Tương lai nào cho công nghiệp dược liệu Kon Tum?

MAI CHIẾN 17/07/2024 14:50

Được đánh giá mạnh về tiềm năng dược liệu, tỉnh Kon Tum đang từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp này theo hướng chuyên sâu, đóng góp trực tiếp vào kinh tế xã hội của địa phương.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm vườn dược liệu của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm vườn dược liệu của doanh nghiệp.

Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Kon Tum quy hoạch vùng trồng dược liệu tại các huyện có thế mạnh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái trên địa bàn, trọng tâm tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông và ở những vùng khác.

Vùng nguyên liệu lớn

Hiện nay, huyện Tu Mơ Rông đang có tổng diện tích cây sâm Ngọc Linh là 2.390,66 ha, trong đó trồng mới 7,06ha và cây trồng dược liệu khác như đảng sâm, ngũ vị tử, sơn tra là 1.530,64 ha. Với diện tích trên, cây dược liệu đang từng bước thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế.

Theo ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho hay: “Đến nay đã có hơn 17 lượt nhà đầu tư đến huyện tìm hiểu các dự án kêu gọi thu hút đầu tư, trong đó có một số nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Sun Group, Công ty Cổ phần nông nghiệp quốc tế Thắng Lợi, Công ty Bidrico chú trọng đến trồng và chế biến sâu trong dược liệu. Đây là một tín hiệu đáng mừng, cho bước phát triển công nghiệp của ngành này”.

Việc thu hút đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận, hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu.

Đặc biệt là nhiều doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng nhà máy, xưởng chế biến sản xuất sản phẩm hỗ trợ sức khoẻ từ dược liệu. Ngành công nghiệp dược liệu của tỉnh Kon Tum càng được hình thành rõ nét hơn khi Công ty Bidrico quyết định hợp tác với nông dân, hợp tác xã của ba huyện trọng tâm về dược liệu để thu mua dược liệu và xây dựng nhà máy chế biến chuyên sâu.

Ngoài ra, một số địa phương lân cận cũng ghi nhận đã thu hút được doanh nghiệp đầu tư dự án chế biến chuyên sâu. Để tận dụng sớm những cơ hội, bà Lương Thị Mỹ Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi cũng đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản và dược liệu với diện tích 5.000 m2 tại Cụm công nghiệp 24/4 huyện Đắk Tô. Nhà máy đi vào hoạt động vào đầu 2024, phục vụ sản xuất chế biến sâu và nông sản khô. Các sản phẩm đã qua chế biến của đơn vị được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Sendo... người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng”.

Thu hút doanh nghiệp quy mô lớn

Là đơn vị quản lý, bảo vệ rừng, thực hiện có hiệu quả phương án kinh doanh và phát triển cây Sâm Ngọc Linh. Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Tô đã có nhiều năm trong trồng và chế biến sâm. Nhìn nhận về phát triển ngành công nghiệp dược liệu ở địa phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Tô – ông Nguyễn Thành Chung cho hay, “Dược liệu thì có rất nhiều dược liệu, tuy nhiên để phát triển ngành công nghiệp dược liệu này tốt thì phải quy hoạch vùng. Chỗ này trồng cái gì, chỗ kia trồng cái gì, chứ không chỗ nào cũng trồng thì rất khó để phát triển vùng nguyên liệu tập trung. Do đó, cần phải quy hoạch rõ ràng, ví dụ như dồn điền đổi thửa để có thể làm các chứng nhận về thương hiệu VietGap, GlobalGap”.

“Dược liệu của tỉnh Kon Tum với cây sâm Ngọc Linh là chủ lực thì việc hình thành ngành công nghiệp dược liệu chỉ là việc sớm muộn. Song hành với điều đó thì vấn đề là tỉnh Kon Tum phải xây dựng được thương hiệu và bảo vệ sản phẩm dược liệu của địa phương trước những vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Cơ chế, chính sách phù hợp thì việc thu hút doanh nghiệp vào chế biến chuyên sâu trong ngành dược liệu sẽ thành công thôi”, ông Nguyễn Thành Chung – Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Tô nói thêm.

Theo một con số thống kê chưa đầy đủ, đến nay đã có hơn 10 doanh nghiệp xây dựng xưởng sơ chế, nhà máy chế biến sâu trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, ngành dược liệu đã tạo cho người dân hàng chục ngàn vị trí lao động từ gián tiếp đến trực tiếp. Kon Tum đang dần hướng đến mục tiêu năm 2030, ngành sản xuất công nghiệp dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và đóng góp 5% vào GRDP.

Có thể bạn quan tâm

  • Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khảo sát công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy rừng tại Kon Tum

    Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khảo sát công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy rừng tại Kon Tum

    20:55, 05/05/2024

  • Kon Tum: Mong muốn tạo động lực phát triển từ hạ tầng giao thông

    Kon Tum: Mong muốn tạo động lực phát triển từ hạ tầng giao thông

    16:43, 19/03/2024

  • Kon Tum: nỗ lực giải quyết những vướng mắcp/doanh nghiệp

    Kon Tum: nỗ lực giải quyết những vướng mắc doanh nghiệp

    09:29, 08/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tương lai nào cho công nghiệp dược liệu Kon Tum?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO