Ủy ban quản lý vốn loay hoay giữa “rừng” dự án của doanh nghiệp

Theo Đầu tư chứng khoán 26/07/2019 14:15

Nhiều kiến nghị được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SMSC) đề xuất với Thủ tướng Chính phủ nhằm gỡ khó cho công việc của ủy ban này khi xem xét các dự án tại 19 tập đoàn, tổng công ty.

Đề xuất cơ chế đặc thù

SMSC cho biết, đã nhận được hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án kèm theo công văn xin phê duyệt chủ trương đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách, thuộc nhóm A, phạm vi hoạt động đi qua nhiều tỉnh, thành phố (dự án đường dây 500 kV); của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đối với dự án mua máy bay có phạm vi hoạt động cả nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc xác định cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với loại dự án này, lại đang có vướng mắc.

SMSC tiếp tục xin ưu đãi cho các dự án, nhà máy sản xuất phân bón thua lỗ

SMSC tiếp tục xin ưu đãi cho các dự án, nhà máy sản xuất phân bón thua lỗ

Cụ thể, theo quy định của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn, dự án nhóm A có mức đầu tư dưới 5.000 tỷ đồng được địa phương giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu, không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 28 - Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, đối với dự án có phạm vi sử dụng đất đi qua nhiều tỉnh, thành phố, ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi chủ đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, tiếp cận nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trong thực tế, một số dự án của EVN, điển hình là các dự án xây dựng đường dây truyền tải điện, trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành dự án lại không đặt tại địa phương mà dự án có sử dụng đất. Việc này dẫn đến khó khăn trong việc xác định cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Bởi vậy, ở dự án Xây dựng đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân có đặc điểm như trên đã được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo: Quy định hiện hành của pháp luật chưa có quy định rõ ràng về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án; để đảm bảo tiến độ triển khai dự án đồng bộ với tiến độ dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, giao SMSC khẩn trương xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án Xây dựng đường dây 500 kV và hướng dẫn thực hiện các bước tiếp theo đảm bảo an toàn, chất lượng, đúng tiến độ.

Tuy nhiên, ý kiến chỉ đạo trên là cá biệt cho một dự án cụ thể, không áp dụng được cho tất cả các dự án tương tự khác. Bởi vậy, EVN vẫn đang phải chờ ý kiến về vấn đề này. Còn SMSC thì đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết quy định rõ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách, thuộc nhóm A, phạm vi sử dụng đất đi qua nhiều tỉnh, thành phố có tính chất như các dự án đầu tư của EVN nêu trên.

Dự án lớn vướng từ SMSC?

Tại buổi làm việc với thường trực Chính phủ tuần trước, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty kiến nghị, SMSC cần đẩy nhanh tiến độ xem xét, cho ý kiến về các dự án, tránh tình trạng chậm trễ hoặc để doanh nghiệp vuột mất cơ hội, vì thị trường hiện biến chuyển rất nhanh. Song, lãnh đạo SMSC lại kêu vướng trong việc phân công, phân cấp thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư.

Theo Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư kinh doanh vào doanh nghiệp số 69/2014/QH13 quy định phân cấp thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, xây dựng, căn cứ chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp, Hội đồng thành viên quyết định từng dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định với giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án, nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo duy định của Luật Đầu tư công…

Có thể bạn quan tâm

  • Chính phủ

    Chính phủ "gỡ vướng" cho Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước

    10:30, 17/07/2019

  • Ban chỉ đạo 12 dự án thua lỗ chuyển về Ủy ban Quản lý vốn

    Ban chỉ đạo 12 dự án thua lỗ chuyển về Ủy ban Quản lý vốn

    15:32, 09/07/2019

  • Bàn giao 11 dự án thua lỗ ngành công thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước

    Bàn giao 11 dự án thua lỗ ngành công thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước

    14:26, 09/07/2019

  • Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Uỷ ban Quản lý vốn không thực hiện kinh doanh vốn

    Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Uỷ ban Quản lý vốn không thực hiện kinh doanh vốn

    17:50, 26/03/2019

  • Uỷ ban Quản lý vốn tiếp nhận 373

    Uỷ ban Quản lý vốn tiếp nhận 373 "đầu việc" dở dang khi tiếp nhận 19 doanh nghiệp

    14:52, 26/03/2019

Trường hợp dự án đầu tư, xây dựng, mua bán tài sản cổ định có giá trị lớn hơn mức quy định trên, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt.

Khoản 2, Điều 42 của Luật quy định, cơ quan đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ “Phê duyệt phương án huy động vốn, dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cổ định, dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp theo quy định tại các điều 23,24,28 và 29 của Luật này”.

Khoản 2, Điều 44 cũng quy định quyền, trách nhiệm của Hội đồng thành viên của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt về các nội dung "Huy động vốn, đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cổ định, dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp theo quy định tại các điều 23, 24, 28 và 29 của Luật này”.

Như vậy, theo quy định trên, cơ quan đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phê duyệt dự án đầu tư, xây dựng, mua bán tài sản cố định có giá trị lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án và giá trị dự án nhóm A trở lên theo quy định của Luật Đầu tư công để Hội đồng thành viên quyết định thực hiện dự án; trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định, Hội đồng thành viên tuân thủ theo quy định pháp luật (pháp luật về đầu tư, xây dựng…).

Tuy nhiên, SMSC cho rằng, các văn bản hướng dẫn Luật 69/2014/QH13 chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung “phê duyệt” của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với trường hợp trên. Do đó, SMSC đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung cơ quan đại diện chủ sở hữu “phê duyệt” quy định tại Điều 42 và Điều 44 - Luật số 69/2014/QH13.

Theo đó, hình thức “phê duyệt” của cơ quan đại diện chủ sở hữu đề nghị là “văn bản”, trong đó gồm một số nội dung như sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm của doanh nghiệp và chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với dự án phải trình cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư); mục tiêu, quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án, nguồn vốn đầu tư và phương án huy động vốn; hiệu quả dự án; trách nhiệm của Hội đồng thành viên trong việc thực hiện các công việc tiếp theo để ban hành quyết định đầu tư dự án, triển khai thực hiện dự án đầu tư, quyết toán dự án hoàn thành theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật, đại diện chủ sở hữu, các cơ quan liên quan về các quyết định của mình.

Một số tập đoàn, tổng công ty đề nghị SMSC xem xét, phê duyệt những nội dung liên quan đối với một số dự án có sử dụng vốn đầu tư công (vốn ngân sách hoặc vốn vay ODA). Theo các tập đoàn, tổng công ty, họ đề nghị SMSC giải quyết các công việc nêu trên căn cứ vào quy định tại Điểm b, Khoản 5, Điều 3 - Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của SMSC. Theo đó, Ủy ban tiếp nhận kế hoạch, chương trình dự án, các hoạt động của doanh nghiệp đang triển khai, chưa hoàn thành để quản lý và tổ chức thực hiện từ kế hoạch năm sau.

Tuy nhiên, SMSC lại cho rằng, Ủy ban được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại Công ty cổ phần, Công ty TNHH Hai thành viên trở lên, nên chỉ có thẩm quyền của đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp.

Lại điệp khúc “xin ưu đãi”

Nổi lên trong các kiến nghị của SMSC là xin ưu đãi cho các tập đoàn, tổng công ty mà ửy ban này quản lý. Chẳng hạn, đối với Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem), những khó khăn lớn của tập đoàn này nằm tại 4 dự án, nhà máy sản xuất phân bón thua lỗ và dự án Muối mỏ Kali tại Lào đang dừng triển khai thực hiện. Đây đều là những vấn đề phức tạp, kéo dài, có tranh chấp với các nhà thầu nước ngoài.

Để giải quyết khó khăn cho Vinachem, SMSC đề xuất một số giải pháp ưu tiên. Đơn cử, đối với 4 dự án, nhà máy sản xuất phân bón thua lỗ, SMSC đề nghị BIDV xử lý đối với các khoản vay của các dự án Nhà máy Đạm Binh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai bằng cách kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng thành 20 năm, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau, không tính lãi quá hạn; điều chỉnh lãi suất tiền vay giai đoạn 2019-2013 là 3%/năm, từ năm 2024 trở đi, các khoản vay có lãi suất trên 8,55%/năm điều chỉnh về mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước…

SMSC cũng đề nghị Chính phủ yêu cầu các ngân hàng VietinBank, BIDV, Vietcombank cho phép các dự án nhà máy trên được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, giảm lãi suất tiền vay về mức lãi suất ưu đãi nhất, lãi suất thấp nhất, kéo dài thời hạn vay các hợp đồng tín dụng đầu tư thành 20 năm, không tính lãi quá hạn; tiếp tục cho các công ty vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ủy ban quản lý vốn loay hoay giữa “rừng” dự án của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO