Vai trò dẫn dắt của ngân hàng trong công cuộc chuyển đổi xanh

DIỄM NGỌC 23/11/2023 05:20

Vai trò của ngân hàng là làm thế nào để huy động được nguồn lực của toàn xã hội, tác động ngược lại tới các doanh nghiệp, giúp đảm bảo việc chuyển dịch xanh liên tục và không bị ngắt quãng.

>>Phát triển thị trường tài chính xanh nhìn từ kinh nghiệm quốc tế

Thế khó của doanh nghiệp

Theo một khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2022 về mức độ nhận thức và sẵn sàng của các doanh nghiệp liên quan tới chuyển đổi xanh, kết quả là nhận thức và mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp tương đối thấp.

Hiện nay doanh nghiệp rất ít thông tin liên quan đến câu chuyện chuyển đổi xanh, giảm phát thải

Hiện nay doanh nghiệp rất ít thông tin liên quan đến câu chuyện chuyển đổi xanh, giảm phát thải

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Ban IV cho biết, khi chia sẻ về thách thức lớn nhất đối với việc này, bản thân các doanh nghiệp đã nêu ra ba vấn đề chính gồm: Một là, doanh nghiệp rất ít thông tin liên quan đến câu chuyện chuyển đổi xanh, giảm phát thải. Hai là, ở góc độ của các chủ doanh nghiệp, thông tin để hành xử và ra quyết định còn rất thiếu. Trên 80% doanh nghiệp cho biết doanh nghiệp không nắm được các biện pháp kỹ thuật để thực hiện chuyển đổi, mặc dù có nhiều bên chào bán giải pháp. Ba là, hơn 60% doanh nghiệp bày tỏ cực kỳ áp lực về bài toán vốn để thực hiện chuyển đổi xanh, cho dù có thông tin, lựa chọn được giải pháp kỹ thuật, thì tiền ở đâu đang là dấu hỏi.

Thực tế, điểm mấu chốt hiện nay là chúng ta đang chờ đợi một ngôn ngữ chung giữa ngân hàng và các doanh nghiệp, cụ thể là tiêu chí phân loại xanh. Từ đó, xuất hiện trường hợp một số doanh nghiệp có diễn biến tự phát, nghĩa là họ tìm kiếm những tiêu chí của các bên khác nhau, các tổ chức trung gian từ quốc tế đến trong nước và nỗ lực tìm ra các sáng kiến riêng cho việc chuyển đổi của riêng mình.

Thông qua khảo sát cũng đã phân loại được 3 nhóm khác nhau trong khu vực doanh nghiệp đó là: Nhóm 1, rất ít doanh nghiệp đã xác định được chiến lược, có sáng kiến chuyển đổi hay bắt đầu có lộ trình chuyển đổi và có thể được thừa nhận ở cấp độ quốc tế. Nhóm 2, một số chủ doanh nghiệp đã cố gắng tìm ra một số việc cụ thể như đầu tư năng lượng điện mặt trời trên mái nhà, thay đổi máy móc trong phạm vi có thể,... Việc này đang được tiến hành theo hoạt động chứ không gắn với chiến lược và bài toán quản trị chung. Nhóm 3, phần lớn các doanh nghiệp đang ở trong tình trạng lo lắng, nhìn ra thách thức, nhìn ra cơ hội nhưng không biết bắt đầu từ đâu và lấy tiền từ đâu để làm”, bà Thuỷ đánh giá.

“Hiện nay, nhiều chuyên gia từ quốc tế đến trong nước đều khuyến cáo, chúng ta đừng vội nghĩ đến đích quá xa, mà phải bắt đầu từ những việc đơn giản nhất. Trong đó, phải thực hiện việc minh bạch các thông tin về hoạt động hiện tại của doanh nghiệp.

Trong nước đã có một văn bản pháp lý rất quan trọng đó là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc liệt kê phát thải khí nhà kính. Quy định này mới bắt buộc với 1.912 doanh nghiệp, nhưng năm nay sẽ tăng lên khoảng gần 4.000 doanh nghiệp.

Tuy nhiên không chỉ các doanh nghiệp trong danh sách bắt buộc mà những doanh nghiệp đang mong muốn chuyển đổi thì đều cần tiến hành bước này. Đây là bước cơ sở cho biết phát thải của chúng ta đang ở mức độ nào, đâu là nguồn phát thải chính và nếu đưa giải pháp kỹ thuật vào thì sẽ ưu tiên những khu vực phát thải cao ra sao, từ đó mới biết câu chuyện bố trí vốn và các nguồn lực”, bà Thuỷ cho biết.

>>Tăng khả năng tiếp cận tài chính xanh bền vững

Sự dẫn dắt từ phía ngân hàng

Đánh giá về quá trình chuyển đổi xanh, quản trị ESG, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Quân đội (MB) nhìn nhận, việc chuyển đổi ESG là một quá trình lâu dài, đó không phải việc muốn làm hay không muốn làm, mà đến một giai đoạn nào đó, ESG sẽ là tiêu chí sống còn của doanh nghiệp.

Ngân hàng là một định chế tài chính có thể kết nối với các định chế tài chính trên thế giới nhiều hơn. Từ đó mang nguồn tài chính về và lan tỏa tới các doanh nghiệp

Ngân hàng là một định chế tài chính có thể kết nối với các định chế tài chính trên thế giới nhiều hơn, từ đó mang nguồn tài chính về và lan tỏa tới các doanh nghiệp

Nhiều ý kiến cho rằng giai đoạn hiện nay đang khó khăn về nhiều mặt, thì doanh nghiệp có nên chuyển đổi hay không? Thông thường khi đối mặt với khó khăn về kinh tế, chúng ta hay có xu quay ngược vào trong, thay đổi từ nội tại, vì vậy việc tập trung cho công tác chuyển đổi thời điểm này là phù hợp để bắt kịp xu thế và đó cũng là xu thế tất yếu lâu dài.

Theo ông Ánh, tác động của một ngân hàng đến xã hội rất lớn, ví dụ tại ngân hàng MB có khoảng 30 triệu khách hàng cá nhân và 500.000 khách hàng doanh nghiệp. Do đó, từ việc chuyển đổi của MB có thể tác động sâu rộng đến xã hội cũng như về nguồn vốn, vì ngân hàng là một định chế tài chính có thể kết nối với các định chế tài chính trên thế giới nhiều hơn. Từ đó mang nguồn tài chính về và lan tỏa tới các doanh nghiệp.

“Tôi cho rằng, vai trò dẫn dắt của ngân hàng là làm thế nào để huy động được nguồn lực của toàn xã hội, tác động ngược lại tới các doanh nghiệp, giúp đảm bảo việc chuyển dịch xanh không bị ngắt quãng và liên tục. Cho nên ngân hàng hoàn toàn có thể dẫn dắt được công cuộc chuyển đổi ESG.

Hiện nay, tài chính xanh gồm có hai nguồn, từ ngân hàng nội địa và tiếp cận từ các định chế tài chính quốc tế. Tuy nhiên, để tiếp cận được tài chính xanh thì cần có một số việc như sau: Thứ nhất, hiểu được khung quản trị của doanh nghiệp mình; và Thứ hai, là hiểu được tiêu chuẩn của các định chế tài chính là gì.

Do chúng ta chưa có tiếng nói chung để mọi người cùng nhìn và đối chiếu, nên có thể tạm thời sử dụng tiêu chí tham chiếu của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC. Với các doanh nghiệp đã hoạt động phải kiểm đếm được phát thải khí nhà kính, sau đó chứng minh đã giảm 20% lượng phát thải; còn những doanh nghiệp mới thì chứng minh về công nghệ có thể giúp việc phát thải thấp hơn 20% so với thị trường. Đây là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là tuân thủ các cam kết quốc tế với từng lĩnh vực hoạt động, phù hợp, không vi phạm công ước, quy định pháp luật,...

Khi đó, các ngân hàng sẽ sẵn sàng hỗ trợ tài chính xanh cho doanh nghiệp. Đơn cử như tại MB sẽ ưu tiên lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 2% so với thông thường. Nếu chúng tôi huy động được nguồn vốn trái phiếu xanh về cho vay lại, thì lãi suất sẽ còn thấp hơn tùy theo từng phương án cụ thể. Như vậy, tiếp cận tài chính xanh là không khó, mà điểm khó là chúng ta phải bắt đầu thay đổi từ chính doanh nghiệp của mình”, Tổng giám đốc ngân hàng MB bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Khơi nguồn tài chính xanh và quản trị xanh

    14:52, 17/11/2023

  • Rộng cửa đón tài chính xanh: Cần tư duy chính sách xanh

    11:00, 13/11/2023

  • Phát triển thị trường tài chính xanh nhìn từ kinh nghiệm quốc tế

    05:05, 27/10/2023

  • Tăng khả năng tiếp cận tài chính xanh bền vững

    02:30, 25/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vai trò dẫn dắt của ngân hàng trong công cuộc chuyển đổi xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO