Vườn-Ao-Chuồng, mô hình mà người nông dân Việt Nam từ lâu đã thực hiện chính là nền tảng sơ khởi của kinh tế tuần hoàn.
Ông Trần Long Hải, nhà nghiên cứu của Đại học Cần Thơ đánh giá như vậy tại hội thảo “Ngày Bắc Âu – Tiến tới mục tiêu xanh”, phiên chủ đề “Hệ thống thực phẩm cho một ngày mai xanh và khỏe mạnh hơn” tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Vì vậy, ông Hải cho rằng “sản xuất thực phẩm sạch thì người nông dân cũng biết nhưng điều kiện áp dụng còn rất khó khăn” và muốn chuyển sang kinh tế tuần hoàn thì phải làm từng bước. Trong đó, việc các ngành chức năng hỗ trợ tạo chuỗi liên kết để nông dân chuyển đổi hiệu quả, bền vững, chứ không chỉ dừng ở tuyên truyền là một việc cần phải thực hiện ngay.
Bà Trần Ngọc Thanh Trúc, Tổng Giám đốc Yara Việt Nam, cho rằng, để nông dân có thể thực hiện canh tác nông nghiệp tái tạo thì cần sự hợp tác để tạo ra một chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra. Đầu tiên, nguyên liệu đầu vào phải đảm bảo thân thiện với môi trường.
Bên tiêu thụ cũng đóng vai trò quan trọng. “Người tiêu dùng hiện nay ăn ngon thôi chưa đủ mà cần ăn sạch, lành mạnh. Điều này tác động lớn tới các phương thức canh tác hiện nay” bà Trúc nói.
Vì thế, mỗi năm Yara kết hợp các đối tác để phổ cập kiến thức cho hơn 100.000 nông dân trong việc nâng cao tiêu chuẩn canh tác hướng tới mục đích xanh, bền vững, an toàn.
Theo ông Andrew Khan, Tổng Giám đốc Carlsberg Việt Nam, phát triển bền vững không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn là yếu tố cốt lõi trong mọi hoạt động của Carlsberg trên toàn cầu và tại Việt Nam. Năm 2022, Tập đoàn Carlsberg đã triển khai chương trình Together Towards ZERO and Beyond (TTZAB), với mục tiêu giảm thiểu phát thải carbon và thúc đẩy các giải pháp bền vững tại các nhà máy bia cũng như trong toàn bộ chuỗi giá trị của tập đoàn.
Carlsberg Việt Nam cũng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 trong sản xuất vào năm 2028, góp phần tích cực vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050.
Để đạt được mục tiêu vào năm 2028, Carlsberg Việt Nam đang áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến như lò hơi sinh khối và hệ thống làm lạnh tiết kiệm năng lượng, giúp giảm đáng kể lượng phát thải. Công ty cũng tối ưu hóa dây chuyền sản xuất và không ngừng cải tiến để nâng cao hiệu suất hoạt động.
Trong thời gian tới, công ty sẽ đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo thông qua cơ chế mua bán điện trực tiếp (D-PPA) và các dự án năng lượng mặt trời.
Ngoài việc giảm phát thải carbon, Carlsberg Việt Nam còn chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm. Kể từ năm 2019, công ty đã giảm hơn 30% lượng nước tiêu thụ, trở thành một trong những nhà máy bia có hiệu suất sử dụng nước cao nhất của Carlsberg trên toàn cầu.
“Đây là một mục tiêu đầy tham vọng và là một hành trình dài, đòi hỏi chúng ta phải tích hợp tính bền vững vào từng khía cạnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Những nỗ lực này không chỉ giúp giảm tác động đến môi trường mà còn khuyến khích người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn bền vững hơn,” ông Andrew chia sẻ.
Tiến sĩ Teija Kirkkala, Giám đốc điều hành tại Viện Pyhäjärvi cho rằng, thực hành nông nghiệp mỗi nước mỗi khác, sẽ không có lời khuyên nông dân Việt Nam nên làm gì, nông nghiệp Việt Nam cần làm gì, chỉ có những câu chuyện chia sẻ, để học hỏi lẫn nhau.
Mặc dù vậy, sản xuất xanh đều cần đi theo nguyên tắc bền vững, lâu dài. Việc truyền thông cho người tiêu dùng, nông dân, nhà sản xuất về lợi ích của kinh tế xanh tuy quan trọng nhưng mới chỉ là một phần trong chặng đường dài chuyển đổi xanh mà thôi.