Từ 15/2 thu phí ký quỹ tại VSD: Nhà đầu tư “thiệt đơn thiệt kép”

Hà Phương 15/02/2019 18:30

Rất nhiều nhà đầu tư phản ánh ngoài các loại phí thuế phải nộp, thì từ 15/2 họ còn phải nộp thêm phí ký quỹ tiền gửi tại VSD. Điều này khiến cho phí chồng phí, nhà đầu tư “thiệt đơn thiệt kép”

Biểu phí giao dịch chứng khoán phái sinh áp dụng từ 15/2

Biểu phí giao dịch chứng khoán phái sinh áp dụng từ 15/2

Tiền gửi VSD nhà đầu tư phải nộp phí

Vừa qua, hàng loạt các Cty CK thông báo tới khách hàng về việc thay đổi các loại phí mà nhà đầu tư  phải đóng khi tham gia giao dịch thị trường chứng khoán phái sinh từ ngày 15/2.

Ngoài phí giao dịch do các Cty CK quy định, nhà đầu tư cần bổ sung thêm phí trả cho Trung tâm lưu ký (VSD) và Sở giao dịch chứng khoán HNX theo thông tư 127 mà Bộ Tài chính ban hành bao gồm phí hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số, HĐTL trái phiếu Chính phủ, phí dịch vụ quản lý vị thế, phí dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ.

Thông tư 127/2018 có hiệu lực từ ngày 15/2, thay thế cho Thông tư 241/2016. Thông tư 127 quy định chi tiết về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD).

Theo đó, giá dịch vụ quản lý thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh đối với thành viên giao dịch phái sinh là 20 triệu đồng/năm. Giá giao dịch chứng khoán phái sinh của thành viên giao dịch đối với HĐTL chỉ số và HĐTL trái phiếu Chính phủ lần lượt là 3.000 đồng/hợp đồng và 5.000 đồng/hợp đồng. Giá dịch vụ quản lý thành viên bù trừ là 30 triệu đồng/năm. Giá dịch vụ quản lý vị thế đối với thành viên bù trừ là 3.000 đồng/hợp đồng/tài khoản/ngày.

Theo đó, giá dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ đối với thành viên bù trừ là 0,003% giá trị lũy kế số dư tài sản ký quỹ (tiền + giá trị chứng khoán tính theo mệnh giá)/tài khoản/tháng (tối đa không quá 2 triệu đồng/tài khoản/tháng, tối thiểu không thấp hơn 400.000 đồng/tài khoản/tháng).

Như vậy, so với trước đây trung bình mỗi tài khoản nhà đầu tư khi giao dịch các HĐTL, ngoài phí thuế phải trả cho Cty CK giờ mỗi tài khoản của nhà đầu tư phải trả thêm tiền ký quỹ VSD từ 400.000 đồng-2 triệu/đồng/1 tài khoản…

Được biết, khi Thông tư có hiệu lực các công ty chứng khoán sẽ nhận thêm nghĩa vụ thanh toán cho Sở GDCK và VSD.

Nhà đầu tư "thiệt đơn thiệt kép"

Nhà đầu tư Nguyễn Văn Hải- sàn chứng khoán MBS cho biết “Thông tư này tôi thấy rất vô lý, tiền nhà đầu tư VSD quản lý đem gửi tiết kiệm qua đêm hưởng lãi , vậy mà còn thu phí của nhà đầu tư, nghĩ mà hờn…”

Anh  Nguyễn Quang Vũ-Nhà đầu tư sàn VPBS cho rằng, việc VSD và HNX thu thêm phí cộng thêm phí thuê mà các Cty CK  thu nữa, rõ ràng chứng khoán phái sinh Việt Nam thu quá cao so với thị trường phái sinh Mỹ và các nước trong khu vực. Năm 2019 dự báo thị trường chứng khoán được nâng hạng thì giảm phí thuế. Nay phí chồng phí, mà  HNX rồi VSD chưa lo phát triển thị trường mà đã lo tận thu. 

Chị Nguyễn Thị Đông-Nhà đầu tư sàn ABCS,  từ ngày 15/2  chỉ dám giữ lại giao dịch ở 1 tài khoản, nếu giao dịch nhiều thì chấp nhận nộp phí tối đa là 2 triệu/tháng. Sở ngồi không mà ăn nhiều phí quá, chưa bao giờ thấy ngược đời là có phí quản lý tiền (tài sản ký quỹ), giống như kiểu mình để tiền vào ngân hàng không được hưởng lãi suất mà còn phải trả cho họ phí giữ tiền. Có cơ hội tôi sẽ phát biểu ý kiến với truyền thông và các cơ quan ban ngành để kiến nghị lên Chính phủ về việc này, chị Đông chia sẻ…

Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam đi vào hoạt động từ ngày 10/08/2017. Năm 2018, tổng khối lượng giao dịch trên thị trường này đạt 19,6 triệu hợp đồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 78.791 hợp đồng/phiên, gấp 7 lần so với năm 2017.

Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh liên tục được mở. Tính đến cuối 2018, có 57.677 tài khoản giao dịch phái sinh được mở, tăng gấp 3,4 lần so với cuối năm 2017. Hoạt động giao dịch tập trung ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,18% khối lượng giao dịch toàn thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Từ 15/2 thu phí ký quỹ tại VSD: Nhà đầu tư “thiệt đơn thiệt kép”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO