"Vaccine văn hoá doanh nghiệp" là vô cùng quan trọng để tạo ra kháng thể cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
>>>Nâng cao văn hoá kinh doanh nhìn từ vụ chủ shop quần áo bạo hành nữ sinh
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cuộc sống của mỗi cá nhân và hoạt động của doanh nghiệp không tránh khỏi những đảo lộn và ngưng trệ, nhưng dòng chảy văn hóa không hề dừng lại, nó vẫn luôn vận động và là nguồn sức mạnh quan trọng để gắn kết và thúc đẩy những con người trong mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp hành động vì mục tiêu chung, cùng vượt qua khó khăn, chiến thắng nghịch cảnh. Khi cả xã hội phải thích nghi, ứng phó cùng dịch bệnh, từng bước tiến vào giai đoạn bình thường mới, văn hóa sẽ là nền tảng để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và vươn lên.
Tại phiên toạ đàm với chủ đề: “Vaccine văn hoá doanh nghiệp trước đại dịch Covid-19” trong khuôn khổ Diễn đàn văn hoá với doanh nghiệp năm 2021 với chủ đề: “Tiếp biến văn hoá – Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế”, các diễn giả đều khẳng định vai trò quan trọng của văn hoá doanh nghiệp.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều công ty ở TP. HCM đã phải cắt giảm nhân sự, giảm lương nhân viên khiến nhiều người nghỉ việc. Để ngăn chặn tình trạng này, "vaccine văn hoá doanh nghiệp" là vô cùng quan trọng để tạo ra kháng thể cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Ông Lê Trí Thông - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) – chia sẻ: “Tôi cho rằng "vaccine văn hoá doanh nghiệp" xuất phát từ chính nội lực của doanh nghiệp. Hiện, mỗi doanh nghiệp đang phát triển 1 văn hoá riêng. Vì thế, các doanh nghiệp cần có sự kết nối để phát triển bền vững”.
Theo ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – văn hoá doanh nghiệp là chìa khoá giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức. Trong 2 năm COVID-19 vừa qua, văn hoá doanh nghiệp đã giúp Tập đoàn vượt qua khó khăn. Nếu quan tâm tới người lao động thì doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả, ổn định trong tình hình dịch diễn biến phức tạp.
“Chính phủ có vai trò quyết định trong việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Nếu có cơ chế chính sách phù hợp, doanh nghiệp phát triển, văn hoá doanh nghiệp phát triển theo. Thực tế, 1 số doanh nghiệp chưa giải quyết được vấn đề ăn ở cho người lao động. Nếu nhà nước có cơ chế chính sách tạo điều kiện xây dựng nơi ở cho người lao động, cán bộ thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ phát triển. Việc các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh là vô cùng quan trọng. Vì thế, Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp đạt chuẩn mực văn hoá kinh doanh” – ông Vượng nói.
Chia sẻ câu chuyển ở Coats Phong Phú, bà Trần Trâm Anh, Tổng Giám đốc Vùng Công ty TNHH Coats Phong Phú chia sẻ: “Văn hóa cũng như vaccine tiêm vào doanh nghiệp. Văn hoá không tự có, cần đủ liều, đúng thời điểm nếu không muốn sốc phản vệ. Để có điều này cần có nghệ thuật để tạo kháng thể”.
Chia sẻ tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã có ý kiến góp ý. Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu: “Từ nãy đến giờ, diễn giả đều nói nhờ văn hóa doanh nghiệp mà trụ vững, vượt qua khó khăn của đại dịch, đưa doanh nghiệp phát triển. Nhưng tôi muốn hỏi qua đợt dịch thứ 4 này, với tư cách là người quản trị doanh nghiệp, anh chị đang thấy thiếu cái gì về ăn hóa doanh nghiệp cần phải bổ sung, cấp cứu khi đại dịch đến”.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đưa ra 2 thực tiễn: “Khi các đoàn cứu trợ đưa quà đến cho công nhân bằng gói an sinh thì có một bộ phận công nhân không đủ cơ sở để nấu nướng nên túi quà buộc phải trả lại cho các đơn vị vận động. Bởi, họ không có phòng ở để nướng, bếp ăn của họ trong căng tin của doanh nghiệp, trên đường về họ ghé đâu ăn đó rồi về. Nhưng khi dịch bệnh không được ra ngoài lại thiếu thốn”.
Thứ 2, bên cạnh một nhà máy rất lớn, hoành tráng có vị trí đắc địa; có quy mô, quy trình đi vào nhà máy rõ ràng. Công nhân đến nhà máy là điểm đến, nhưng điểm đi là những nhà trọ chưa đảm bảo chất lượng cho cuộc sống của họ. Ở đó có 5 -7 người trong một căn nhà trọ hẹp thì ta nghĩ gì đến điểm đến và điểm đi” – Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Sau khi đưa ra 2 ví dụ, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Khi chúng ta đang nói yên tâm, và sự chia sẻ, vấn đề thương yêu và trách nhiệm; nên chăng, trách nhiệm của doanh nghiệp trong vấn đề này là cùng với Nhà nước để tính toán thêm, phát triển kinh tế doanh nghiệp nghĩ đến với góc độ an sinh. Hãy cho chúng tôi lời khuyên, chúng ta thấy đang thiếu gì qua đại dịch này và sắp tới chúng ta cùng nhau làm gì khi có hiện trạng nêu trên?”.
Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam Hà Thị Thu Thanh chia sẻ: Người đứng đầu doanh nghiệp không chỉ lãnh đạo bằng khối óc mà cần bằng cả trái tim. Chúng tôi có vaccine 5T: “Thân” – khi dịch bệnh 100% nhân viên làm tại nhà, “Tâm” - được bình an, “Trí” - được phát triển, “Tiền” - có đầy đủ và “Trái tim” - lãnh đạo kiên tâm phải quan tâm tối đa người lao động ở mức có thể.
Còn theo Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Lê Trí Thông cho biết: “Trong những năm qua, chúng ta tập trung vào hạ tầng phát triển kinh tế nhưng hạ tầng an sinh cần có sự phát triển đồng bộ. Chúng ta nói doanh nghiệp phát triển trong 10 năm qua, có hạ tầng kết nối viễn thông, doanh nghiệp này kết nối với doanh nghiệp kia. Nhưng hạ tầng khác liên quan tới văn hóa doanh nghiệp mỗi doanh nghiệp đang phát triển một cách cục bộ. Do vậy, Nhưng chúng ta cần tạo ra một sự liên thông, kết nối giữa văn hóa doanh nghiệp này với văn hóa doanh nghiệp khác”.
Có thể bạn quan tâm
Văn hoá doanh nghiệp - "bộ gene" làm nên hệ giá trị doanh nghiệp
05:00, 22/11/2021
Văn hóa doanh nghiệp tạo giá trị bền vững
11:00, 21/10/2021
Khát vọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp tri thức
04:00, 19/06/2021
Startup và bài toán xây dựng văn hóa doanh nghiệp
03:39, 15/04/2021
Văn hóa doanh nghiệp, yếu tố quan trọng trong kinh doanh
15:29, 10/11/2020