Ứng xử với áp lực vốn

Nguyễn Lê Ngọc Hoàn - Chuyên gia đầu tư tài chính 26/10/2018 12:00

Lãi suất huy động có xu hướng tăng gây lo ngại “điệp khúc” áp lực lãi vay đối với doanh nghiệp sẽ đến sớm. Trước thực trạng này, các doanh nghiệp ứng phó với áp lực vốn như thế nào?

Theo báo cáo của Cty Chứng khoán TP HCM (HSC), lãi suất cho vay đã có xu hướng điều chỉnh nhưng không phổ biến từ tháng 8 vừa qua, trước cả khi lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh vào tháng 9 và các ông lớn ngân hàng vào cuộc điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

p/Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng được dự báo sẽ tăng trở lại và dao động trong khoảng 3-4% trong quý 4/2018.

Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng được dự báo sẽ tăng trở lại và dao động trong khoảng 3-4% trong quý 4/2018.

Điều chỉnh nhẹ trong quý

Theo HSC, lãi suất cho vay ở một số ngân hàng được điều chỉnh ở cả 2 tháng 8 và 9 tổng cộng 0,48%, mức tăng không lớn. Và lãi suất cho vay bình quân hiện tại cao hơn 0,46% so với tại thời điểm cuối năm ngoái là 9,04%/năm. Tựu trung, lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn khoảng 7% - 9%/năm, còn trung dài hạn khoảng 9% - 12,5%/năm.

Lãi suất điều chỉnh tăng có phản ánh khó khăn nào trong thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) hay không? Đây là 1 câu hỏi khó. Song vào cuối tháng 8/2018, Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dẫn xếp hạng của Moody’s Investors Service, cho biết tổ chức này đã nâng định hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn của Chính phủ Việt Nam lên mức Ba3 từ mức B1; và việc nâng định hạng tín nhiệm dựa trên tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, sự cải thiện sức khỏe hệ thống ngân hàng.

Trong một đánh giá khác, Cty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) phân tích trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm đã giảm mạnh trong 2 tuần cuối tháng 9/2018. Điều này có thể do lượng tín phiếu phát hành bởi NHNN đáo hạn. Tuy nhiên, nhu cầu vay mượn giữa các ngân hàng vẫn cao khi thanh khoản thị trường liên ngân hàng tăng đột biến vào nửa cuối tháng 9. VDSC dự báo lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng có thể tăng trở lại và dao động quanh ngưỡng 3-4% trong quý 4 2018.

Việc lãi suất cho vay điều chỉnh nhẹ ở một vài kỳ hạn và một vài ngân hàng như vậy không nói lên rằng các ngân hàng đang khát vốn. Với xu thế lãi suất đang gia tăng khắp toàn cầu như hiện nay, cộng với tăng trưởng GDP và lạm phát của Việt Nam được dự báo sẽ tăng hơn chỉ tiêu đề ra, việc các ngân hàng điều chỉnh nhẹ lãi suất theo đó là phù hợp. Điều này cũng phù hợp với xu thế các nền kinh tế toàn cầu đã chuẩn bị kết thúc kỷ nguyên nới lỏng tiền tệ, nhường chỗ cho nỗi lo lạm phát và chu kỳ thắt chặt tiền tệ mới.

Doanh nghiệp nên làm gì lúc này?

Thảo luận với 1 số doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn về quản trị dòng tiền và tài chính, áp lực vốn hiện nay của doanh nghiệp không nằm ở lãi suất. Với lãi suất vay 6- 9%/năm, thậm chí 12%, doanh nghiệp vẫn chịu được nếu họ có hàng hóa sản xuất và tiêu thụ được.

Một doanh nghiệp ngành bánh kẹo cho hay họ đang vay kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 12%/năm theo dạng vay tín chấp tại một NHTM nhỏ. Mùa Trung thu vừa qua, doanh nghiệp này không tăng trưởng doanh thu nhiều như kỳ vọng. Thay vào đó, họ đang tập trung cho mùa Tết với một số các sản phẩm bánh kẹo được làm từ nguyên liệu hữu cơ, ít đường, ít béo, đi vào phân khúc ngách. Với định hướng như vậy, doanh nghiệp này đã thuyết phục được ngân hàng cho vay để sản xuất “chờ mùa”.

  Với xu thế lãi suất đang gia tăng khắp toàn cầu như hiện nay, cộng với tăng trưởng GDP và lạm phát của Việt Nam được dự báo sẽ tăng hơn chỉ tiêu đề ra, việc các ngân hàng tăng nhẹ lãi suất là phù hợp. 

Dù đây là một giải pháp hay đối với các doanh nghiệp nhỏ, nhưng chỉ là bài toán về vốn ngắn hạn, sẽ chưa hẳn phù hợp với các tổ chức có nhu cầu đầu tư lớn trong trung và dài hạn.

Loại trừ lĩnh vực bất động sản (NHNN yêu cầu giảm tỷ trọng vốn vay trung và dài hạn trong lĩnh vực này) hay thậm chí tín dụng tiêu dùng (thực tế đang chững lại và chỉ tăng trưởng khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước, tính chung cho cả khu vực ngân hàng, bảo hiểm), các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khả năng “xoay” vốn khi: Có tài sản đảm bảo; có quan hệ truyền thống và định mức tín nhiệm cao với ngân hàng (để có khả năng đàm phán vay tín chấp); có kế hoạch kinh doanh rõ ràng với không chỉ các con số về lợi nhuận hay doanh thu hay khả năng trả nợ trong ngắn hạn, mà tương thích với kế hoạch vay vốn đầu tư - là khả năng hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng, cạnh tranh của doanh nghiệp, với mức rủi ro được dự báo/phản ánh vào kế hoạch đầy đủ nhất.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng đang trong giai đoạn không còn nhu cầu cao để tăng trưởng tín dụng khi “quota” gần như đã kín - trừ những TCTD tham gia tái cơ cấu. Căn cứ trên quan điểm nhất quán và “đừng xin quota thêm”” mà NHNN đưa ra, doanh nghiệp có kế hoạch tự tin, cũng có thể kết nối với 1 số TCTD đang tham gia tái cơ cấu, hỗ trợ các tổ chức khác ở góc độ chủ động như Vietcombank, Vietinbank, HDBank…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ứng xử với áp lực vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO