Theo các chuyên gia pháp lý, câu chuyện trái phiếu Tân Hoàng Minh vừa qua chỉ là một trong nhiều trường hợp tương tự và đã làm lộ ra nhiều bất cập của thị trường trái phiếu hiện nay…
>>11 dự án “tai tiếng” của Tân Hoàng Minh - Bài 1: Căn hộ "đế vương" 10 năm còn “lỗi hẹn”
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, tối 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can Đỗ Anh Dũng (sinh năm 1961, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) cùng 6 bị can khác về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo tài liệu điều tra, từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật.
Theo Bộ Công an, tổng trị giá các đợt phát hành trái phiếu nêu trên là 10.300 tỷ đồng. Mục đích để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Phân tích về "lỗ hổng" của thị trường trái phiếu từ vụ án này, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, nhiều năm qua, các ngân hàng, công ty chứng khoán tham gia thị trường trái phiếu không chịu rủi ro tín dụng. Vì sau khi mua sơ cấp, trái phiếu này được xé lẻ để bán lại thứ cấp cho nhiều người mua cá nhân.
“Nếu đích đến là cá nhân thì ngân hàng không chịu rủi ro. Họ mua, họ cho vay thì họ kiểm tra, thẩm định cẩn thận về doanh nghiệp phát hành, tài sản thế chấp, tiến độ giải ngân… Nay họ xé lẻ lô lớn ra bán cho cá nhân thì dẫn đến thực tế là họ không chịu trách nhiệm nữa”, luật sư Hiệp nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, về phía nhà đầu tư cá nhân mua thứ cấp lại từ các ngân hàng và công ty chứng khoán, nếu đơn vị phát hành là công ty đại chúng thì thông tin được minh bạch.
“Nhưng nay tất cả yếu tố minh bạch đó không có vì người bán là ngân hàng, công ty chứng khoán. Cá nhân nào mua, đến lúc bị rủi ro thì cá nhân đó gánh hết” – Giám đốc Công ty Luật HPVN nói.
Soi chiếu vào vụ việc của 9 lô trái phiếu Tân Hoàng Minh vừa bị huỷ, các ngân hàng và công ty chứng khoán đều chỉ là đơn vị quản lý tài khoản, cung cấp dịch vụ thanh toán, dịch vụ lưu ký… chứ không có bên nào đứng ra bảo lãnh thanh toán cho các trái phiếu. Đây là lỗ hổng lớn chưa có quy định để kiểm soát.
>>11 dự án “tai tiếng” của Tân Hoàng Minh - Bài 2: D’. Le Roi Soleil và lùm xùm lừa dối khách hàng
Đáng chú ý, một thống kê của nhà cung cấp dịch vụ tích hợp hàng đầu Việt Nam (Fiin Group) cuối năm ngoái cho thấy, sự tham gia trực tiếp của nhà đầu tư cá nhân vào các đợt phát hành trái phiếu sơ cấp đã giảm mạnh do quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và ngoài nước.
Thay vào đó, các ngân hàng và công ty chứng khoán trở thành nhóm trái chủ chính. Fiin Group cũng chỉ ra rằng, trong khi các ngân hàng mua trái phiếu có thiên hướng nắm giữ thì các công ty chứng khoán sau khi mua vào đã bán ra hầu hết cho nhà đầu tư thứ cấp.
Cũng theo số liệu thống kê từ Fiin Group, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm đến giữa tháng 3 là gần 27.250 tỷ đồng và gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, năm 2021, các doanh nghiệp đã phát hành lượng trái phiếu trị giá 722.700 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2020.
Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành tại thời điểm cuối năm 2021 theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI là khoảng 1,4 triệu tỷ đồng, đạt 16,6% GDP 2021, gấp 4 lần so với năm 2017 nhờ tốc độ phát hành tăng hơn 40% mỗi năm. Các doanh nghiệp bất động sản là nhóm phát hành nhiều nhất với 318.200 tỷ đồng, tăng 66,3% so với năm 2020 và chiếm 44% tổng lượng phát hành năm 2021. Các ngân hàng phát hành 226.400 tỷ đồng, chiếm 31,3% tổng lượng phát hành và tăng 73% so với năm 2020.
Còn theo số liệu từ Hiệp hội Trái phiếu, trong số các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ từ đầu năm 2021 tới nay, trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo chỉ chiếm 50,9%. Cũng theo thông tin từ Bộ Tài chính cuối năm 2021, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo nhưng lại chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án.
Một đại diện Bộ Tài chính cho biết, giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường. Do đó, trường hợp thị trường bất động sản hoặc chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.Tài sản đảm bảo của trái phiếu cũng có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của doanh nghiệp. Do đó, Bộ Tài chính tiếp tục cảnh báo nhà đầu tư cần đánh giá kỹ các rủi ro này.
Cũng liên quan đến vụ việc này, ngày 7/4/2022 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Công điện số 304/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm, bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích, hiệu quả, lành mạnh, minh bạch, ổn định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không chất lượng...
Có thể bạn quan tâm
11 dự án “tai tiếng” của Tân Hoàng Minh - Bài 1: Căn hộ "đế vương" 10 năm còn “lỗi hẹn”
11:00, 07/04/2022
11 dự án “tai tiếng” của Tân Hoàng Minh - Bài 2: D’. Le Roi Soleil và lùm xùm lừa dối khách hàng
03:40, 08/04/2022
Chuyện chưa kể về ông chủ Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa bị khới tố
05:00, 06/04/2022
Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ phải đối diện mức án nào?
03:40, 06/04/2022