Việc hoàn thành tuyến đường ven biển sẽ kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ và đặc biệt TP. Hồ Chí Minh, góp phần đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế cho toàn vùng.
Sáng 24/7, Quốc hội khoá XV đã nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Tại phiên thảo luận ở tổ, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn Bến Tre) cho biết, theo Tờ trình Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, số lượng dự án đầu tư công giảm còn 5.000 dự án, giảm một nửa so với kế hoạch 10.000 dự án của giai đoạn trước đó. Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc tập trung ưu tiên chất lượng các dự án, không chạy theo số lượng nhằm tạo sự lan tỏa trong nền kinh tế. Các dự đầu tư công phải là những dự án quan trọng của từng lĩnh vực, ngành, địa phương.
Chính phủ đã đưa ra các tiêu trí trong nguyên tắc phân bổ vốn của đầu tư công trung hạn với quan điểm đầu tư công là nguồn vốn dẫn dắt tạo sức lan tỏa, hỗ trợ cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, vị trí ưu tiên cũng cần cân nhắc thêm, không nhất thiết chỉ ưu tiên dành vốn cho dự án dang dở. Bởi có những dự án mới nhưng có ý nghĩa quan trọng, tác động đến phát triển kinh tế của cả vùng, cả khu vực có thể cần thiết hơn.
Một số dự án có tính kiên kết vùng trọng điểm, đơn cử như vùng Đồng bằng sông Cửu Long với dự án 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh - Kiên Giang. Nếu nhìn nhận đây là dự án đường giao thông thì không nên rót vốn để hoàn thành trong giai đoạn này. Vì còn liên quan đến kết nối cao tốc, các tuyến dọc ngang kết nối vùng.
Tuy nhiên, đây lại là tuyến đường ven biển có tầm quan trọng đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển mới cho các tỉnh trong khu vực này. Cụ thể, sẽ tái sắp xếp lại dân cư, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp biển theo Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, phát huy những ngành nghề thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long như hải sản, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, đánh bắt, hậu cần nghề cá...; phát triển đô thị ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng an ninh...
Nếu nhìn nhận ở góc độ này, việc hoàn thành tuyến đường ven biển này sẽ kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ và đặc biệt TP. Hồ Chí Minh, góp phần đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế cho toàn vùng. Do đó, dự án này cần được ưu tiên thực hiện hoặc chia thành từng giai đoạn thực hiện. Trong đó, việc rót vốn đầu tư sẽ được ưu tiên và tùy thuộc vào điều kiện đảm bảo thực hiện giải ngân vốn của từng địa phương trên tuyến.
Có thể nói, hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế, Chính phủ, Quốc hội cần ưu tiên nguồn lực kết nội hạ tầng giao thông cho khu vực này. Các dự án quốc lộ còn dang dở như Quốc lộ 57, đoạn từ Vĩnh Long qua Bến Tre chuẩn bị kết nối với Trà Vinh cũng cần tiếp tục được bố trí vốn để hoàn thành giai đoạn 2021-2026. Đây đều là những các công trình trọng điểm mang tính tính kết nối vùng.
Có thể bạn quan tâm