Sri Lanka tuyên bố không đủ khả năng trả khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD, làm gia tăng cuộc khủng hoảng đang ngày một trầm trọng hơn.
>>Vì sao Sri Lanka ban hành lệnh giới nghiêm toàn quốc?
Bộ Tài chính Sri Lanka tuyên bố các chủ nợ của nước này, trong đó có chính phủ các nước đã cho quốc gia Nam Á vay tiền, có thể cộng dồn lãi chưa trả vào khoản vay mà Sri Lanka đến hạn thanh toán từ chiều cùng ngày, hoặc chọn nhận lại khoản vay gốc bằng đồng rupee Sri Lanka.
Trước đó, các quan chức cho biết quốc đảo này sẽ tạm ngừng thanh toán nợ nước ngoài để tránh vỡ nợ lớn và dành nguồn dự trữ ngoại hối hạn chế cho việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhiên liệu và thuốc.
"Chính phủ chỉ áp dụng biện pháp khẩn cấp này như lựa chọn cuối cùng nhằm ngăn tình hình tài chính của đất nước thêm xấu đi", Bộ Tài chính Sri Lanka giải thích về quyết định tuyên bố vỡ nợ với các khoản vay nước ngoài.
Cơ quan này nói thêm rằng tuyên bố vỡ nợ là để đảm bảo "đối xử công bằng và bình đẳng đối với tất cả các chủ nợ" trước khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp chương trình hỗ trợ cho quốc gia Nam Á. Nhiều nhà kinh tế quốc tế, bao gồm cả những chuyên gia tại IMF cũng đã thúc giục Sri Lanka đàm phán với các chủ nợ, bao gồm Ngân hàng Phát triển Châu Á, Nhật Bản, Trung Quốc... để tạm dừng thanh toán và ưu tiên ổn định đất nước.
Các số liệu chính thức cho thấy Trung Quốc chiếm khoảng 10% trong 35 tỷ USD nợ nước ngoài của Sri Lanka tính đến tháng 4/2021. Con số này có thể còn cao hơn nhiều nếu tính cả nợ của công ty quốc doanh và ngân hàng trung ương, theo Guardian.
Việc rơi vào tình trạng vỡ nợ sẽ khiến khủng hoảng kinh tế Sri Lanka thêm trầm trọng hơn. Quốc gia này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948. Dự trữ ngoại hối của quốc đảo này đã giảm hơn 2/3 trong hai năm qua. Tháng trước, lạm phát tại đây chạm 18,3% - gấp đôi tốc độ tại Mỹ. Giá mọi sản phẩm thiết yếu đều tăng vọt. Việc này đã khiến người dân bất mãn, đổ ra đường biểu tình nhiều tuần nay. Hàng loạt quan chức chính phủ Sri Lanka cũng liên tục từ chức.
Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka đã hình thành nhiều năm qua, chủ yếu do quản lý kinh tế yếu kém và một phần nhỏ do kém may mắn. Suốt thập kỷ qua, chính phủ Sri Lanka đã vay rất nhiều từ chủ nợ nước ngoài để cung cấp dịch vụ công trong nước.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tác động từ cuộc chiến ở Ukraine cũng là những yếu tố tác động đến nền kinh tế Sri Lanka. Cùng với lệnh cấm phân bón hóa học, 6 tháng sau, Sri Lanka từ một nước tự cung tự cấp gạo biến thành nước nhập khẩu hơn 600 triệu USD gạo nước ngoài. Việc này cũng khiến sản lượng nhiều mặt hàng khác lao dốc, châm ngòi cho lạm phát và giáng đòn vào xuất khẩu chè, cao su của Sri Lanka.
>>Sri Lanka và khủng hoảng “gia đình trị”
Chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi của BlueBay Asset Management, Timothy Ash nhận định: "điều ngạc nhiên là chính quyền ở Colombo đã mất quá nhiều thời gian để chấp nhận thực tế Sri Lanka không có khả năng trả nợ trong tương lai gần. Điều này đã làm hạn chế việc chính phủ có thể nhanh chóng đưa ra các biện pháp phục hồi kinh tế kịp thời".
Các động thái của chính phủ trong những ngày gần đây vẫn chưa xoa dịu được các chính trị gia đối lập, những người đang yêu cầu tước bỏ quyền lực tổng thống của ông Rajapaksa. Theo các nhà quan sát chính trị và kinh tế, sự bế tắc đã dẫn đến tâm lý lo ngại của các chủ nợ quốc tế về người có thể lãnh đạo Sri Lanka vượt qua khủng hoảng.
"Để thoát khỏi khủng hoảng, ưu tiên hàng đầu của Sri Lanka là nhanh chóng thành lập một chính phủ hiệu quả. Đạt thỏa thuận với IMF và các chủ nợ sẽ là bước đi tiếp theo", chuyên gia Timothy Ash đánh giá.
Có thể bạn quan tâm