Rất khó cho nhà quản lý khi các doanh nghiệp tập đoàn Nhà nước đề nghị có chính sách "ứng cứu" riêng. Song không phải trường hợp nào cũng nên buông, để họ “tự xử”.
Trước khi nói chuyện Vietnam Airlines, xin nhắc lại trường hợp của giải cứu ThaiAirways của chính quyền Bangkok.
ThaiAirways trước đó đã đứng trên bờ vực phá sản với món nợ 7,7 tỷ USD và sau khi xem xét, Chính phủ Thái đã cho phép hãng tái cơ cấu lại dưới sự giám sát của Tòa án phá sản Trung ương. Thai Airways có 51% cổ phần của chính quyền Thái và thực tế không hoạt động hiệu quả những năm gần đây.
COVID-19 chỉ là giọt dẫn đến tràn ly nợ của hãng này nhưng dù vậy, với vị thế là một hãng bay quốc gia, Thai Airways đã được giải cứu ở phút 89.
Một trường khác là Boeing. Hãng này đã cầu cứu chính phủ Mỹ vào tháng 3, ngay sau không lâu khi COVID-19 lan tới xứ cờ hoa. Chính quyền Trump đã quyết ủng hộ 100% ngành hàng không và riêng Boeing dự kiến cấp 50 tỷ USD để qua cơn cạn kiệt tài chính.
Tuy nhiên, sau đó, với gói nới lỏng siêu định lượng không giới hạn, việc Fed lần đầu tiên trong lịch sử ra tay mua trái phiếu hoán đổi danh mục (ETFs), trực tiếp can thiệp vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đã giúp Boeing lập tức huy động được tới 25 tỷ USD và ít nhất trước mắt không cần tới gói hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ.
Trở lại với câu chuyện của Vietnam Airlines, hãng này vừa cho hay sẽ hết tiền trong tháng 8 và đang trong tình trạng rất xấu nếu Chính phủ không hỗ trợ. Hãng không xin tiền mà cần được hỗ trợ vay và bảo lãnh phát hành trái phiếu với vay tối thiểu 4.000 tỷ đồng và nhiều nhất là 12.000 tỷ đồng.
Con số này gói chung sẽ tròm trèm bằng đúng gói 16.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Chính sách xã hội đang treo vì chưa có doanh nghiệp nào đạt hồ sơ giải ngân.
Sẽ không phải là vấn đề quá khó khăn làm đau đầu các nhà quản lý khi mọi chuyện xét trên vị thế hãng hàng không quốc gia như Vietnam Airlines và mặt khác Nhà nước vẫn đang nắm tỷ lệ kiểm soát lợi ích chi phối, được ứng cứu như Thai Airways.
Nhưng ngoài Vietnam Airlines, nhiều Tập đoàn Tổng công ty Nhà nước cũng đang do COVID-19, đệ trình các đề xuất ứng cứu, hỗ trợ, cần được “bú sữa mẹ” để qua cơn khốn khó. Giải quyết cho đơn vị này mà không ứng cứu đơn vị kia thì quá khó. Mà giải cứu tất thì nguồn lực không đủ và hơn thế cũng là tiếp tay cho can thiệp méo mó thị trường.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Chính quyền Trump giải cứu Boeing mà không phải tập đoàn khác (trong khi trước đó ngay cả với nhà băng Chính phủ Mỹ cũng sẵn sàng cho phá sản)? Nếu không có Vietnam Airlines, hãng không tư nhân liệu có thể đảm đương được các nhiệm vụ như hãng này hiện tại?
Giải pháp mà Vietnam Airlines đề xuất, đặc biệt trong nỗ lực thương thảo cùng SCIC – đại diện quản lý vốn Nhà nước và vẫn đang còn dư tiền mặt lớn – có phù hợp hay không và trách nhiệm ràng buộc của các bên đối với nợ trái phiếu nếu Chính phủ bảo lãnh phát hành để tăng nguồn lực?
Thực tế, sẽ không có gì khó nếu trong nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp, việc Nhà nước thăm, khám, sàng lọc bệnh và đánh giá mức độ cần ứng cứu, doanh nghiệp nào cần ứng cứu theo tiêu chí rõ ràng, phương pháp khoa học, công khai, minh bạch.
Một phác đồ cùng doanh nghiệp điều trị, giám sát sức khỏe để họ khỏe lên và ràng buộc các cam kết tự phục hồi của mình cũng sẽ rất cần thiết trong trường hợp Chính phủ ra quyết sách hỗ trợ từng đơn vị cụ thể. Sẽ không có so bì nếu không có cào bằng và quyết sách dành cho từng đích hỗ trợ là xác đáng.
Tương tự như vậy, sự chủ động của Ngân hàng có trách nhiệm và chuyên môn thẩm định giải ngân trong phối hợp cùng các cấp, bên liên quan theo quy định xét hồ sơ của các doanh nghiệp cần vay chi lương từ gói 16.000 tỷ đồng, cũng rất cần thiết để thực sự gia tăng hiệu quả hỗ trợ.
Trước khó khăn của doanh nghiệp, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần bỏ tư duy “con có khóc mẹ mới cho bú!”.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 18/06/2020
11:30, 17/06/2020
17:20, 16/06/2020
06:15, 16/06/2020
05:00, 16/06/2020
19:24, 15/06/2020
11:00, 15/06/2020
11:00, 15/06/2020