Nhiều nước đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến để xử lý rác thải y tế do Covid-19 gây ra.
Theo dữ liệu chính thức từ Trung Quốc cho thấy, khối lượng rác từ các bệnh viện trên khắp cả nước giữa thời Covid-19 ở mức 3.000 tấn mỗi ngày. Để giải quyết thách thức, một số bệnh viện đang sử dụng những công nghệ tiên tiến.
Vào tháng 5, bộ thiết bị đầu tiên ở Trung Quốc sử dụng chùm điện tử (EB) để xử lý chất thải được đưa vào hoạt động ở bệnh viện Tây Uyển tại thành phố Thập Yển thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Đại học Thanh Hoa hợp tác với công ty China General Nuclear Power Corporation (CGN), ứng dụng công nghệ chiếu EB để khử trùng trang thiết bị y tế và xử lý chất thải bệnh viện.
Theo Wang Jianlong, Phó viện trưởng Viện Năng lượng và Công nghệ năng lượng mới của Đại học Thanh Hoa, thiết bị này có thể phá huỷ cấu trúc của virus để tiêu diệt chúng và phân hủy chất gây ô nhiễm độc hại trong nước thải bằng cách dùng chùm điện tử năng lượng cao do máy gia tốc electron sản sinh. Động thái trên có thể giúp ngăn chặn virus làm môi trường nhiễm khuẩn thông qua nước thải y tế.
Có thể thấy, đại dịch Covid-19 đã khiến lượng rác thải y tế trên toàn thế giới gia tăng đáng kể. Chất thải y tế không chỉ được tạo ra trong quá trình điều trị bệnh mà ngay cả trong các nỗ lực ngăn ngừa bệnh như các lọ thủy tinh đựng vaccine Covid-19. Sự gia tăng mạnh mẽ này chính là một phương tiện làm truyền nhiễm virus quan trọng, từ đó đặt ra những thách thức mới trong việc xử lý chất thải y tế một cách cẩn thận và tiên tiến.
Joël Keller, Giám đốc một nhà máy xử lý rác thải y tế ở miền đông Pháp cho hay, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại quốc gia này, khối lượng công việc đều phải tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 từ năng lực xử lý, số nhân viên cho đến máy móc để xử lý lượng rác thải ra hàng ngày.
“Không chỉ rác thải từ bệnh viện, khi dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng thì rác do người dân thải ra cũng có thể trở thành chất thải y tế lây nhiễm. Công việc xử lý sẽ còn gian nan hơn vì rác từ nhiều nguồn và những người tiếp xúc cũng tăng lên. Điều đó đồng nghĩa với việc các phương pháp xử lý rác thải truyền thống như chôn lấp, đốt… như một số quốc gia châu Á đang ứng dụng sẽ mang lại rủi ro”, ông Keller đánh giá.
Chính vì vậy, các công nghệ thay thế để xử lý chất thải y tế được các quốc gia ưu tiên sử dụng là hệ thống xử lý bằng phương pháp hấp nhiệt ướt, khử trùng bằng nhiệt khô, thủy phân kiềm, xử lý sinh học hoặc khí hóa plasma.
Các chuyên gia đánh giá, phương pháp xử lý bằng phương pháp hấp là một trong những phương pháp phổ biến nhất. Các công đoạn được thực hiện trong lò hấp, sử dụng cả nhiệt và áp suất trong một khoảng thời gian để tiêu diệt tất cả các vi sinh vật có thể có trong chất thải y tế trước khi xử lý chôn lấp. Đây cũng là phương pháp có chi phí vốn thấp nhất và có thể được sử dụng để xử lý tới 90% chất thải y tế, dễ dàng mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu của bất kỳ tổ chức y tế nào.
Trong khi đó, xử lý rác thải bằng vi sóng khép kín là một công nghệ đầy hứa hẹn. Trong đó, quy trình xử lý đó là rác thải trước hết được nghiền và trộn với nước, sau đó dùng vi sóng xử lý. Khi kết hợp việc nghiền rác thải khi xử lý khiến cho tổng khối lượng rác thải giảm tới 80% trong quá trình tiêu diệt các chất độc hại và tiệt trùng. Tuy nhiên, các thiết bị vi sóng thường có chi phí vốn cao hơn so với lò hấp.
Ngoài ra, việc xử lý rác thải bằng khí hóa plasma hay sử dụng công nghệ hạt nhân chỉ phù hợp với một số loại rác thải đặc biệt, trong đó có rác thải do Covid-19. Nguyên lý là sử dụng chất phóng xạ nhằm tiêu diệt vi khuẩn, mầm bệnh.
Mặc dù vậy, việc sử dụng các phương pháp này đòi hỏi việc xử lý phải được cách ly để tránh bị nhiễm phóng xạ. Do đó, các quốc gia cần cân nhắc và nghiên cứu kỹ càng mức độ ưu tiên trong việc ứng dụng các công nghệ mới vài xử lý rác thải y tế để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Có thể bạn quan tâm