Từ Alibaba đến Angel Lina: Vạch công thức lừa đảo, vẽ dự án “ma”

KHÁNH TRANG 05/11/2019 14:32

Vụ Alibaba lừa đảo gần 7.000 người với hơn 2.500 tỷ đồng chưa kịp lắng xuống thì mới đây, một vụ việc tương tự lại xảy ra tại Công ty CP Đầu tư Angel Lina.

Ngày 1/11, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Phạm Thị Tuyết Nhung - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Angel Lina để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Khách hàng tố cáo Công ty Angel Lina lừa đảo, chiếm đoạt tiền

Khách hàng tố cáo Công ty Angel Lina lừa đảo, chiếm đoạt tiền

Tính đến hiện tại, cơ quan cảnh sát điều tra đã tiếp nhận đơn tố giác của trên 200 bị hại, với số tiền chiếm đoạt hơn 285 tỷ đồng. Theo như khách hàng tố cáo, công ty này đã vẽ dự án "ma" trên gần 10 khu đất để huy động vốn của khách hàng.

Tự "vẽ" dự án

Trước đó, rất nhiều khách hàng của Công ty Angel Lina đã tố cáo việc công ty này lừa bán đất ở khu dân cư Đỗ Xuân Hợp (phường Phước Long B, quận 9), khu dân cư Tây Lân (phường Tân Tạo, quận Bình Tân). Tuy nhiên, chính quyền địa phương phường Phước Long B cho biết, thửa đất mà công ty này lập dự án bán thuộc quyền quản lý của Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn và trên địa bàn phường không có dự án “khu dân cư Đỗ Xuân Hợp” do Công ty Angel Lina làm chủ đầu tư.

UBND quận Bình Tân cũng cho hay, tại thửa đất mà Công ty Angel Lina giới thiệu là khu dân cư Tây Lân không có bất cứ dự án nào, vị trí lô đất này được quy hoạch là đất giáo dục, đang trong giai đoạn đền bù giải tỏa.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao khách hàng liên tiếp “sập bẫy” các dự án ma?

    14:36, 04/11/2019

  • Có hay không cán bộ công quyền tiếp tay cho dự án ma?

    11:17, 31/10/2019

  • Kẽ hở pháp lý tiếp tay cho “dự án ma”

    07:00, 12/10/2019

  • Hơn 900 đơn tố cáo địa ốc Alibaba, “mất bò mới lo làm chuồng”!

    09:05, 30/09/2019

  • Bắt lãnh đạo Địa ốc Alibaba về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

    15:48, 18/09/2019

Chiêu thức của Công ty Angel Lina là tìm những khu đất trống trong khu dân cư, liên hệ với người đang sử dụng đất để thỏa thuận chuyển nhượng, làm bảng vẽ sơ đồ phân lô nền rồi quảng cáo, rao bán với giá rẻ dưới hình thức hợp đồng góp vốn. Đây đều là những khu đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, nằm trong quy hoạch.

Angel Lina mới chỉ ký các biên bản đặt cọc với chủ đất còn thực tế vẫn chưa hề sở hữu các khu đất đó, và cũng chưa được các cơ quan chức năng chấp thuận cho triển khai dự án.

Chiêu thức này được đánh giá là gần giống với chiêu thức mà Công ty Alibaba áp dụng để lừa đảo gần 7.000 khách hàng với số tiền hơn 2.500 tỷ đồng theo hình thức đa cấp.

Chỉ trong vòng 3 năm, Alibaba đã triển khai tới khoảng 40 dự án tại nhiều tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận. Những dự án này đều là đất nông nghiệp do các cá nhân đứng tên hoặc đã được quy hoạch là đất công viên, giao thông và thậm chí là đất nghĩa trang...

Sau đó, Alibaba tự ý vẽ lên các dự án hoành tráng, phân lô để bán cho khách hàng. Mô hình hoạt động của Alibaba là không sở hữu đất mà chỉ hợp tác phát triển dự án với các cá nhân có quyền sử dụng đất. Công ty này định giá các sản phẩm với giá rẻ hơn 20-30% so với giá thị trường, đồng thời cam kết mua lại với lãi suất hấp dẫn.

Có thể nhận thấy Angel Lina và Alibaba đều nhắm vào tâm lý ham lợi nhuận của khách hàng, đặc biệt là khi thị trường chứng kiến nhiều cơn sốt đất liên tiếp xảy ra. Họ vẽ ra những dự án “ngon ăn” với giá rẻ hơn giá thị trường, thậm chí đưa ra những cam kết, lợi nhuận khủng để hấp dẫn khách hàng.

3 chiêu thức phổ biến

Trong các hợp đồng góp vốn, công ty Angel Lina cam kết sẽ lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chính thức, bàn giao đất trong vòng 12 tháng kể từ khi ký hợp đồng và khách đóng đủ 90% giá trị của hợp đồng. Sau khi bàn giao đất 60 ngày, công ty sẽ giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng. Nếu khách hàng không nhận đất, bán lại cho công ty sẽ được nhận lãi suất 2 triệu đồng/m2.

Tương tự, cũng đưa ra những lời hứa hẹn, Alibaba cam kết có sổ, hứa sẽ mua lại nếu không ra sổ và đưa ra mức lợi nhuận theo quý, theo năm lên tới hơn 28%. Để tạo sự tin tưởng, họ còn cho khách xem những clip livestream nhận tiền lãi, chia sẻ lợi nhuận liên tục trên fanpage công ty.

Nhiều khách hàng vì tin tưởng và nhìn thấy cái lợi trước mắt mà chấp nhận rủi ro, không kiểm tra kỹ càng tính pháp lý của dự án. Chỉ đến khi đã quá thời hạn cam kết mà vẫn không được nhận bàn giao, khách hàng mới phát hiện ra mình bị lừa và làm đơn tố cáo lên cơ quan công an.

Việc mua phải dự án ma không còn là câu chuyện mới và có thể kể đến một vài chiêu thức "vẽ" dự án phổ biến hiện nay như:

Thứ nhất, doanh nghiệp tìm các khu đất bỏ trống thường là đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất dính quy hoạch nhà nước, sau đó thỏa thuận với người mua bằng chiêu thức đặt cọc, hợp đồng ủy quyền, góp vốn, vi bằng...

Thứ hai là vẽ dự án trên giấy, xây đường đi, các công trình tạm bợ rồi giới thiệu mời gọi khách hàng. Nhiều đơn vị môi giới còn tổ chức cho nhân viên dẫn dụ khách hàng đến xem trực tiếp khu đất dự án, ở đó đã dàn sẵn cảnh người người chen nhau mua bán, ký hợp đồng và thanh toán tiền ngay trước mặt người đi xem đất nhằm tạo niềm tin đây là đất dự án thật.

Thứ ba là chiêu thức bán cho khách hàng bằng hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư. Nếu đất có dính quy hoạch thì hứa sẽ chạy quy hoạch cho khách hàng.

Thông thường, khi bán các dự án ma, các công ty sẽ thu tiền của khách hàng theo từng đợt. Khi khách hàng phát hiện tính pháp lý của dự án không giống như cam kết, hứa hẹn thì bị thanh lý hợp đồng và mất luôn số tiền đã đóng.

Do đó, để tránh rơi vào những rắc rối như những khách hàng của Alibaba, Angel Lina người mua nhà đất nên tìm hiểu kỹ tính pháp lý cũng như thông tin của dự án trước khi xuống tiền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Từ Alibaba đến Angel Lina: Vạch công thức lừa đảo, vẽ dự án “ma”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO