Dịch bệnh COVID-19 đưa ra hai chọn lựa thích nghi hoặc đánh đổi. Nhưng sẽ thế nào nếu chưa thể thích nghi và không thể đánh đổi?
Khi tỉnh Đồng Nai ban hành công văn yêu cầu dừng các hoạt động, sự kiện đông người không cần thiết để ngăn chặn lây lan COVID-19 từ TP.HCM, tôi nhắn tin hỏi anh bạn, hàng quán của anh sẽ hoạt động thế nào? Liệu dịch vụ ăn uống có bị liệt vào danh sách “không cần thiết”?.
Anh ấy trả lời ngắn gọn: “không sao cả, quán vẫn mở cửa, trực cả đêm lẫn ngày, để số điện thoại trước cổng, ai cần cứ gọi điện, chịu khó một chút để sống. Phải biến từ không thể thành có thể,…”.
Gần 1 năm qua, cả thế giới như sống khác đi. Về tổng quan nền kinh tế, chỉ có thương mại điện tử và dịch vụ số có cơ may phát triển. Còn lại từ hàng không, du lịch, thương mại truyền thống, sản xuất công, nông nghiệp bị đình trệ nghiêm trọng.
“Thích nghi” và “bình thường mới” là hai cụm từ rất hay về ý nghĩa. Và đến lúc này có thể tổng kết lại chúng ta đã chuyển đổi, thích nghi như thế nào, rút ra bài học kinh nghiệm ra sao cho giai đoạn tiếp theo.
Giữa tâm dịch tại miền Trung hồi tháng 6, tôi thường xuyên liên hệ đến những doanh nghiệp ở vài tỉnh, thành. Tất cả nhận lại đều mang âm hưởng buồn bã, vì hầu như đều kẹt cứng không thể xoay xở, kèm theo là các bản báo cáo về tình trạng dừng hoạt động, thất nghiệp, nợ lương.
Một vài doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực may mặc gia công đã cho thấy sự linh hoạt chuyển đổi trạng thái. Điểm sáng duy nhất nơi các doanh nghiệp may mặc có thể chuyển đổi dây chuyền sang may khẩu trang, quần áo bảo hộ. Nhưng mấy mặt hàng này chỉ “sốt” lúc ban đầu.
Điều đó cho thấy gì? Dù muốn hay không vẫn phải thừa nhận, ở Việt Nam quy mô doanh nghiệp càng lớn càng càng “mẫn cảm” với biến động. Đây là tham chiếu rất có ý nghĩa về mặt chính sách cho Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương.
Thực sự quá khó để tìm thấy một vài mô hình có ý nghĩa hoa tiêu, chuyển đổi thành công trong thời kỳ COVID-19, để vừa làm ăn kinh doanh, vừa giảm thiểu tác hại của dịch bệnh.
Quả thật, thích nghi với COVID-19 là viễn cảnh quá nhọc nhằn, kể cả những nền kinh tế linh hoạt như Mỹ, châu Âu vẫn buông tay “chịu trói”. Họ thiệt hại nhiều hơn ta vì chấp nhận đánh đổi sức khỏe, sinh mạng dân chúng để cứu nền kinh tế.
Câu chuyện của BN 1342 ở TP. HCM một lần nữa cho thấy sự lựa chọn giữa kinh tế và sức khỏe khó khăn như thế nào. 33 chuyến bay trong một tuần kéo dài suốt 40 tuần để đưa 60.000 người Việt hồi hương là đơn hàng có thể kiếm ra hàng trăm triệu USD cho hãng bay lớn nhất nước.
Tuy nhiên, COVID-19 cũng trở lại Việt Nam từ các đường bay này. Ngay bây giờ có thể làm phép so sánh lợi nhuận kinh tế của thương vụ này với sự xáo trộn về mặt xã hội. Ai thiệt, ai hơn?
Sự việc này cũng cho thấy nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn chưa đủ sức thích nghi với dịch bệnh. Song, cũng không thể liều mình đánh đổi sinh mạng dân chúng để phát triển kinh tế, là lợi bất cập hại.
Sự loại trừ này cho ra kết quả, chống dịch bằng phương pháp giãn cách xã hội, kiểm soát thận trọng, không vội vàng vì con số tăng trưởng, báo cáo màu hồng là thượng sách với chúng ta.
Có thể bạn quan tâm
Lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng và câu hỏi trách nhiệm
05:00, 04/12/2020
Chống COVID-19: Cần vắc-xin trị bệnh “vô trách nhiệm”
06:00, 03/12/2020
Người Mỹ có thể bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 trước Giáng sinh
05:00, 03/12/2020
Lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng: Thủ tướng ban hành Công điện khẩn!
20:32, 02/12/2020
Thứ trưởng Bộ GTVT: Xử lý nghiêm tiếp viên hàng không làm lây lan dịch COVID-19 ra cộng đồng!
19:15, 02/12/2020
Lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng: Cái giá của sự chủ quan!
06:30, 02/12/2020
Lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng: Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm!
04:00, 02/12/2020