Một buổi livestream bán vải của ông Phạm Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Bắc Ninh gợi mở kỳ vọng về một mô hình chính quyền hành động, kiến tạo, đồng hành và sát dân hơn trong kỷ nguyên mới…
Một buổi sáng, hơn 54 tấn vải thiều được bán qua sóng livestream. Người dẫn là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - không phải một MC chuyên nghiệp, càng không phải nhân vật giải trí. Nhưng chính hình ảnh đó đang gợi mở một điều lớn hơn: chính quyền kiến tạo không nằm trên văn bản, mà bắt đầu từ hành động nhỏ nhất và thiết thực nhất với người dân.
Ngày 29/6, khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Phạm Văn Thịnh xuất hiện trước máy quay, cầm trái vải trên tay và giới thiệu từng sản phẩm với giọng nói giản dị, ông không đơn thuần bán nông sản. Ông đang bán niềm tin. Một niềm tin mà lâu nay người dân thường thấy xa vời, nay lại xuất hiện ngay trong phiên “chợ online” giản dị, gần gũi và không màu mè.
Hơn 54 tấn vải chốt đơn trong 6 giờ - một con số ấn tượng. Nhưng điều khiến dư luận chú ý không phải là số tấn, mà là “sự hiện diện” của một lãnh đạo tỉnh không ngồi phòng máy lạnh, không ra chỉ thị, không họp bàn, mà trực tiếp làm cùng nông dân. Không cần đạo cụ cầu kỳ. Không cần PR đao to búa lớn. Chỉ cần sự có mặt đúng lúc, đúng vai và đúng cách.
Câu chuyện ông Thịnh livestream bán vải gợi mở một mô hình chính quyền rất đáng suy ngẫm: chính quyền không chỉ quản lý mà đồng hành; không chỉ điều hành mà kiến tạo; không chỉ đứng đầu mà bước cùng.
Từ ngày 1/7/2025, cả nước bắt đầu thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, một cuộc cải cách được đánh giá là sâu rộng, tác động trực tiếp đến cấu trúc vận hành quyền lực nhà nước ở địa phương.
Nhưng mô hình nào rồi cũng chỉ là khung, vấn đề cốt lõi vẫn là tư duy của người đứng trong bộ máy. Khi bớt đi một tầng trung gian, trách nhiệm và áp lực sẽ đổ dồn nhiều hơn về cấp xã, phường – những đơn vị trực tiếp “chạm mặt” người dân. Nếu không có sự chuyển động về nhận thức và hành vi, thì một bộ máy tinh gọn cũng có thể trở nên vô dụng.
Livestream của ông Thịnh là minh chứng cho một dạng năng lực hành động mới: không chỉ “biết việc” mà còn “làm được việc”; không chỉ đúng quy trình mà còn đúng thời điểm và đúng mong đợi của người dân.
Hãy thử tưởng tượng, nếu mỗi xã, mỗi phường đều có một người lãnh đạo sẵn sàng “xắn tay áo”, dấn thân cùng dân vượt khó như cách ông Thịnh làm với vải thiều Bắc Giang, thì chính quyền địa phương không cần tuyên truyền, người dân cũng tự biết đặt niềm tin.
Dẫu vậy, một cánh én không làm nên mùa xuân. Một phiên livestream cũng không thể trở thành mô hình nếu chỉ dừng ở một địa phương. Để tinh thần “kiến tạo” trở thành cơ chế vận hành thực sự, cần lan rộng và cũng nhiều hơn nữa những hình ảnh như ông Thịnh tại Bắc Ninh.
Và hơn thế nữa, phải thiết kế lại thước đo đánh giá cán bộ, không phải dựa vào hồ sơ đẹp hay báo cáo tốt, mà dựa trên hiệu quả hành động thực tế. Cần mạnh dạn phân quyền, phân cấp nhưng song song là thiết lập các cơ chế giải trình rõ ràng, minh bạch, để không ai được “đứng nhìn” hay “đùn đẩy” trách nhiệm. Và đặc biệt, phải đưa công cụ chuyển đổi số vào tay cấp xã, như cách mạng hóa khả năng kết nối và phản hồi giữa chính quyền và người dân.
Người lãnh đạo hôm nay không chỉ cần hiểu luật, nắm quy trình, mà còn phải thạo mạng xã hội, biết tương tác số và cảm được tâm thế thị trường. Nói cách khác, người cán bộ địa phương trong kỷ nguyên mới không thể chỉ là công chức mà phải là công vụ. Công vụ theo đúng nghĩa là phục vụ, chứ không chỉ là thực hiện mệnh lệnh hành chính.
Một phiên livestream bán vải sẽ chóng trôi nếu coi đó là sự kiện lạ. Nhưng nếu nhìn đúng, đó là một tia sáng cho mô hình chính quyền hai cấp: nơi quyền lực đi kèm hành động, nơi cải cách không chỉ nằm trong nghị quyết, mà hiện hữu trong từng việc nhỏ.
Không ai đòi hỏi lãnh đạo phải giỏi bán hàng. Nhưng người dân đang cần họ biết đứng về phía mình, trong những lúc khó khăn, sát sườn và cụ thể nhất. Và nếu mỗi phiên livestream đều bắt đầu từ sự chân thành, thì cải cách bộ máy sẽ không chỉ là thay đổi cấp hành chínhmà, là chuyển động từ gốc rễ: vì dân, gần dân và cùng dân hành động.