Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập đây là con số ấn tượng khi EVFTA mới chỉ có hiệu lực trong vòng 2 tháng qua.
Bà Trang nhấn mạnh, năm đầu tiên tham gia ASEAN tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam chỉ dừng ở mức 5% nhưng ngay trong những tháng đầu tiên thực thi EVFTA, khi mà doanh nghiệp còn chưa hiểu nhiều Hiệp định này thì tỉ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan đã ở mức khả quan.
Sáng nay (24/9) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA): Những điều doanh nghiệp cần biết.
Tại hội thảo hôm nay, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), EVFTA là con đường để doanh nghiệp Việt Nam thoát ra khỏi bế tắc khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Tới thời điểm hiện tại, EVFTA đã chính thức có hiệu lực được gần 02 tháng. Một số doanh nghiệp đã được hưởng những lợi ích đầu tiên từ Hiệp định thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, hứa hẹn nhiều kỳ vọng này.
Sau hai tháng thực thi Hiệp định EVFTA, bà Trang nhấn mạnh thực tế thực thi EVFTA đã bắt đầu được hiện thực hóa, mang lại những lợi ích đầu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam.
Dẫn số liệu của Bộ Công Thương, bà Trang cho biết chỉ trong tháng đầu tiên thực hiện EVFTA, đã có trên 7200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu EUR.1 với kim gạch 277 triệu USD hàng hóa xuất khẩu EU. Tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của Việt Nam cũng đã bắt đầu khởi sắc.
“Các đơn hàng xuất khẩu sang EU trong tháng 8/2020 đã tăng lên 10% về kim gạch so với tháng 7/2020. Giá các sản phẩm gạo của Việt Nam cũng được cải thiện sau khi EVFTA có hiệu lực, với mức tăng từ 80-200 USD/tấn so với cuối tháng 7/2020, và 126 tấn gạo thơm Việt Nam đã sang EU với thuế suất 0% vào ngày 22/9/2020”, bà Trang nhấn mạnh.
Những kết quả ban đầu này, theo bà Trang là tương đối khả quan, nhất là trong bối cảnh thị trường vẫn còn rất khó khăn do đại dịch COVID và Hiệp định vẫn còn rất mới mẻ với đa số doanh nghiệp.
Dù đã có những kết quả ban đầu khả quan, song câu chuyện tiếp tục tận dụng được những lợi ích và EVFTA mang lại trong tương lai vẫn là vấn đề đáng quan ngại khi mà đại dịch COVID chưa biết bao giờ mới chấm dứt, nhu cầu đi lại hạn chế, giải trí, mua sắm bị hạn chế…
Trong thời gian tới để có thể hiện thực hóa những cơ hội lớn mà EVFTA mang lại, bà Trang cho rằng các doanh nghiệp cần có hiểu biết chính xác, đầy đủ về cam kết EVFTA cụ thể liên quan tới hoạt động kinh doanh, từ đó mới có thể hành động chuẩn bị, tận dụng một cách phù hợp.
“Cũng giống như đường cao tốc, xe muốn đi nhanh thì phải chịu phí, với EVFTA, doanh nghiệp phải chấp nhận gia tăng chi phí để điều chỉnh sản xuất, kinh doanh", bà Trang nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp nỗ lực cải thiện chất lượng, mẫu mã không chỉ vượt qua hàng rào của cơ quan nhà nước EU mà còn giúp chinh phục khách hàng ở thị trường này. Chẳng hạn, doanh nghiệp chấp nhận điều chỉnh sản xuất đáp ứng quy tắc xuất xứ bằng cách mua nguồn cung nguyên liệu từ nội địa dù đắt hơn mua của một số nước xung quanh.
"Đường cao tốc thế thôi nhưng thị trường có nhu cầu không lại là câu chuyện khác, đôi khi không phải hàng rẻ là người ta mua của mình, mà cái chính là doanh nghiệp phải biết thay đổi, chấp nhận thay đổi", bà Trang nhấn mạnh.
Đặc biệt, câu chuyện con đường cao tốc đó có vận hành suôn sẻ không là câu chuyện của cơ quan nhà nước. Trong những vấn đề quy tắc xuất xứ, văn bản thường đi sau thực tế vì có muôn hình vạn trạng. Do vậy, cơ quan quản lý cần có bộ phận phản ứng nhanh giải quyết những khó khăn giúp doanh nghiệp.
Đồng thời, các bộ ngành liên quan cần tăng cường hơn hoạt động tuyên truyền phổ biến cho doanh nghiệp, trong đó có quy tắc xuất xứ. Có các hướng dẫn bằng văn bản như quyển sách cẩm nang để tận dụng tốt hơn. Bà Trang khuyến nghị: "Cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp hãy nhìn EVFTA là điều kiện để thay đổi vì chính chúng ta".
Có thể bạn quan tâm
18:40, 22/09/2020
06:00, 16/09/2020
06:17, 12/09/2020