ đồng
11:00, 22/04/2021