Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp Việt chưa hiểu rằng bình đẳng giới nghĩa là đảm bảo các quyền lợi cho cả 2 giới...
Tư duy lãnh đạo là yếu tố then chốt để thực hiện chính sách bình đẳng giới hiệu quả và đây cũng là thách thức lớn nhất đối với bình đẳng giới tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Đó là nhận định của bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch, Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ quyền năng phụ nữ (VBCWE).
Theo bà, thực hiện bình đẳng giới ở nơi làm việc mang lại những giá trị gì? Tác động trực tiếp như thế nào đến năng suất lao động, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp?
Các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức đầy đủ về những giá trị mà bình đẳng giới mang lại đối với hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong đó, tư duy của nhà lãnh đạo đóng vai trò then chốt, là nền tảng để xây dựng được một chính sách nhân sự tốt hơn, tạo điều kiện phát triển bình đẳng cho cả nam và nữ.
Có được sự bình đẳng trong cơ hội làm việc và thăng tiến, doanh nghiệp sẽ tạo dựng được văn hóa doanh nghiệp bền vững, tăng sự hài lòng của nhân viên, góp phần thu hút và giữ chân nhân tài.
Ở chiều ngược lại, người lao động sẽ đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của công ty, giúp tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra, những chính sách bình đẳng giới cũng sẽ góp phần nâng cao hình ảnh và xây dựng thương hiệu – một trong những tài sản vô hình quan trọng của doanh nghiệp.
Từ góc độ tiếp cận bình đẳng giới, theo bà, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang vấp phải những vấn đề phổ biến nào được xem là bất bình đẳng giới (trong công tác tuyển dụng, điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến, chính sách thai sản, lương hưu và tuổi hưu...)?
Một trong những vấn đề phổ biến và cũng là thách thức cho Việt Nam là phải giải phóng được định kiến trọng nam khinh nữ, theo đó phụ nữ phải là người chăm sóc chính cho con cái và gia đình. Chính vì tư tưởng này, nhiều doanh nghiệp vẫn ngần ngại trong việc tuyển dụng lao động nữ, vì lao động nữ sẽ mất một khoảng thời gian gián đoạn cho nghỉ thai sản, chăm sóc con ốm,...
Theo quy định của Luật Lao động Việt Nam (cụ thể trong thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH), có đến 38 loại công việc phụ nữ không được phép tham gia vì bị coi là nguy hiểm đối với nữ giới, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe sinh sản. Quy định này theo hướng bảo vệ tích cực sức khỏe cho phụ nữ, tuy nhiên, một số công việc trong danh mục vẫn là nguồn mưu sinh của không ít phụ nữ trong hoàn cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, Việt Nam quy định tuổi nghỉ hưu của nữ sớm hơn 5 năm so với nam, theo đó, mức lương hưu của nữ giới cũng thấp hơn so với phái nam. Đó là những quy định bất cập đối với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung.
Vậy khó khăn lớn nhất khi thực hiện chính sách bình đẳng giới ở các doanh nghiệp nói chung là gì, thưa bà?
Tư duy lãnh đạo là yếu tố then chốt để thực hiện chính sách bình đẳng giới hiệu quả và đây cũng là thách thức lớn nhất đối với bình đẳng giới tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Nhận thức về vấn đề bình đẳng giới ở nơi làm việc tại Việt Nam chưa cao. Lãnh đạo ở một số doanh nghiệp vẫn cho rằng bình đẳng giới nghĩa là phải có lực lượng lao động tuyệt đối cân bằng (tỷ lệ 50-50) hoặc có các chính sách ưu tiên nữ giới, mà chưa hiểu bình đẳng giới nghĩa là đảm bảo các quyền lợi cho cả 2 giới.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng thiếu công cụ đo lường và đánh giá thực trạng bình đẳng giới tại doanh nghiệp một cách chính xác, từ đó đưa ra lộ trình cải thiện một cách hợp lý và hiệu quả.
Dưới góc độ của Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ quyền năng phụ nữ, bà có sáng kiến, hay đề xuất nào để thúc đẩy nhanh nhận thức cũng như thực hiện bất bình đẳng ở nơi làm việc?
Để thúc đẩy nhận thức của doanh nghiệp về bình đẳng tại nơi làm việc, trước tiên, doanh nghiệp cần nhìn nhận và đánh giá lại các chính sách nhân sự tại doanh nghiệp mình, để từ đó đưa ra được mục tiêu, chiến lược và hành động rõ ràng.
Trong đó, cần tập trung vào chiến lược phát triển con người, bao gồm: Đa dạng hóa lực lượng lao động tại công ty; tạo cơ hội bình đẳng cho cả nam và nữ trong tuyển dụng, làm việc và thăng tiến; đưa ra những chương trình đào tạo cho nữ giới để phát triển lên các vị trí quan trọng; đào tạo về bình đẳng giới tại doanh nghiệp.
Việc đào tạo giúp cán bộ nhân viên hiểu rõ thế nào là bất bình đẳng và tầm quan trọng của bất bình đẳng tại nơi làm việc và đưa vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể áp dụng các công cụ đo lường tiêu chuẩn quốc tế về bình đẳng giới tại nơi làm việc như chứng chỉ EDGE (Economics Dividends for Gender Equality) – một trong những chứng chỉ uy tín và có giá trị nhất về bình đẳng giới trên thế giới hiện nay. Đồng thời, đưa ra lộ trình truyền thông phù hợp nhằm lan tỏa và tác động đến cộng đồng để thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc.