Theo chuyên gia, năm 2022 là vấn đề của tỷ giá đến nhưng năm 2023 sẽ là vấn đề của lạm phát, tăng trưởng kinh tế, khủng hoảng thị trường tài chính ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp.
>>Chính sách tiền tệ Việt Nam nhìn từ ảnh hưởng của Fed
Đầu tháng này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức nâng lãi suất thêm 0,75%, đồng thời tiếp tục đốt nóng cuộc đua tăng lãi suất toàn cầu vốn đã diễn ra từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, theo chân Fed, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1989. Đây là lần tăng lãi suất thứ 8 liên tiếp của BoE và đưa lãi suất cơ bản của Anh đạt 3%.
Tại châu Á, theo nhận định của trang The Korea Times, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) tiếp tục đối mặt với một tình huống khó xử, trước khả năng phải thực hiện một bước đi quan trọng khác là tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp ấn định lãi suất sắp tới.
Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho cho biết, sau quyết định của FOMC, lãi suất chủ chốt của Fed đã tăng lên phạm vi từ 3,75% - 4%. Điều này đã nới rộng khoảng cách với lãi suất của BoK lên 1 điểm phần trăm. Trong khi đó, BoK cũng đã được dự báo sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm vào trung tuần tháng 11 này. Tuy nhiên, các nhà kinh tế Hàn Quốc vẫn nghi ngờ về triển vọng sáng sủa của nền kinh tế Hàn Quốc, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thanh khoản đang chưa có hồi kết.
Trong xu thế tăng lãi suất toàn cầu, hoạt động tiền tệ trong nước không thể nằm ngoài xu thế chung. Theo đó, sau một thời gian dài giữ cố định lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã phải 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành liên tục chỉ trong vòng 1 tháng.
PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế đánh giá, việc tăng lãi suất là một trong những giải pháp thông thường nhằm kiểm soát lạm phát, nhưng điều này cũng có tác động phụ là làm ảnh hưởng sản xuất do chi phí tài chính tăng. Tuy nhiên, mục tiêu mà các nhà điều hành hướng tới khi lạm phát được kiểm soát nhờ chính sách thắt chặt tiền tệ, thì chính điều đó cũng sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng về mặt lâu dài.
>>Giải pháp căn cơ giảm sức ép lạm phát cuối năm
Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, tại Việt Nam, lạm phát sẽ là động lực rất lớn để NHNN tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao và chúng ta không thể kỳ vọng lãi suất tại Việt Nam sẽ giảm trong cuối năm 2023, mà có thể sẽ duy trì đến cả năm 2024, nghĩa là chu kỳ tăng lãi suất của Việt Nam cũng kéo dài hơn và có thể kéo dài cả năm tính từ thời điểm hiện tại.
Thực tế, vấn đề lãi suất trên thị trường một và trái phiếu doanh nghiệp đang là một quả bom nổ chậm cần lưu ý. Chúng ta thấy rằng, tổng tín dụng trong nền kinh tế đã vượt xa tổng huy động, đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ phải dùng những nguồn vốn khác để cho vay. Khi hết nguồn vốn tự có và bắt buộc phải nâng lãi suất, đây là áp lực thật từ nội tại hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra còn những biến cố về chính trị đã tác động trực tiếp đến ngân hàng làm cho niềm tin bị lung lay, cộng thêm yếu tố nhu cầu thanh khoản thực ở ngân hàng đang cạn kiệt. Từ những điều này dẫn đến áp lực tăng lãi suất là hiện hữu.
Ông Báu cũng dự báo, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại kỳ hạn một năm sẽ không dưới con số 9 - 10%, nghĩa là sau giai đoạn tăng này, lãi suất huy động có thể sẽ dịu bớt. Nếu áp lực thanh khoản qua Tết giảm xuống, thì sẽ duy trì trong năm 2023 với mức khoảng trên 10% và không thể giảm hơn được nữa.
Đồng thời, lãi suất cho vay cũng không duy trì ở mặt bằng hiện tại mà sẽ nhấc dần lên, đặc biệt thị trường trái phiếu bắt đầu bước vào thời kỳ đáo hạn từ nay đến cuối năm và năm sau nữa cũng đáo hạn rất nhiều. Bên cạnh nhu cầu tín dụng cho năm sau vẫn còn cao, thì lạm phát là vấn đề đặc biệt lớn.
“Năm 2022 là vấn đề của tỷ giá đến từ ảnh hưởng bên ngoài, nhưng năm 2023 sẽ là vấn đề của lạm phát, tăng trưởng kinh tế, khủng hoảng thị trường tài chính ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp. Vì vậy, những biến động ở thị trường một, cộng với vấn đề về trái phiếu sẽ gây áp lực lên phía NHNN, đó là phải giảm bớt kỳ vọng tăng lãi suất ở người dân. Chính yếu tố này, NHNN sẽ không phát ra tín hiệu tăng lãi suất mạnh trong thời gian tới mà phải cố gắng ổn định tâm lý thị trường.
Hay nói cách khác, chúng ta sẽ vẫn tăng lãi suất, nhưng với bối cảnh bên trên kẹp bởi lãi suất, bên dưới kẹp bởi tỷ giá và các căng thẳng khác sẽ làm cho vùng lãi suất của NHNN tác động không đủ rộng. Chúng ta sẽ vẫn tiếp tục thấy sự chênh lệch trong những tháng tới trong chính sách điều hành của NHNN. Về cơ bản, đây sẽ là vấn đề nội tại của chúng ta nhiều hơn, vì thế năm sau chưa thể hy vọng là một năm dễ chịu hơn”, CEO WiGroup nói.
Còn theo ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính, câu chuyện về lãi suất tăng là đương nhiên và chúng ta phải có biện pháp dự phòng cho việc này, đặc biệt với những doanh nghiệp cơ cấu nợ nhiều, biên lợi nhuận sẽ bị ăn mòn rất nhanh bởi chi phí lãi vay.
“Trong giai đoạn vừa rồi, lãi suất tăng nhưng chưa thẩm thấu, phản ánh thực sự vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Quý 3 vừa qua, cũng có những doanh nghiệp báo lỗ với phần rất lớn do tỷ giá tăng, lãi suất tăng, nhưng quý 4 này, khi áp lực phản ánh thực thì sẽ có sự ảnh hưởng mang tính lan truyền, lan rộng nhiều hơn. Từ đó dẫn đến câu chuyện thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản cũng không khởi sắc. Nhất là khi giá cho thuê nhà tăng, giá nguyên vật liệu tăng, sẽ phản ánh ngay vào giá bất động sản, trong bối cảnh sau Covid-19, nhu cầu nhà ở tăng cao, giá chung cư cũ cũng tăng nhưng nguồn cung thì đang thiếu”, ông Phan Lê Thành Long nhận định.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 07/11/2022
03:30, 06/11/2022
07:40, 03/11/2022
05:12, 08/11/2022
12:00, 05/11/2022