Văn hoá kinh doanh tạo lợi thế cạnh tranh

PHAN NAM thực hiện 12/10/2023 11:00

Văn hoá kinh doanh giúp doanh nghiệp, doanh nhân đạt được những lợi thế cạnh tranh trên cơ sở khả năng đổi mới và và thích ứng nhanh chóng với môi trường kinh doanh quốc tế.

>>Văn hóa kinh doanh và tấm gương người đứng đầu

Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch tập đoàn Phú Thái, văn hoá kinh doanh (VHKD) đóng vai trò then chốt trong việc giúp doanh nghiệp, doanh nhân đạt được những lợi thế cạnh tranh trên cơ sở khả năng đổi mới và và thích ứng nhanh chóng với môi trường kinh doanh quốc tế.

Ông Phạm Đình Đoàn nhấn mạnh, một trong ba đột phá chiến lược của VCCI trong nhiệm kỳ 2021-2026 là tiên phong xây dựng VHKD Việt Nam, hình thành và thúc đẩy thực hiện các quy ước, chuẩn mực chung về đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp.

Đây là một hệ thống các giá trị được hình thành trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của một doanh nghiệp bao gồm tất cả các giá trị đạo đức, tư tưởng và truyền thống đã ăn sâu vào các hoạt động của doanh nghiệp, chi phối đến tình cảm, suy nghĩ và hành vi của các thành viên trong tổ chức.

- VHKD có tác động như thế nào đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, thưa ông?

Văn hóa luôn là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Đặc biệt trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, xây dựng VHKD càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn. VHKD giúp nâng cao bản lĩnh, trình độ của đội ngũ người lao động theo hướng chuyên nghiệp hóa, thể hiện không chỉ trong cách ứng xử, khả năng sử dụng tốt các công cụ, các thành tựu khoa học kỹ thuật, cạnh tranh và hội nhập với thị trường mà còn cả trong giao tiếp với khách hàng, định vị thương hiệu và tiếp thị sản phẩm…

VHKD cũng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của hệ thống doanh nghiệp, từ chuyên môn đến tư tưởng và cách thức tổ chức; Giúp tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật với nề nếp, kỷ cương; Xây dựng môi trường làm việc tiên tiến, hiện đại dựa trên nền tảng những giá trị văn hoá truyền thống cho mọi cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp. Qua đó, tích cực tạo động lực làm việc cho nhân viên, giúp các mối quan hệ giữa nhân viên tốt đẹp.

Xây dựng được VHKD tốt sẽ tạo ra nguồn nội lực vững chắc cho việc liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, từ đó giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Điều này không chỉ là yếu tố quyết định tới việc thu hút và sử dụng tối đa các nguồn lực mà còn đóng góp vào sứ mệnh cao cả của doanh nghiệp: phát triển con người.

>>Công nghệ số và văn hóa kinh doanh

 Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” do VCCI phối hợp cùng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” do VCCI phối hợp cùng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

- Mỗi nền văn hoá có sự khác biệt nhất định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, theo ông các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để thích ứng và hội nhập?

Tham gia hội nhập, VHKD sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giúp doanh nghiệp, doanh nhân đạt được những lợi thế cạnh tranh trên cơ sở khả năng đổi mới và và thích ứng nhanh chóng với môi trường kinh doanh quốc tế. Trong đó, lấy con người làm gốc, lấy việc nâng cao tố chất toàn diện của con người làm trung tâm, hướng tới thị trường và khách hàng là trên hết.

Trong bối cảnh hiện nay, thông qua VHKD, nếu doanh nghiệp khẳng định chất lượng sản phẩm, ứng xử văn hoá, văn minh với cộng động, với người tiêu dùng sẽ được người tiêu dùng tin tưởng.

Vì vậy, VHKD không chỉ được thấm nhuần trong đội ngũ lãnh đạo lãnh đạo mà còn phải lan toả ở mọi cấp bậc, phòng ban trong tổ chức. Cần tích hợp các tiêu chí của VHKD vào quá trình đánh giá hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, luôn đề cao đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp. Đây chính là nền tảng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững.

- Hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia, ông học hỏi được điều gì trong việc xây dựng VHKD?

Mỗi tập đoàn đa quốc gia đều có VHKD riêng biệt, tạo nên sự độc đáo và bản sắc riêng trong sự tồn tại và phát triển của họ. Tuy nhiên, có một số đặc điểm chung là tinh thần làm việc nhóm, sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ đồng nghiệp trong công việc, cùng với việc luôn chấp nhận sự phê bình và tranh luận khi cần thiết.

Nếu như với các doanh nghiệp Nhật Bản, việc tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt và sự trung thành chính là nét đặc trưng, mọi quyết định đều phải được thông qua người quản lý trực tiếp, thì ở Hàn Quốc việc tôn trọng thứ bậc, phục tùng cấp trên là tối quan trọng, nhưng họ luôn thích sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong công việc. Còn với các công ty ở Anh hay Mỹ thì họ luôn cho rằng, thành công là của tập thể, thành công của mỗi cá nhân liên quan mật thiết đến sự đóng góp của cả đội nhóm, nhưng họ lại đặc biệt chú trọng đến sự thể hiện của cá nhân, khuyến khích cá nhân sáng tạo, thể hiện năng lực để hoàn thành nhiệm vụ.

Các tập đoàn đa quốc gia đều có điểm chung trong việc xây dựng và thể hiện VHKD thông qua chiến lược và kế hoạch định kỳ. Các giá trị và nguyên tắc của VHKD được áp dụng triệt để trong các hoạt động hàng ngày.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Khởi động chương trình “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2023

    21:04, 02/08/2023

  • Văn hóa kinh doanh và tấm gương người đứng đầu

    04:00, 03/05/2023

  • Nỗ lực xây dựng văn hoá kinh doanh

    15:18, 28/03/2023

  • Tạo lập văn hoá kinh doanh trực tuyến lành mạnh trên không gian số

    11:00, 27/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Văn hoá kinh doanh tạo lợi thế cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO