Từ khi xuất hiện rồi phổ biến với tốc độ chóng mặt, mạng xã hội trở thành kênh thông tin có tính phổ cập từ nam, phụ, lão, ấu… tới tất cả giai tầng trong xã hội.
>>Elon Musk đáng sợ như thế nào khi "chơi mạng xã hội”?
Mặt tích cực không hề ít khi mạng xã hội có thể biến nhà nhà thành tòa soạn, người người thành phóng viên. Không ít vụ việc được sáng tỏ, xử lý thích đáng, nhiều thông tin quý giá có ích cho xã hội được mạng xã hội đăng tải.
Bên cạnh đó, mặt tiêu cực của mạng xã hội cũng không hề ít, từ bóc phốt riêng tư, nói xấu, bêu riếu cá nhân, đến đưa tin giả, tin chưa kiểm chứng… gây hại cho cộng đồng…
Một trong những điểm tiêu cực ấy là dựa vào giao tiếp gián tiếp trên không gian ảo, người ta tự cho mình quyền làm quan tòa, kết tội, kết án người khác trong khi chưa có đủ bằng chứng. Tự cho mình quyền phán xét, vùi dập lỗi lầm của người khác một cách hết sức cay nghiệt, độc ác….
Câu chuyện về người đàn bà ngoại tình bị kết tội ném đá, Đức Giê su nói với đám đông: “Ai trong các người sạch tội, thì cứ việc lấy đá ném trước đi”, kết quả là lần lượt từ người lớn tuổi đến lớp trẻ hơn cứ dần dần bỏ đi, chỉ còn lại người đàn bà. Đức Giê su lại nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao… Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị…”.
Câu chuyện này cứ ám ảnh tôi khi sáng ra đến chỗ làm, thấy mọi người chụm đầu bàn tán về phát ngôn gây bão vì chuyện bão của cô biên tập viên VTV. Các hội nhóm chia sẻ, mọi người thi nhau tung những lời chỉ trích nặng nề về mấy dòng trạng thái cô trót đăng lên.
Suy cho cùng, với trải nghiệm của cá nhân thì việc thức cả đêm theo dõi làm tin về cơn bão lớn là thử thách mới của cô gái này. Cảm giác chinh phục thành công làm cô phấn khích không đủ tỉnh táo để lựa chọn ngôn ngữ truyền tải cho phù hợp ở thời điểm này.
Cô không hề nghĩ cái mình đăng trong lúc phấn khích sẽ có kẻ vồ lấy, chia sẻ cho đội ngũ chuyên cầm đuốc soi chân người khác một cách sung sướng. Đội hình ấy sẽ bám chặt lấy, hít hà thêm thắt đủ thứ để chĩa dùng bàn phím chĩa mũi nhọn tấn công, xâu xé cô.
Không ít các vị “bồ tát mạng” nhân danh đủ thứ tốt đẹp để tấn công cô phát thanh viên một cách bỉ ổi và xấu xa. Cảm giác những bức xúc ẩn ức, không thỏa mãn trong cuộc sống của họ nhân dịp này có cớ để chụp lên cô phát thanh viên nhất thời lỡ lời “vạ miệng”.
Đúng là: “Xảy chân còn đỡ bằng sào. Xảy miệng thì biết làm sao bây giờ?’”
Cô nhận ra sai rồi sửa sai ngay, nhưng không kịp với đội săn người hung hãn, họ không nhìn thấy sự cống hiến của cô, sự cầu thị, sửa sai của cô, mà cứ hăng hái tấn công cô bằng ngôn từ ác độc. “Lời nói đọi máu”, ngôn ngữ không có lưỡi mà sắc hơn dao, có thể cắt đứt sự nghiệp, thậm chí có thể giết chết cả mạng người.
>>BeReal: "Lời cảnh báo" về mạng xã hội
>>Nở rộ lừa đảo tài chính thông qua mạng xã hội
>>Vụ bắt Nguyễn Phương Hằng và ranh giới đúng – sai trên mạng xã hội
Tôi không có mối quan hệ nào với cô biên tập viên này nhưng quan điểm cá nhân là dòng trạng thái của cô không gây hại cho xã hội, hay gây hiệu ứng xấu tới cộng đồng một cách quá mức. Bằng chứng là cô lập tức sửa lại câu nói hớ, không thách thức hay phản ứng thái quá với các chỉ trích. Trong khi không ít người lao vào công kích cô như đòn thù, mỉa mai, châm chọc, cay nghiệt còn hơn dì ghẻ con chồng. Đó là sự độc ác trong văn hóa hành xử giữa con người với con người.
Cái cần lên tiếng về sự bất công, chèn ép, cửa quyền, nạn tham nhũng, bạo hành, bạo lực học đường, gia đình… thì có người lại im tiếng, lại cúi đầu thần phục hèn nhát. Còn với cô gái trẻ chỉ có dòng trạng thái chưa chuẩn mực thì dồn lực vào mà ép người, tạo áp lực cả đến người liên quan…, để có nguy cơ chấm dứt sự nghiệp của cả một con người. Thử hỏi nhân danh điều tốt đẹp là thương cho khúc ruột miền Trung gặp bão mà không có hành động cụ thể, thay vào đó là chỉ trích, thậm chí hạ nhục người thức cả đêm theo dõi tin bão liệu có phải điều cần thiết.
Cá nhân nếu chưa làm được gì thì hoàn toàn có thể im lặng, tập trung hoàn thiện bản thân, phấn đấu xây dựng bản thân, cống hiến cho xã hội, “ngậm máu phun người thì miệng mình vấy bẩn trước”.
Xây dựng văn hóa sử dụng mạng xã hội không hề là việc dễ, nhưng thiết nghĩ cũng cần phải có thể chế, chế tài với bình luận tiêu cực, ác ý mang lại các hệ lụy xấu cho cá nhân. Nếu không có vòng kim cô cho tự do ngôn luận thì ai cũng có thể có ngày trở thành nạn nhân của nạn bạo hành, bắt nạt trên mạng. Có học sinh đã tìm đến cái chết để giải thoát áp lực khi bị mạng xã hội bạo hành.
Trước khi có chế tài, cần có nhiều bài viết định hướng, xây dựng văn hóa sử dụng mạng xã hội, thông tin cá nhân, chuyện riêng tư…, không thể trở thành mồi nhậu cho đội ngũ kền kền trên mạng. Đội ngũ chỉ chăm chăm rình sự sơ hở nhất thời của ai đó để nhảy vào xâu xé. Người có tiếng tăm, sức ảnh hưởng trong xã hội cần cân nhắc trước phát ngôn của mình, tự bảo vệ mình thay vì sơ ý là rất dễ trở thành nạn nhân bị vây trên mạng không còn lối thoát.
Có thể bạn quan tâm
13:36, 26/09/2022
05:44, 02/04/2022
03:05, 03/04/2022
03:50, 28/03/2022
03:08, 26/01/2022
03:00, 25/10/2021