Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục “bứt phá” nhờ đường hướng phát triển nhất quán, đặt con người làm trung tâm, doanh nghiệp làm động lực, khoa học - công nghệ làm then chốt, văn hóa làm nền tảng.
Trao đổi tại tọa đàm “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc”, TS Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho biết: Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội để bứt phá kinh tế.
Theo TS Mạc Quốc Anh, năm 1975, Việt Nam bước ra từ khói lửa chiến tranh với nền kinh tế kiệt quệ, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 200 USD/năm. Thế nhưng, ý chí quật cường và tinh thần đoàn kết dân tộc đã đưa chúng ta tới Đổi mới 1986 - bước ngoặt khai mở thị trường, giải phóng sức sản xuất.
Đến năm 2023, GDP bình quân đầu người đạt 4.284 USD; quy mô nền kinh tế khoảng 430 tỷ USD, đứng thứ 5 ASEAN và 35 thế giới; kim ngạch xuất khẩu vượt 355 tỷ USD; khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng góp hơn 45 % GDP và tạo ra 65 % việc làm.
Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam cũng đạt nhiều thành tựu như: lạm phát được kiểm soát bình quân dưới 4 %; nợ công duy trì quanh 38 % GDP, thuộc nhóm an toàn của khu vực; kinh tế số ước đạt 14 % GDP năm 2024, dự kiến đạt 20 % vào 2025; Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN về chỉ số phát triển chính phủ điện tử.
Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào 2050, phê duyệt Quy hoạch điện VIII thúc đẩy năng lượng tái tạo lên trên 70% công suất nguồn vào 2050.
Đồng thời Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với thế giới, thông qua 17 Hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới, nổi bật CPTPP, EVFTA, RCEP, mở cánh cửa cho thị trường gần 60 quốc gia, chiếm 71 % GDP toàn cầu.
“Những con số biết nói đó khẳng định Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục “bứt phá” nhờ một đường hướng phát triển nhất quán, đặt con người làm trung tâm, doanh nghiệp làm động lực, khoa học - công nghệ làm then chốt, văn hóa - giá trị Việt làm nền tảng”, TS Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Cũng theo TS Mạc Quốc Anh, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp - Trung tâm sáng tạo doanh nghiệp là “cổ máy kiến tạo giá trị” và “tế bào” của nền kinh tế, dẫn dắt đổi mới sáng tạo khi chính doanh nghiệp, đặc biệt khu vực tư nhân, sở hữu 70% nguồn lực nghiên cứu và phát triển. "Không đổi mới, doanh nghiệp tự đánh mất mình".
Đồng thời, lan tỏa văn hóa kinh doanh chính trực: “Tín - Tâm - Minh bạch” là hộ chiếu đưa thương hiệu Việt ra biển lớn. Ngoài ra, gắn kết chuỗi giá trị toàn cầu, tham gia OEM → ODM → OBM, đưa hàm lượng tri thức nội địa từ 10% lên 50% trong 10 năm. Nâng tầm trách nhiệm xã hội thực thi ESG không chỉ là yêu cầu khách hàng quốc tế mà là nghĩa vụ thế hệ. Mỗi doanh nghiệp cần lộ trình Net Zero, quản trị rủi ro khí hậu.
Để hiện thực hóa khát vọng dân tộc hùng cường, TS Mạc Quốc Anh đề xuất Việt Nam xây dựng 3 đột phá chiến lược mới:
Thứ nhất, đột phá thể chế, hoàn thiện nhà nước kiến tạo phát triển. Cụ thể, Luật Đầu tư chiến lược (sắp trình Quốc hội) nên ưu tiên sản xuất xanh, bán dẫn, công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực thi Đề án Trung tâm tài chính quốc tế (TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng) nhằm thu hút dòng vốn toàn cầu.
Thứ hai, đột phá hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Việt Nam cần đẩy nhanh thực hiện 3.000 km cao tốc; đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đối với hạ tầng số, cần 100 % phủ 5G vào 2030, trung tâm dữ liệu quốc gia chuẩn Tier IV, mạng lưới cáp quang biển mới.
Thứ ba, đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chương trình 100.000 kỹ sư bán dẫn, 1 triệu chuyên gia kinh tế số cũng cần được thực thi mạnh mẽ.
“Song song với 3 mũi đột phá chiến lược đó, Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh 2021 - 2030 mở ra khung ưu đãi thuế carbon, tín dụng xanh, cơ chế PPA (mua bán điện trực tiếp) - tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp bứt tốc”, ông Quốc Anh cho biết.
Bên cạnh 3 mũi đột phá chiến lược, TS Mạc Quốc Anh cũng đề nghị Chính phủ đóng vai “nhạc trưởng”, cải cách thủ tục, bảo vệ quyền tài sản, tạo sân chơi bình đẳng.
“Theo đó, doanh nghiệp là người chơi chính, dám nghĩ lớn, làm thật, bền bỉ đổi mới. Hệ thống tài chính - ngân hàng cung cấp “nhiên liệu” dài hạn, chi phí hợp lý. Viện, trường, chuyên gia là trí tuệ tư vấn, cung cấp giải pháp dựa trên bằng chứng. Người dân, cộng đồng là “khách hàng - giám sát”, nuôi dưỡng hệ sinh thái tiêu dùng có trách nhiệm”, ông Mạc Quốc Anh cho hay.