Giá như các trung tâm công nghệ của thế giới như Mỹ, Đông Á, châu Âu có thiện chí phối hợp thì vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ nhanh chóng thành hiện thực.
Trong giai đoạn đầu thử nghiệm vắc-xin trị COVID-19 trên cơ thể người, 45 người tham gia thử nghiệm đều tạo ra kháng thể. Cụ thể, với nhóm được tiêm liều lượng vắc-xin là 25 microgram đạt mức độ tạo kháng thể thường thấy ở mẫu máu của những người đã khỏi bệnh. Đặc biệt, với nhóm 100 microgram cho kết quả vượt đáng kể mức của những bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã phục hồi.
Ngoài ra, loại vắc xin này cũng tạo ra kháng thể trung hòa chống lại COVID-19 ở ít nhất 8 người tham gia, trong đó 4 người được chỉ định tiêm liều 25 microgram, còn 4 người khác được tiêm liều 100 microgram. Mức kháng thể trung hòa bằng hoặc trên mức thường thấy ở các mẫu máu.
Mặc dù dữ liệu tạm thời về giai đoạn 1 vẫn còn sớm, nhưng cho thấy việc tiêm vắc-xin mRNA-1273 tạo ra một phản ứng miễn dịch, thậm chí ở liều lượng thấp nhất. Đồng thời, nâng cao khả năng chọn liều lượng cho các thử nghiệm quan trọng, thúc đẩy hy vọng cho các nhà sản xuất nhanh chóng đưa vắc-xin ra thị trường trong thời gian sớm nhất.
Có thể thấy, tốc độ sản xuất vắc-xin chống đại dịch đang đạt được những thành quả đáng kể. Tính đến tháng 5/2020, có 182 phương pháp điều trị và 99 loại vắc-xin khác nhau đang được phát triển trên toàn cầu. Nhưng cho đến nay, chỉ có rất ít mẫu cho kết quả tích cực trong giai đoạn thử nghiệm. Do đó, bước tiến của Moderna đang giúp Mỹ có được lợi thế trong cuộc chạy đua toàn cầu.
Theo Yannis Natsis, thành viên hội đồng quản trị của Cơ quan Dược phẩm châu Âu nhận định, sẽ không ngạc nhiên nếu quốc gia này trở thành thị trường đầu tiên được sử dụng vắc-xin chống COVID-19. Đại dịch đã mang lại cho Mỹ những bài học đáng nhớ.
Sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc, khẩu trang và các vật tư y tế vào Trung Quốc đã khiến chính phủ Mỹ nhận ra họ không thể dựa vào vắc-xin được sản xuất từ khu vực bên ngoài.
Mặt khác, về bản chất, Mỹ không có hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Và việc người dân không có đủ tiền chi trả cho các chi phí khám chữa bệnh COVID-19 là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong do dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ cao nhất thế giới.
Chính vì vậy, Mỹ cần thúc đẩy quá trình sản xuất và thử nghiệm vắc-xin với tốc độ chóng mặt để tạo ra miễn dịch cộng đồng diện rộng, từ đó tránh lặp lại kịch bản COVID-19 nếu chủng virus Corona mới này quay lại trong tương lai.
Quan trọng hơn, quốc gia đầu tiên về đích trong cuộc chiến chống COVID-19 sẽ là nước đầu tiên khôi phục nền kinh tế và duy trì được tầm ảnh hưởng toàn cầu. Trong khi Trung Quốc muốn nổi lên mạnh mẽ hơn từ cuộc khủng hoảng COVID-19, Mỹ đã để lại khoảng trống vị trí "người hỗ trợ" toàn cầu cho cũng như giảm sút tầm ảnh hưởng, khiến quốc gia này gặp bất lợi lớn trong thời điểm căng thẳng lịch sử giữa Washington và Bắc Kinh.
Đó chính là lý do vì sao trong những tuần qua, Mỹ đã chi hàng tỷ USD cho các công ty nghiên cứu vắc-xin chống COVID-19. Và nếu Moderna tiếp tục cho kết quả tích cực ở các thử nghiệm chuyên sâu hơn, Mỹ sẽ có bước đệm tốt để khôi phục vị thế trước Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng vẫn thận trọng khi chính thức đưa vào sử dụng trên quy mô lớn do tính chất phức tạp và có thể ảnh hưởng đến sự an toàn, dẫn đến một loại vắc-xin không hoạt động hoặc thậm chí gây hại cho bệnh nhân nếu không có thêm những thử nghiệm lâm sàng khác cũng như cần có sự phê duyệt của các cơ quan quản lý ở từng giai đoạn khác nhau.
Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng, thay vì chạy trên các đường đua độc lập, cả Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia có thể cùng phối hợp đầu tư vào nhiều doanh nghiệp khác nhau để tăng tỷ lệ thành công trong ngắn hạn, cũng như tập hợp được đủ nguồn lực cần thiết để tăng quy mô sản xuất, đáp ứng được nhu cầu của người dân trên toàn thế giới.
Hiện tại, theo các nhà phân tích ước tính, thị trường vắc-xin COVID-19 sẽ nằm trong khoảng từ 10-30 tỷ USD trong đại dịch và đạt từ 2 đến 25 tỷ USD hàng năm khi chính thức được phát hành ra thị trường.
Dự kiến giá vắc-xin của Hoa Kỳ sẽ ở mức 10-20 USD/lần điều trị, trong khi các quốc gia Tây Âu sẽ duy trì ở mức 5-15 USD và các quốc gia còn lại ở mức 5-10 USD. Do đó, đây vẫn là thị trường tiềm năng thu hút các doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 07/05/2020
07:20, 05/05/2020
15:02, 27/03/2020
16:51, 18/03/2020