Sức mạnh của khối tư nhân bắt nguồn chủ yếu từ chính động lực tìm kiếm lợi nhuận trong mọi tình huống.
>>Chính sách cần tạo nội lực để phát triển kinh tế tư nhân
Các chủ thể tư nhân có thể huy động mọi khả năng sẵn có về tổ chức, tài chính, các mối quan hệ… để giành lợi thế cạnh tranh, qua đó bảo đảm được doanh thu và lợi nhuận kỳ vọng.
Khi dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát, với phương châm “Zero Covid”, chính phủ Việt Nam đã sử dụng mọi nguồn lực công hiện có nhằm chặn đứng nguy cơ lây lan của đại dịch. Công dân ở nước ngoài có nhu cầu sẽ được vận chuyển về nước và cách ly y tế. Một số địa phương được khoanh vùng để “dập dịch”. Tất cả những nhu cầu tối thiểu của người dân thuộc nhóm bị ảnh hưởng bởi chính sách nêu trên đều được chi trả từ ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh ngày càng trở nên phức tạp đã khiến Nhà nước nhanh chóng đối diện với những giới hạn về nguồn lực. Với sự chấp thuận những chuyến bay combo do người dân tự trả toàn bộ chi phí từ tháng 3/2020, khối tư nhân đã được tham gia các hoạt động phòng, chống đại dịch.
Theo thống kê, trong giai đoạn dịch bệnh lan rộng, đã có khoảng 100 doanh nghiệp được cấp phép thực hiện các chuyến bay. Tính đến tháng 1 năm 2022, đã có tất cả hơn 1.000 chuyến bay, đưa được hơn 200.000 công dân về nước. Cùng với đó, năm 2020, có 48 doanh nghiệp và 166 doanh nghiệp trong năm 2021 đã được cấp phép, chi gần 1 tỷ đô la để nhập khẩu Kittest.
Có thể thấy, sự tham gia của các chủ thể tư nhân đã giúp chúng ta tận dụng được mọi nguồn lực sẵn có, cả khu vực Công và Tư, để linh hoạt đáp ứng nhanh nhất, chất lượng cao nhất có thể đối với mọi nhu cầu đa dạng của công dân trong bối cảnh dịch bệnh bất thường.
>>Ổn định môi trường pháp lý để phát triển kinh tế tư nhân
>>Doanh nghiệp gia đình và tư nhân: Vượt bão suy thoái
Tuy nhiên, sự tham gia phục vụ lợi ích công của khối tư nhân trong những tình huống bất thường có thể làm nảy sinh một số nguy cơ. Thứ nhất, việc thỏa mãn các lợi ích tư nhân theo những cách thức thông thường lại có thể xâm phạm Lợi ích Công, tức là những nhu cầu mang tính tập thể của những nhóm công chúng khác nhau.
Thực tế đã diễn ra tình trạng doanh nghiệp tăng giá vé máy bay, găm giữ và nâng giá thiết bị y tế. Những hành vi gia tăng lợi nhuận như vậy có thể được chấp nhận trong điều kiện bình thường nhưng trong tình huống bất thường thì đã trở thành trục lợi, bất chấp sự xâm phạm lợi ích công, ở đây là lợi ích của các nhóm công dân đang bị “mắc kẹt” tại nhiều nước, cũng như nhiều nhóm khác nhau ở trong nước.
Nguy cơ thứ hai là sự ích kỷ và khả năng lạm quyền của cán bộ Nhà nước trong việc cấp phép để ưu ái doanh nghiệp thân hữu. Dễ thấy là tình huống bất thường trở thành chất xúc tác thúc đẩy mạnh mẽ hơn động lực vị kỷ của các chủ thể liên quan. Chẳng hạn, trong số hơn 100 doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay, chỉ có khoảng 20 nhóm doanh nghiệp thực sự là đơn vị triển khai các chuyến bay. Số còn lại là doanh nghiệp cho mượn pháp nhân hoặc đứng ra xin cấp phép chuyến bay, rồi bán quyền được tổ chức các chuyến bay cho doanh nghiệp khác thực hiện.
Hậu quả là, liên quan đến các chuyến bay đưa công dân về nước, hiện đã có 54 bị can bị truy tố và một bị can bị truy nã với các tội danh khác nhau. Trước đó, tính đến hết năm 2022, đã có 29 vụ án và 102 bị can bị khởi tố do liên quan đến những vi phạm trong quá trình mua sắm Kittest.
Trong những tình huống bất thường, khả năng lý tưởng nhất là Nhà nước trực tiếp thực hiện mọi hoạt động bảo vệ lợi ích công. Tuy nhiên, do khả năng nêu trên là không khả thi trong bối cảnh thế giới hiện đại cho nên sự tham gia của các chủ thể tư nhân vào việc phục vụ lợi ích Công là xu hướng tất yếu và cần thiết.
Những tiêu cực nảy sinh trong phòng chống dịch Covid-19 là hệ quả tổng hợp từ những động lực thị trường kết hợp với những hạn chế cố hữu của hệ thống hành chính Nhà nước. Để khối tư nhân có thể phát huy được năng lực vốn có, chung tay phục vụ lợi ích công trong những tình huống bất thường thì Nhà nước cần quan tâm đến các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, Nhà nước cần ban hành các quy định chặt chẽ và rõ ràng, cung cấp tài chính theo khả năng, và giám sát hoạt động ứng phó dịch bệnh được thực hiện bởi các chủ thể tư nhân.
Thứ hai, Nhà nước ban hành công khai và thực hiện nghiêm túc quy trình thẩm định năng lực của doanh nghiệp để loại bỏ tình trạng doanh nghiệp với năng lực ảo, xin cấp phép rồi nhượng lại quyền thực hiện nhiệm vụ cho doanh nghiệp khác.
Thứ ba, dựa trên nguyên tắc phục vụ lợi ích công, Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ mức giá cho các các dịch vụ được cung cấp bởi doanh nghiệp tư nhân. Biện pháp này sẽ giảm bớt nguy cơ trục lợi từ tình huống bất thường như những gì chúng ta đã thấy vừa qua khi để doanh nghiệp hoạt động thuần túy theo cơ chế thị trường.
Có thể bạn quan tâm
09:35, 11/04/2023
10:06, 11/04/2023
11:00, 09/04/2023
04:00, 05/04/2023