Văn bản kém chất lượng - Bài 4: Bất nhất trong thực thi pháp luật

GIA NGUYỄN 01/07/2021 04:30

Văn bản kém chất lượng không chỉ trở thành nỗi “ám ảnh” khi áp dụng vào thực tiễn tạo rào cản, vướng mắc, mà còn kéo theo đó là sự bất nhất trong việc thực thi tạo gánh nặng cho doanh nghiệp…

“Ám ảnh” từ văn bản kém chất lượng không chỉ riêng các Thông tư “đá” Luật, “vênh” Nghị định, công văn hướng dẫn của bộ, ngành,… một số văn bản giải thích quy định chưa phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật nhưng doanh nghiệp vẫn phải áp dụng như việc áp dụng mã HS cho hàng nhập khẩu, là một trong những thực tế đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.

Hiện doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro rất lớn liên quan tới thuế xuất nhập khẩu, điều này xuất phát từ việc các mô tả hàng hóa gắn với mã HS hiện vẫn chưa thực sự rõ ràng, chưa giúp người thực thi có thể phân định thuận lợi, nên một mã hàng (mã HS) có thể áp cho vài mặt hàng hoặc nhiều mã hàng có thể áp cho một mặt hàng, dẫn đến tình trạng, ở thời điểm nhập khẩu, doanh nghiệp được cơ quan Hải quan ấn định một mã, sau vài năm, khi kiểm tra sau thông quan thì lại yêu cầu áp mã khác và truy thu thuế.

Một sản phẩm hai mã áp là thực trạng khiến doanh nghiệp đứng trước nhiều thiệt thòi - Ảnh: Gia Nguyễn

Một sản phẩm hai mã áp là thực trạng khiến doanh nghiệp đứng trước nhiều thiệt thòi - Ảnh: Gia Nguyễn

Cụ thể, trường hợp kiến nghị của Công ty CP thương mại Polvita (Công ty Polvita) - địa chỉ tại Lô B7, ngách 1, ngõ 187 Nguyễn Tuân, phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội là một điển hình, khi từ năm 2010 cho tới thời điểm tháng 8/2019, doanh nghiệp đã mở tổng cộng 78 tờ khai nhập khẩu liên quan đến mặt hàng “Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9” qua nhiều Chi cục Hải quan khác nhau tại Hà Nội và Hải Phòng. Đồng thời, các Chi cục trực thuộc Cục Hải quan Hải Phòng và Cục Hải quan Hà Nội cũng đã kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Hải quan tổng cộng 12 lần cho những tờ khai có chứa mặt hàng này, tất cả đều không có ý kiến về việc kê khai mã HS 2106.90.

Thế nhưng, ngày 07/8/2019, Cục Hải quan TP. Hà Nội đã ban hành quyết định ấn định thuế, quyết định xử phạt hành chính vì cho rằng sản phẩm “Thực phẩm bổ sung Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9” phải áp mã HS 1517.90.90 cho các tờ khai từ ngày 05/9/2014, dẫn đến nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp như: truy thu thuế nhập khẩu, VAT; tiền nộp chậm; xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền lên tới hơn 4,7 tỉ đồng, đáng nói, sản phẩm của doanh nghiệp cũng bị đưa vào luồng đỏ.

Mặc dù sau đó, Tổng cục Hải quan và doanh nghiệp đã thống nhất việc tham vấn ý kiến của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) làm kết luận cuối cùng, sản phẩm phải áp mã HS 1517.90.90, tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa thực sự thuyết phục được doanh nghiệp bởi đại diện đơn vị này cho rằng, thực tế, tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, nước Mỹ (nơi sản xuất sản phẩm) và sau này là một số nước Châu Âu (doanh nghiệp có công văn tham vấn) thì sản phẩm này đều được áp mã 2106.90.

Liên quan đến nội dung của vụ việc, trước đó, khi doanh nghiệp có thông tin gửi tới WCO, thì chính đơn vị này cũng từng phản hồi và khuyến cáo áp mã 2106.90. cho sản phẩm “Thực phẩm bổ sung Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9”.

Đây chỉ là một trong những thực tế điển hình về trường hợp áp mã HS dẫn đến “thiệt hại kép” cho doanh nghiệp, trước đó, việc áp mã HS cũng từng gây lùm xùm đối với ván gỗ ép.

Những văn bản kém chất lượng khi đưa vào áp dụng trong thực tiễn đang tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp, xã hội - Ảnh minh họa

Những văn bản kém chất lượng khi đưa vào áp dụng trong thực tiễn đang tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp, xã hội - Ảnh minh họa

Ngoài thực trạng đã nêu, một số doanh nghiệp cũng cho biết, trong thực tế, rất nhiều trường hợp mặt hàng “lưỡng tính” có thể áp các mã HS khác nhau tùy thuộc vào quan điểm của cơ quan Hải quan. Khi Doanh nghiệp khai báo, doanh nghiệp xác định một mã HS và theo mã đó mặt hàng không thuộc diện phải xin giấy phép nhập khẩu.

Tuy nhiên, sau khi cơ quan Hải quan xem xét hồ sơ, ấn định một mã HS khác thì mặt hàng lại rơi vào trường hợp phải có giấy phép nhập khẩu chiếu theo quy định tại Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018, doanh nghiệp phải có giấy phép nhập khẩu theo hồ sơ khai báo Hải quan, nếu thiếu sẽ bị xử phạt hành chính. Điều này rất khó khăn cho doanh nghiệp khi nhập khẩu các mặt hàng lần đầu.

Không chỉ có vậy, quy định về Mã HS vẫn tạo ra các cách áp dụng, cách hiểu khác nhau như theo Điều 16 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 thì mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải có giấy phép thì phải xuất trình cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục, nếu khi làm thủ tục chưa có giấy phép xuất nhập khẩu sẽ bị phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan theo Khoản 7 và 8 Điều 14 Nghị định 45/2016/NĐ-CP.

Như mới đây, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, thời gian qua liên tục nhận được công văn của các đơn vị thành viên kiến nghị về việc thu thuế hàng nhập khẩu tại chỗ phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu theo Nghị định số 18/2021/NĐ-CP.

Cụ thể, theo đơn vị này, điểm h khoản 6 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP quy định sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình nhập gia công được miễn thuế nhập khẩu nếu người nhập khẩu tại chỗ đáp ứng quy định tại điểm a, b, khoản 2 Điều 10 Nghị định này. Sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai Hải quan theo loại hình khác thì người nhập khẩu tại chỗ kê khai, nộp thuế theo mức thuế suất và trị giá tính thuế của sản phẩm nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai.

Theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp phải nộp thuế ngay nếu nhập khẩu tại chỗ phục vụ cho các loại hình khác ngoài loại hình gia công xuất khẩu. Điều này dẫn tới việc không khuyến khích doanh nghiệp chủ động sản xuất hàng xuất khẩu mà khuyến khích doanh nghiệp trở lại làm hàng gia công... đáng nói, tiêu chí của Nghị định số 18/2021/NĐ-CP là miễn giảm thuế nói chung tại Điều 12.

Tuy vậy, thực tế triển khai Nghị định số 18/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ phải đóng ngay một khoản thuế và "treo" cho đến khi hoàn thành hồ sơ xuất khẩu, hoàn tất hồ sơ hoàn thuế với thời gian trung bình là 1 năm tính từ khi nhập khẩu. Đây là sự lãng phí rất lớn, nhất là so với Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì Nghị định số 18/2021/NĐ-CP không cải tiến về thủ tục mà còn gây khó khăn và tốn kém hơn cho doanh nghiệp.

Từ những thực trạng đã nêu, sự thiếu nhất quán trong các phán quyết trước hoặc sau; thiếu hành lang pháp lý cụ thể; thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của từng bên khiến doanh nghiệp là bên duy nhất phải gánh chịu rủi ro dù nguyên nhân dẫn đến những vi phạm không xuất phát từ phía doanh nghiệp.

Bài 5: Trách nhiệm của các bộ ngành ở đâu?

Có thể bạn quan tâm

  • Văn bản kém chất lượng - Bài 3:

    Văn bản kém chất lượng - Bài 3: "Ám ảnh" công văn hướng dẫn

    04:30, 30/06/2021

  • Văn bản quy phạm kém chất lượng - Bài 2:

    Văn bản quy phạm kém chất lượng - Bài 2: "Cong" với nghị định - "Vênh" giữa các bộ

    04:50, 29/06/2021

  • Văn bản quy phạm kém chất lượng - Bài 1: Thông tư

    Văn bản quy phạm kém chất lượng - Bài 1: Thông tư "đá" luật

    04:00, 28/06/2021

  • Một sản phẩm, hai mã áp, doanh nghiệp thiệt hại kép

    Một sản phẩm, hai mã áp, doanh nghiệp thiệt hại kép

    12:20, 23/09/2020

  • Một sản phẩm, hai mã áp, doanh nghiệp thiệt hại kép (Kỳ 2): Cơ quan Hải quan “ngược dòng”?

    Một sản phẩm, hai mã áp, doanh nghiệp thiệt hại kép (Kỳ 2): Cơ quan Hải quan “ngược dòng”?

    11:10, 30/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Văn bản kém chất lượng - Bài 4: Bất nhất trong thực thi pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO