Tuyển chọn nhà thầu cao tốc Bắc – Nam (Kỳ 2): Phải có cơ chế kiểm soát… “hậu đấu thầu”!

NGÂN GIANG 27/09/2020 05:45

Việc Bộ GTVT đề nghị Bộ Công an phối hợp khi làm đường cao tốc Bắc – Nam, để công khai, minh bạch về danh tính các nhà thầu và có cơ chế kiểm soát… “hậu đấu thầu" là hết sức cần thiết.

Ở bài trước, chúng tôi đã thông tin việc tuyển chọn nhà thầu cao tốc Bắc – Nam mà Bộ GTVT tuyên bố sẽ chọn nhà thầu có năng lực về nhân lực, trang thiết bị, tài chính… nhưng cần xem xét “hạnh kiểm” của các nhà thầu hay không đang được dự luận hết sức quan tâm.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, việc Bộ gửi văn bản đề nghị Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước để có quy chế phối hợp trong thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam không phải là lần đầu tiên. Bởi, trên thực tế, mỗi cơ quan đều có chức năng, nhiệm vụ riêng. "Và đối với dự án thì đã có quy chế và thực hiện theo quy định pháp luật liên quan" - ông Đông nói.

ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết: Việc Bộ gửi văn bản đề nghị Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước để có quy chế phối hợp trong thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam

Đấu thầu ngoài việc nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch, còn là giải pháp hạn chế tiêu cực gây thất thoát và lãng phí tài sản công.

Cũng theo ông Đông, việc có ý kiến đóng góp từ Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước sẽ giúp Bộ GTVT làm tốt hơn trong mặt hoàn tất thủ tục triển khai dự án. Đặc biệt, khi cơ quan công an tham gia thì họ hoàn toàn có thể cung cấp các thông tin liên quan về quá trình điều tra, đặc biệt là vi phạm của các nhà thầu. Khi đó, Bộ mới có thể chủ động hơn trong việc ban hành các hồ sơ mời thầu với điều khoản rõ ràng, công khai, minh bạch.

Do đó, việc phối hợp giữa các cơ quan không phải là giám sát ai mà để chia sẻ thông tin trong quá trình triển khai thực hiện dự án giữa các bên. "Những thông tin phối hợp trao đổi là để sử dụng, phục vụ quá trình triển khai dự án tốt hơn, đảm bảo pháp luật và mục tiêu về chất lượng" - ông Đông nói.

Liên quan tới những câu hỏi mà dư luận đặc biệt quan tâm về việc các nhà thầu đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang bị cơ quan công an điều tra về vi phạm trong thi công có được tham gia dự án đường cao tốc Bắc - Nam hay không? Ông Nguyễn Duy Lâm - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cho biết đối với các nhà thầu tham gia dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nếu bị cơ quan điều tra kết luận vi phạm về chất lượng thì “không được đưa những gói thầu đó làm kinh nghiệm từng tham gia các công trình tương tự khi đấu thầu xây lắp dự án đường cao tốc Bắc – Nam”- ông Lâm nói.

Chia sẻ với DĐDN, PGS.TS Trần Chủng lại cho rằng, trong quá trình đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, tài chính của nhà thầu, ngoài hồ sơ đề xuất của nhà thầu cần có sự đối chứng với thực tiễn, bao gồm: Các sản phẩm cụ thể, máy móc, thiết bị cụ thể, chứ không chỉ căn cứ vào năng lực trên “giấy”. Theo quy định hiện nay, việc chấm thầu thường vẫn căn cứ theo hồ sơ dự thầu của nhà thầu. Tuy nhiên, khi bên chấm thầu cảm thấy nghi ngờ về các số liệu trong hồ sơ dự thầu cần phải kiểm tra thực tế ngay.

"Trước đây, đã xảy ra tình trạng nhiều nhà thầu đi “mượn” năng lực của đơn vị khác để mang đi đấu thầu, sau khi đấu thầu xong thì họ trả lại là hết sức bất cập"-  ông nói.

vd

Việc tìm ra nhà thầu cho dự án cao tốc Bắc - Nam trong quá trình đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, tài chính của nhà thầu, ngoài hồ sơ đề xuất của nhà thầu cần có sự đối chứng với thực tiễn.

Do đó, theo PGS.TS Trần Chủng, điều quan trọng bây giờ là phải có cơ chế kiểm soát sau khi đấu thầu. Bởi, đôi khi chúng ta làm công tác đấu thầu rất công phu, bài bản, tốn nhiều thời gian nhưng không có cơ chế kiểm soát "hậu đấu thầu" thì rất dễ dẫn tới những hệ lụy khôn lường.

Bên cạnh đó, sau đấu thầu, cần bắt tay vào triển khai thực tiễn mới là quan trọng. Trong đó, bên mời thầu phải kiểm tra chặt chẽ xem năng lực trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu về thiết bị, máy móc, nhân lực có đúng không?

Dẫn chứng cụ thể về vấn đề này, PGS.TS Trần Chủng cho biết, còn nhớ trước đây làm hầm Hải Vân, tư vấn giám sát người Mỹ đã phải đến tận nơi xem năng lực của từng chỉ huy trưởng công trường, nhân lực, thiết bị của nhà thầu thi công. Và vấn đề rất đáng lưu ý là, "hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện quy trình như thế, trước khi triển khai ngoài công trường họ đều đánh giá năng lực của các nhà thầu, soi xét lại hồ sơ dự thầu xem có đúng thực tế không? Nếu không đúng là họ mời nhà thầu ra khỏi công trường ngay và thay thế bằng nhà thầu kế tiếp" – PGS.TS Chủng dẫn chứng.

Như vậy, theo các chuyên gia thì ngoài việc Bộ GTVT đề nghị Bộ Công an phối hợp khi làm đường cao tốc Bắc – Nam, để công khai, minh bạch về danh tính các nhà thầu tham gia dự thầu, thì sự cần thiết về cơ chế kiểm soát… “hậu đấu thầu” cũng là vấn đề rất đáng lưu ý.

Có thể bạn quan tâm

  • Tuyển nhà thầu cao tốc Bắc-Nam (Kỳ 1): Có nên xét “hạnh kiểm” của các nhà thầu?

    11:15, 10/09/2020

  • Ba dự án cao tốc Bắc-Nam được chuyển đổi sang đầu tư công hút nhà thầu tham gia

    02:00, 16/08/2020

  • Chính phủ thông qua một số đề xuất của Bộ GTVT làm 3 dự án cao tốc Bắc-Nam

    04:00, 28/07/2020

  • Chuyển 3 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam sang đầu tư công: Quốc hội đồng ý bổ sung vốn 23.461 tỉ đồng

    09:50, 19/06/2020

  • “Đói” dự án mới, nhiều tập đoàn “xin” được ưu ái nhận thầu dự án cao tốc Bắc-Nam

    05:30, 08/06/2020

  • Cần thêm 5.000 tỷ đồng cho 3 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam nếu chuyển sang đầu tư công

    15:09, 15/06/2020

  • Có nên chuyển toàn bộ 8 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam sang đầu tư công?

    05:30, 19/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tuyển chọn nhà thầu cao tốc Bắc – Nam (Kỳ 2): Phải có cơ chế kiểm soát… “hậu đấu thầu”!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO