Việc phải trích lập rủi ro cho các khoản phải thu từ các đối tác đã khiến Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HoSE: PVD) lỗ ròng trong 6 tháng đầu năm nay.
Trước thực trạng trên, PVD dự kiến trình ĐHĐCĐ giảm 87% kế hoạch lợi nhuận so với trước đây.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II, doanh thu thuần trong quý của PVD giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái; giá vốn giảm nên biên lợi nhuận gộp được cải thiện; chi phí tài chính, chi phí bán hàng đều không đáng kể. Theo đó, lẽ ra PVD có thể ghi được lãi ròng cao và giúp giữ lợi nhuận sau thuế khả quan. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt tới 97% lên 131 tỷ đồng do trích lập chi phí dự phòng khiến lợi nhuận sau thuế của PVD giảm 20% so với cùng kỳ năm trước xuống 43 tỷ đồng. Lãi ròng của Công ty mẹ giảm 87% xuống 8 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của PVD đạt 1.662 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế âm 66 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi ròng 72 tỷ đồng. Công ty mẹ lỗ ròng nửa đầu năm 95 tỷ đồng.
72 tỷ đồng là khoản lỗ ròng hợp nhất của PVD 6 tháng đầu năm 2021. Công ty mẹ lỗ ròng 95 tỷ đồng.
Đây là lần đầu tiên PVD có quý ghi nhận lỗ ròng kể từ 4 quý gần nhất, và điều này có thể xem như là một nghịch lý khi giá dầu lên cao nhất 2 năm và nhiều doanh nghiệp ngành Dầu khí hưởng lợi đột biến.
PVD đã phải trích lập chi phí dự phòng cho toàn bộ khoản phải thu của mình đến từ Kris Energy- đối tác của PVD. Bởi vì, Kris Energy vào ngày 4/6 đã đệ đơn lên Tòa án đảo Cayman xin thanh lý tài sản do không có khả năng thanh toán các khoản nợ. Cuối quý I, tổng tài sản của Kris Energy chỉ có 485 triệu USD, trong khi các khoản nợ đã tăng lên 831 triệu USD. PVD là nhà thầu khoan cho dự án của Kris Energry ngoài khơi Campuchia. Doanh nghiệp bắt đầu sử dụng giàn JU PVD III khoan 6 giếng khoan trong giai đoạn từ tháng 10/2020 đến tháng 2/2021.
Theo SSI Research, cuối quý I, PVD có khoảng 107 tỷ đồng chi phí dự phòng nợ xấu, chủ yếu đến từ Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP) và Công ty Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí trong nước (PVEP POC). Các khoản phải thu của Kris Energy, nếu được trích lập đầy đủ, sẽ làm chi phí dự phòng nợ xấu tăng gấp đôi. SSI Research lưu ý rằng trong trường hợp này, PVD sẽ khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2021.
Đến cuối quý II, PVD có gần 132 tỷ đồng chi phí dự phòng nợ xấu, chủ yếu đến từ PVEP, PVEP POC và đối tác nước ngoài. Như vậy, việc trích lập đã cao hơn con số SSI dự phóng 107 tỷ đồng – khiến PVD bị giảm 50% lợi nhuận. Theo đó, PVD lên kế hoạch giảm lợi nhuận tới 87% /năm đã cho thấy sự tính toán dự phòng đủ của doanh nghiệp.
Không chỉ PVD, mà nhiều doanh nghiệp khác cũng gặp rủi ro đối tác. Năm 2020, đối tác Mỹ của Công ty May Sông Hồng, Công ty Dệt May Đầu tư Thương mại Thành Công phá sản cũng khiến 2 đơn vị này mất hàng trăm tỷ đồng chưa thể đòi lại. Các chuyên gia cho rằng, dù không mong rủi ro như PVD, MSH hay TCM…, các doanh nghiệp vẫn phải luôn có kịch bản dự phòng cho các tình huống xấu. Củng cố nền tảng tài chính và cố gắng phân bổ mở rộng không phụ thuộc nguồn thu hay cung cấp nguyên liệu, phân phối hàng hóa cho 1- 2 đối tác chủ lực sẽ là giải pháp để giảm thiểu tối đa thiệt hại, nếu có rủi ro trở thành hiện hữu.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp vận tải lo phá sản khi tạm dừng hoạt động vì COVID-19
05:00, 07/06/2021
VinFast lỗ ròng 5.702 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế
10:08, 04/04/2020
Cổ phiếu nhóm Dầu khí còn dư địa tăng trưởng
05:13, 08/06/2021
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam): Nỗ lực không để đứt gãy chuỗi sản xuất
23:36, 07/06/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy định đầu tư vốn ra ngoài Cty mẹ-Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
19:16, 30/03/2021
Cổ phiếu ngành Dầu khí sẽ hưởng lợi từ giá dầu tăng?
13:00, 29/03/2021