Xoay quanh vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh với cáo buộc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua phát hành TPDN, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc nhà đầu tư cần phải thận trọng hơn...
>> Tân Hoàng Minh phải chịu trách nhiệm với các trái chủ như thế nào?
Theo đó, ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các cá nhân tại Tập đoàn đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 Công ty thành viên gồm: Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Đáng nói, điểm chung của 9 lô trái phiếu mà 3 Công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh chào bán đều hứa hẹn lãi suất “không tưởng” lên đến 12%/năm, với mục đích huy động vốn thực hiện các dự án bất động sản ở Hà Nội và Phú Quốc. Tài sản bảo đảm cho các lô trái phiếu gồm: cổ phần, quyền sử dụng đất, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư là phần xây dựng hình thành trong tương lai, quyền tài sản của Công ty phát hành trái phiếu được phát sinh từ hợp đồng hợp tác với đối tác... kèm theo đó là hàng loạt cam kết.
Thế nhưng, trên thực tế, như cáo buộc của Cơ quan Cảnh sát điều tra, số tiền thu được từ phát hành TPDN không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Đây là hành vi có thể đẩy các nhà đầu tư tới rủi ro, và đứng trước nguy cơ mất trắng nếu năng lực tài chính của doanh nghiệp phát hành không đủ để đảm bảo hoàn trả.
Thực tế, việc phát hành trái phiếu sai quy định, không công bố thông tin, công bố thông tin sai sự thật và che giấu thông tin như trường hợp của 3 Công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã làm không phải trường hợp đầu tiên khi trước đó, không ít doanh nghiệp đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước “tuýt còi”, xử phạt, và Bộ Tài chính cũng không ít lần phát đi cảnh báo.
Cụ thể, theo Bộ này: “Nhà đầu tư cá nhân không nên mua TPDN riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn, tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành sau khi đầu tư mua trái phiếu. Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao; do đó, phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu; không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, Công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu”.
>> Từ vụ Tân Hoàng Minh: Cần chế tài đủ mạnh “dẹp” vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Nhận định về thực trạng đã nêu, chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu 3 không (không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán) hiện nay rất nhiều. Điều này có thể gây rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư cũng như thị trương, từ đó, gây nguy hại đến một phương thức huy động vốn rất quan trọng trong nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần có sự quan tâm đúng mức đến thị trường này, để TPDN không chỉ phát triển nhanh mà còn bền vững, an toàn, giúp hạn chế việc phải “đuổi theo” xử lý hậu quả của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sai quy định.
Thông tin với báo chí, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính khẳng định, TPDN là kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Lực, vấn đề nổi cộm là chất lượng TPDN Việt Nam chưa cao, mức độ thông tin còn thiếu minh bạch, tài sản đảm bảo chưa được chú trọng. Điều này gây ra những thách thức không nhỏ đối với cơ quan quản lý và các nhà đầu tư.
Ông lực cho rằng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã và đang tiếp tục nắn chỉnh việc đầu tư rồi cho vay đối với phát hành trái phiếu, trong đó có trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian vừa qua để tiếp tục chấn chỉnh trong thời gian tới cho lành mạnh hơn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng phải thận trọng hơn trước khi quyết định đầu tư.
“Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu, đánh giá đầy đủ và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư mới nên quyết định mua trái phiếu. Không nên chỉ thấy lãi suất cao, không tìm hiểu mà ngay lập tức đã mua thì nguy cơ rủi ro sẽ rất cao. Bên cạnh đó, cũng có thể dựa vào tư vấn của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để xem mình nên mua trái phiếu, cổ phiếu, chứng khoán của đơn vị phát hành nào để đảm bảo vừa có được mức sinh lời phù hợp cũng như là hạn chế được rủi ro”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.
Bên cạnh đó, ông Lực đề xuất, thời gian tới cần sớm thành lập và cho phép vận hành các công ty định hạng, xếp hạng tín nhiệm tín nhiệm để những công ty này giúp cho việc phát hành chứng khoán nói chung và phát hành trái phiếu nói riêng được công khai, minh bạch, xếp hạng để nhà đầu tư có thể có quyết định đầu tư hay không.
Có thể bạn quan tâm
Tân Hoàng Minh phải chịu trách nhiệm với các trái chủ như thế nào?
05:15, 06/04/2022
Chuyện chưa kể về ông chủ Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa bị khới tố
05:00, 06/04/2022
Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ phải đối diện mức án nào?
03:40, 06/04/2022
Từ vụ Tân Hoàng Minh: Cần chế tài đủ mạnh “dẹp” vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp
00:47, 06/04/2022
Từ vụ Tân Hoàng Minh: Nhận diện vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp
23:22, 05/04/2022