Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, khẳng định việc người dân lập nhóm đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc cho thấy người dân đã ý thức được quyền làm chủ của mình.
Cho rằng Trạm thu phí BOT Ninh Lộc báo cáo chưa chính xác để nâng thời hạn thu phí quốc lộ 1, nên thời gian qua, một nhóm người dựng lán trại, cử người ngồi kiểm đếm lượt xe.
- Nhiều quan điểm cho rằng, việc dựng lán trại, cử người ngồi kiểm đếm lượt xe thể hiện người dân đang thiếu niềm tin vào sự giám sát của cơ quan công quyền. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Có thể nói đây là một hiện tượng xã hội rất mới, đáng quan tâm và rất đáng hoan nghênh. Nó hoàn toàn khác với việc người dân tụ tập phản đối các trạm thu phí đường BOT trước đó. Tại sao? Bởi phản đối trạm thu phí là vì lợi ích của chính mình còn giám sát việc thu phí là vì lợi ích công, tức phục vụ Nhà nước. Từ lâu rồi các cơ quan nhà nước như Bộ GTVT rất muốn giám sát sự minh bạch và trung thực của các doanh nghiệp trong thu phí đường BOT, nhưng họ cứ loay hoay và lúng túng trong tìm giải pháp. Thậm chí, một chủ trương rất đúng đắn là thu phí tự động bằng công nghệ cũng phải khất lần và trì hoãn mãi mà không cưỡng chế thi hành được.
Xã hội văn minh và phát triển ở trình độ cao là ở đó có sự tự quản rộng lớn của người dân, cái được gọi là phát triển xã hội và phát triển cộng đồng. Khía cạnh này ở Việt Nam còn rất yếu và kém hơn nhiều nước.
Vậy thì người dân phải trực tiếp vào cuộc bởi họ e ngại các khoản tiền do chính mình bỏ ra để nộp phí đường sẽ có thể bị chiếm đoạt một cách bất minh. Họ không chỉ trích hay trông đợi ở các cơ quan chức năng nữa mà tự ý hành động. Có thể vì thế mà có cán bộ lãnh đạo của Cục Đường bộ tỏ ra khó chịu, gọi người dân là “người lạ” và cảnh báo có thể yêu cầu công an can thiệp...
Còn về phía doanh nghiệp quản lý thu phí thì đương nhiên họ không có sự ủng hộ.
Tôi cho rằng chúng ta cần phải đánh giá sòng phẳng và dám nhìn vào sự thật. Đó là thứ nhất, người dân tự bỏ công, bỏ sức để phục vụ hay làm thay các công việc của các cơ quan nhà nước thì tại sao lại ác cảm đối với họ? Thứ hai, họ đang thực hiện các quyền cơ bản về giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước và tham gia quản lý xã hội đã được Hiến pháp quy định thì tại sao lại ngăn cản? Cuối cùng, hiện tượng này phản ánh một trạng thái mới và một cấp độ cao trong nhận thức chính trị của người dân, rằng họ coi mình là người chủ thật sự của đất nước và của chính cuộc sống của họ. Đó không phải là điều tốt đẹp mà cả dân tộc chúng ta hằng mong ước và phấn đấu không mệt mỏi trong suốt bao năm làm cách mạng để vươn tới hay sao?
Có thể bạn quan tâm
10:00, 01/03/2019
15:49, 04/05/2018
01:52, 04/05/2018
- Từ vụ việc này, ông đánh giá như thế nào về vai trò giám sát độc lập của người dân hay các tổ chức của họ?
Chúng ta vốn luôn luôn nói tới việc đề cao vai trò giám sát của người dân nhưng chưa bao giờ coi trọng việc này một cách thực chất cả. Tôi biết rất nhiều Đại biểu Quốc hội về cơ sở để lắng nghe ý kiến của cử tri và người dân nhưng chỉ làm việc ấy thông qua các cuộc họp do chính quyền tổ chức. Có nghĩa là khi đó, người dân khi thực hiện giám sát đã bị chính cán bộ chính quyền giám sát rồi.
Về bản chất, chính quyền đã không tạo điều kiện để người dân tự do và tự chủ làm các công việc của họ. Tại sao lại như vậy? Nếu nói một cách lịch sự thì việc đó thể hiện cán bộ chính quyền không tin dân, còn nói một cách trần trụi thì đó chính là sự coi thường dân, tự cho mình là bề trên để có quyền chỉ đạo và áp đặt. Cho nên, ở nhiều nơi, ngay cả khi các cuộc tiếp xúc giữa chính quyền và người dân được tổ chức rất nhiều thì cuối cùng hiệu quả không thu được bao nhiêu. Lý do đơn giản là không có sự phân biệt giữa giám sát của cấp trên với cấp dưới trong bộ máy nhà nước và giám sát độc lập từ bên ngoài của người dân. Giám sát độc lập bao giờ cũng khách quan, vô tư vì nó phi vụ lợi.
Đương nhiên, đối với những vấn đề quan trọng và phức tạp như việc thu phí đường BOT vừa qua, không thể có việc giám sát theo cách tự phát của cá nhân mà phải là hành động có tổ chức của người dân. Tôi thấy nhiều người rất ngại hay thậm chí sợ việc người dân tự liên kết với nhau và tự tổ chức làm một việc gì đó mà không thông qua chính quyền. Họ cho rằng cái gì chính quyền không kiểm soát trực tiếp thì sẽ là tiêu cực và gây tổn hại cho trật tự công cộng.
Đó chính là sự nhầm lẫn bởi cần hiểu rằng một xã hội văn minh và phát triển ở trình độ cao là ở đó có sự tự quản rộng lớn của người dân, cái được gọi là phát triển xã hội và phát triển cộng đồng. Cá nhân tôi đã đi cơ sở và tham gia rất nhiều hoạt động ở cộng đồng thì thấy cái khía cạnh này ở Việt Nam còn rất yếu và kém hơn nhiều nước. Người dân thụ động và lệ thuộc quá nhiều vào chính quyền, làm cho chính quyền nhiều nơi thật sự quá tải và mệt mỏi. Vậy thì tại sao chúng ta không bắt đầu một quá trình tự giải phóng, hay sử dụng cái công cụ khá thời thượng được gọi là “xã hội hoá”?
Có điều, theo tôi, đó phải là “xã hội hoá” thực chất và toàn diện cho mục tiêu phát triển chứ không phải theo cách thực dụng, chỉ trong những việc và ở những khâu mà Nhà nước thấy cạn nguồn lực.
- Ông có thể đưa ra một số kinh nghiệp quốc tế về vai trò của các tổ chức xã hội trong giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ công, bao gồm những dự án PPP?
Việc một nhóm người dân ở đâu đó tự tổ chức giám sát các dịch vụ công hay thu phí đường BOT như ở ta thì tôi chưa thấy có ở các nước khác.
Vấn đề ở chỗ các điều kiện chính trị và xã hội của họ khác chúng ta. Ở đó vốn có rất nhiều các tổ chức xã hội, được gọi là tổ chức của xã hội dân sự, tồn tại và hoạt động tích cực. Các tổ chức này do người dân tự thành lập theo nhu cầu riêng của họ, không tham gia đời sống chính trị mà phục vụ bảo vệ quyền công dân trong khuôn khổ pháp luật và thực hiện các công việc hỗ trợ và cứu trợ dân sự tự nguyện bên ngoài Nhà nước. Cho mục tiêu bảo vệ quyền công dân, trong giới hạn nhất định, các tổ chức xã hội này tham gia tích cực vào vận động chính sách và giám sát thực thi pháp luật.
Đối với các dự án PPP, tôi biết rất nhiều nước đã thành lập các Trung tâm thông tin về lĩnh vực này, giao cho một cơ quan nhà nước quản lý, để cung cấp mọi thông tin chi tiết cho người dân và tiếp nhận các tư vấn từ chuyên gia cho mục đích quản trị minh bạch và hiệu quả các dự án này. Lưu ý rằng các tổ chức xã hội đó là nơi thu hút rất nhiều chuyên gia giỏi, đặc biệt những người đã nghỉ hưu, đến tình nguyện làm việc. Đơn giản bởi ở đó họ tìm thấy tự do cá nhân và hạnh phúc của sự sáng tạo và cống hiến.
- Phải chăng sự thiếu minh bạch và biểu hiện của nhóm lợi ích là lý do chính khiến người dân bức xúc với các dự án BOT?
Theo tôi, vấn đề thiếu minh bạch hay lợi ích nhóm gây bức xúc xã hội khi đánh giá nó ở tầm vĩ mô. Riêng đối với câu chuyện BOT, cái bức xúc của người dân đến từ những chuyện cụ thể mà họ thấy hoặc phi lý hoặc quá sức chịu đựng. Chẳng hạn, với họ các con đường Nhà nước phải làm để cho người dân đi, bao đời nay vẫn vậy. Nay bỗng nhiên việc đi lại đó biến thành dịch vụ phải trả phí cho tư nhân mà không có sự lựa chọn nào.
Hay đối với các nhà vận tải, việc phải trả quá nhiều phí đường dẫn đến giá thành hàng hoá tăng cao, doanh nghiệp mất năng lực cạnh tranh và rơi vào nguy cơ phát sản. Còn việc người dân tự tổ chức giám sát thu phí BOT trong câu chuyện đang bàn lại có ý nghĩa khác lớn hơn. Đó là một sự thay đổi về chất trong nhận thức và ý thức của người dân trong mối quan hệ với chính quyền của họ.
- Hiện tại, Luật về PPP đang được lấy ý kiến xây dựng, ông có đóng góp gì để dự thảo này được hoàn thiện hơn, đặc biệt việc mở rộng thêm vai trò giám sát của xã hội dân sự đối với các dự án PPP?
Đó là một chủ trương và giải pháp đúng đắn mà nhiều người, trong đó có tôi đã đề xuất từ lâu. Tôi chắc chắn rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng được một dự án luật tốt từ rất nhiều kinh nghiệm và bài học cả thành công và thất bại. Nếu có thể góp ý, tôi chỉ xin nêu ra hai điều.
Một là hãy thành lập một cơ quan chuyên trách về PPP theo mô hình Trung tâm nghiên cứu, rà soát và thông tin PPP hay BOT của các nước. Đó là không phải là một cơ quan phê duyệt dự án tập trung mà là một tổ chức tư vấn chuyên nghiệp và độc lập về PPP.
Hai là, cần xây dựng và phát triển một thị trường tài chính chuyên biệt với các giải pháp chuyên nghiệp cho các dự án BOT hay BT. Chỉ khi đó, chúng ta mới có được các nhà đầu tư tư nhân thật sự, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài, mà không phải chỉ các nhà đầu cơ như thời gian vừa qua.
-Trân trọng cảm ơn ông!