Tương lai nào cho ngành bán lẻ Việt Nam?

Việt Nga 13/05/2018 06:30

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là miếng bánh hấp dẫn, với sự tăng trưởng nóng. Vậy, tương lai của ngành bán lẻ tại Việt Nam sẽ như thế nào?

Sau hơn 10 năm gia nhập tổ chức Thương mại thế giới WTO, Việt Nam hiện đã tham gia 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn trên thế giới. Từ năm 2018, Việt Nam phải thực hiện các cam kết hội nhập sâu rộng hơn, trong đó có mở cửa thị trường và gỡ bỏ các rào cản kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài. Vậy, tương lai của ngành bán lẻ Việt Nam sẽ như thế nào trong thời gian sắp tới?

Xu hướng dịch chuyển trong thị trường bán lẻ

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là miếng bánh hấp dẫn, với sự tăng trưởng nóng cùng xu hướng đi lên trong thời gian tới.

Theo kết quả khảo sát thường niên về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu năm 2017 (GRDI) của Hãng tư vấn A.T. Kearney, Việt Nam đã tăng 5 bậc lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng, sau các thị trường lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE).

Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, điển hình như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)... đã và đang đầu tư, khai thác tại Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập.

Tương tự, kết quả khảo sát và nghiên cứu đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam được Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố mới đây cũng chỉ ra rằng, việc Chính phủ cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài từ năm 2015, cùng với các yếu tố như chính sách ưu đãi, đô thị hóa, dân số tương đối trẻ… đã khiến thị trường bán lẻ Việt Nam lọt vào danh sách thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới.

Tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam qua các năm

Tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam qua các năm

Được đánh giá là một thị trường màu mỡ như vậy, tuy nhiên trên thực tế thì thị trường bán lẻ Việt Nam đang có một sự “thay máu” khi rất nhiều xu hướng mới được dự báo sẽ diễn ra trong 3 năm tới, đặc biệt là sự chuyển đổi chiến lược của các nhà đầu tư.

Trong suốt gần hai thập niên qua, mô hình “department store” (bách hóa tổng hợp) đã tạo dựng những thành công nhất định khi hình thành cho người Việt Nam một xu hướng mua sắm mới với sự có mặt của các thương hiệu nước ngoài.

Nhắc đến sự thành công trong mô hình kinh doanh “department store”, sẽ không thể không nhắc đến “ông lớn” từng lừng lẫy một thời – Trung tâm thương mại Parkson. Parkson đã ghi những dấu ấn khá đậm nét tại những thành phố lớn tại Việt Nam như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng… trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2010.

Bước sang năm 2011, mô hình kinh doanh theo hướng Department Store bắt đầu bộc lộ nhược điểm, nhất là khi hình thức Shopping Mall (tạm dịch: trung tâm mua sắm) kiểu mới xuất hiện, sở hữu đa chức năng từ mua sắm đến giải trí. 

Không chỉ tại Việt Nam, mô hình Department Store cũng đang trở nên yếu thế tại các thị trường khác ở châu Á và thế giới. Tại Hà Nội, có thể thấy những trung tâm thương mại tổ chức theo dạng Department Store đã thất bại trong vài năm gần đây như Grand Plaza, Parkson. Thậm chí Tràng Tiền Plaza cũng gặp không ít khó khăn trong việc mở rộng khách hàng. Ngược lại những Shopping Mall lớn như Vincom Times City, Vincom Royal City, The Garden... thì vẫn thành công.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng, sự xuất hiện của e-commerce (thương mại điện tử) đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến mô hình bán lẻ truyền thống khi giới trẻ ngày càng ưa thích mua hàng online.

Tương lai nào cho ngành bán lẻ Việt Nam?

Mới đây, trong sự kiện “Bán lẻ thế hệ mới – thiết kế cho tương lai” được tổ chức dành riêng cho các nhà bán lẻ và các chuyên gia trong ngành, Savills Việt Nam đã cập nhật những xu hướng bán lẻ mới trên toàn cầu, cũng như những yếu tố mà nhà đầu tư trong ngành cần cân nhắc để đón đầu làn sóng mới.

Theo bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam, trong Qúy 1/2018, tổng nguồn cung Bán lẻ tại riêng TP HCM khoảng hơn 1,2 triệu m2 sàn với 73.000 m2 sàn mới từ 3 siêu thị và 2 trung tâm mua sắm được khai trương. Ba dự án đóng cửa và 3 dự án đổi chức năng, tổng cộng giảm 39.200 m2 sàn.

Giá thuê trung bình giảm nhẹ 1% theo quý. Công suất thuê trung bình giảm nhẹ 1 điểm % do nguồn cung mới tại khu vực ngoài trung tâm có giá thuê và công suất thuê thấp. Các thương hiệu thời trang mới và thương hiệu F&B quốc tế gia nhập và thay thế những thương hiệu kém thu hút. Doanh thu bán lẻ tăng cao ở F&B, quần áo và vật dụng gia đình. Tiện ích tự động và mua hàng trực tuyến trở nên phổ biến. Thương mại điện tử liên tục thu hút đầu tư, với nổi bật là việc tham gia bước đầu thị trường Việt Nam của Amazon.

Ông Philippe Courbois – Giám đốc dịch vụ Khách hàng và Đổi Savills cho rằng, bên cạnh sự chuyển mình của mô hình bán lẻ truyền thống, những đầu tư về công nghệ như ứng dụng (app), điện thoại thông minh, thương mại điện tử, việc mua bán hàng hóa trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Sự kết hợp gần đây của nhiều nhà bán lẻ truyền thống và các sàn thương mại điện tử cũng là một câu trả lời cho việc thích ứng, thay đổi nhằm hướng đến một mô hình bán lẻ phù hợp với thời đại và người tiêu dùng.

Ông Troy Griffiths – Phó Giám Đốc Điều hành Savills Việt Nam khẳng định, đối với những nhà bán lẻ nước ngoài muốn tham gia vào thị trường Việt Nam, nếu họ không chú ý đến những tiềm năng từ thị trường cũng như sự năng động từ kết cấu dân số trẻ và đặc biệt là thói quen sử dụng điện thoại thông minh thì rất đáng tiếc.

Việc am hiểu khách hàng, nhất là người tiêu dùng tại Việt Nam, vốn là một điều không dễ dàng. Và vì thế, sân chơi bán lẻ ở Việt Nam không dành cho những ai chỉ chú trọng vào sự màu mỡ của một thị trường đang lên mà còn là sự kiên định, quyết đoán. Thế hệ khách hàng trẻ cũng mang yếu tố quyết định, ảnh hưởng đến phần lớn thói quen và hành vi tiêu dùng.

Theo ông Troy Griffiths, thế hệ khách hàng trẻ mang yếu tố quyết định, ảnh hưởng phần nhiều đến thói quen và hành vi tiêu dùng

Theo ông Troy Griffiths, thế hệ khách hàng trẻ mang yếu tố quyết định, ảnh hưởng phần nhiều đến thói quen và hành vi tiêu dùng

Đồng ý với quan điểm của ông Troy, ông Trevor Vivian – Giám Đốc điều hành Tập đoàn Benoy, Kiến trúc và quy hoạch tổng thể trao đổi về Omni channel (Tiếp thị đa kênh) trong ngành Bán lẻ cũng nhấn mạnh về vai trò và sự chuyển đổi của các nhà bán lẻ nội địa tại Việt Nam: “Tôi cho rằng họ đang từng bước hiểu rõ hơn về chính sản phẩm của mình – điều sẽ làm nên sự khác biệt đối với các thương hiệu quốc tế. Việc các thương hiệu nước ngoài tham gia vào thị trường cũng là một tín hiệu khả quan, bởi sự kết hợp này sẽ tạo nên sự thay đổi, sự phong phú cho môi trường bán lẻ và người tiêu dùng Việt Nam. Đừng bỏ quên nét văn hóa đặc trưng và các sản phẩm bản địa đặc sắc của các bạn, bởi đây chính là yếu tố quan trọng để định vị giá trị và niềm tự hào của ngành bán lẻ Việt Nam trên bản đồ thế giới”

Theo ông Nicholas Bradstreet – Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận cho thuê Savills Hồng Kong, nhà bán lẻ cũng như chủ cho thuê cần có sự chuẩn bị, phản ứng phù hợp với những xu hướng mới, ví dụ như tích hợp thêm nhiều giá trị giái trí, ẩm thực dành cho khách hàng bên cạnh nhu cầu thương mại, mua sắm. Mô hình pop-up store cũng đang là một giải pháp khá phổ biến, khi phù hợp với nhiều hoàn cảnh, mục đích từ việc giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, cũng như kiểm tra thị trường mới…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tương lai nào cho ngành bán lẻ Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO