Đất nước chúng ta đang chứa đựng nhiều yếu tố về “thiên thời, địa lợi và nhân hoà” có tính lịch sử, với rất nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội to lớn trước mắt, để bứt tốc phát triển
>>>Nghị quyết 41 - NQ/TW: Điểm tựa phát triển doanh nghiệp Việt Nam thời kỳ mới
Trong vài năm gần đây, thế giới đã và đang chứng kiến những sự kiện chính trị, kinh tế và thiên tai biến động hết sức phức tạp, khó lường. Xuất hiện nhiều yếu tố tiềm tàng có thể dẫn đến việc xảy ra các sự kiện xung đột quân sự ở một số điểm nóng khu vực và trên bình diện chung của thế giới hết sức nguy hiểm, phức tạp, khó kiểm soát và rất khó dự báo.
Tình hình kinh tế thế giới và môi trường kinh doanh quốc tế tiếp tục diễn biến theo chiều hướng bất lợi. Tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, áp lực lạm phát dai dẳng kéo dài, biến động tỷ giá giữa các ngoại tệ, giá dầu mỏ, khí đốt và một số nguyên liệu đầu vào trên thế giới biến động mạnh. Các vấn đề lớn về an ninh phi truyền thống như thiên tai động đất, bão lụt, dịch bệnh và biến đổi khí hậu ngày càng có xu hướng tần suất cao và cực đoan hơn.
Năm 2023, trước các yếu tố biến động phức tạp bất lợi, khó lường và kéo dài của thế giới nói trên, các tổ chức định chế tài chính quốc tế đã liên tục đưa ra các cảnh báo và điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và phần lớn các quốc gia.
Chúng tôi cho rằng, giai đoạn 2023 - 2024, sẽ là các năm Việt Nam tiếp tục bị các tác động tiêu cực từ môi trường chính trị & kinh tế quốc tế. Trong điều kiện thực tế nền kinh tế Việt Nam có quy mô còn rất khiêm tốn, với độ mở lớn và khả năng chống chịu với các cú sốc từ môi trường kinh doanh bên ngoài còn rất hạn chế. Trong khi đó, nền kinh tế quốc gia đã, đang bộc lộ rất nhiều “bất cập và yếu kém nội tại”.
Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều rủi ro hiện hữu có thể ảnh hưởng đến tính khả thi của các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong cả giai đoạn năm 2023 - 2025. Theo báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, mặc dù chúng ta đã phấn đấu đạt được 1 số kết quả kinh tế nhất định nhưng dự báo có thể có 5/15 chỉ tiêu sẽ không đạt mục tiêu đã đề ra.
Công tác tái cơ cấu nền kinh tế chưa hiệu quả và chưa thật sự có sự thay đổi đáng kể. Chính sách quản lý chính sách tiền tệ trong thời gian qua của các cơ quan quản lý nhà nước chức năng còn nặng về việc giải quyết các vấn đề nóng, cấp thiết có tính chất tình thế ngắn hạn như chú trọng kiềm chế lạm phát và giảm lãi suất vay.
Nhưng công cụ chính sách tiền tệ chưa thật sự dựa trên các mục tiêu phát triển tổng thể nền kinh tế là vừa phải giảm lãi suất, đảm bảo ổn định tiền tệ, ngoại hối và an toàn hệ thống ngân hàng quốc gia; đồng thời chính sách tài khóa cũng cần phải hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho việc thúc đẩy sớm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 và là động lực mạnh mẽ cho quá trình phát triển kinh tế đất nước.
Thị trường Chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và Bất động sản phát triển còn thiếu ổn định, chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng và chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro tiềm tàng. Đầu tư công tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa thật sự đạt kết quả như kỳ vọng (hết tháng 9 năm 2023 mới đạt khoảng 51,38% kế hoạch).
Nhìn chung, nền kinh tế “khát vốn” nhưng rất khó hấp thụ vốn. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, cả năm ước đạt trên 5% (mục tiêu 6,5%). Phần lớn các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thị trường đầu ra trong nước và thế giới, nguồn vốn sản xuất kinh doanh và các điểm nút thắt về quy định pháp lý, thủ tục hành chính vẫn chậm được giải quyết khắc phục.
Số lượng các doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2022, với 135.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm. Doanh nghiệp mới thành lập giảm 14,6% về tổng số vốn đăng ký kinh doanh và 1,2% về lao động. Chúng tôi cho rằng, đó là những khó khăn, thách thức của nền kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn. Vì vậy, chúng ta cần phát huy tinh thần vượt qua khó khăn, thách thức; đồng thời chủ động tận dụng tối đa các cơ hội phát triển nhằm tìm kiếm cơ hội trong khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, hướng về tầm nhìn dài hạn, chúng tôi cho rằng, đất nước chúng ta đang chứa đựng nhiều yếu tố về “thiên thời, địa lợi và nhân hoà” có tính lịch sử, với rất nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội to lớn trước mắt, để bứt tốc phát triển và có thể vượt qua bẫy “nền kinh tế có thu nhập trung bình” mà đã có rất nhiều quốc gia khác trong khu vực Châu Á và thế giới đã, đang gặp phải trong nhiều thập kỷ qua nhằm sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển thịnh vượng trong 1 vài thập kỷ tới.
Với cơ hội lịch sử phát triển đất nước thịnh vượng trong thời gian tới là rất rõ ràng. Chúng tôi cho rằng, vấn đề cấp thiết nhất, quan trọng nhất hiện nay, là chúng ta cần phải thống nhất nhận thức về thời cơ lịch sử nhằm phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, với tất cả các tiềm năng, nguồn lực và lợi thế so sánh của quốc gia để thực hiện thành công các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội to lớn trong từng mốc thời gian cụ thể.
Bài học kinh nghiệm lịch sử thế giới cho thấy, trong “thời kỳ chiến tranh lạnh” của thế giới, đã có 1 số quốc gia tận dụng tối đa cơ hội lịch sử để bứt phá phát triển trở thành “con Rồng Châu Á” hoặc là trở thành cường quốc kinh tế trong nhóm G7 và G20 của thế giới.
>>>ĐIỂM BÁO NGÀY 13/10: Nâng tầm vị thế doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam
Việt Nam hiện có quy mô dân số đang tiến dần đến cột mốc 100 triệu người (chiếm 1,24% dân số thế giới) và đứng thứ 15 thế giới. Như vậy, có lẽ là Việt Nam chúng ta sẽ không còn nằm trong nhóm quốc gia nhỏ bé nữa. Trong tháng 9 năm 2023, Việt Nam đã chính thức thiếp lập quan hệ ngoại giao với Tonga, nâng tổng số quốc gia có quan hệ ngoại giao với nước ta lên con số 193 (trên tổng số 204 nước trên thế giới).
Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 05 nước lớn trên thế giới: Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022) và Hoa Kỳ (2023). Trong thời gian tới, hy vọng chúng ta sẽ sớm xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thêm với các nước Nhật Bản, Úc và Singapore. Đến nay, đã có 144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 38.300 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 455 tỷ USD và tạo ra việc làm và thu nhập cho hàng triệu người lao động.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá của nước ta đạt gần 497,66 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hoá xuất siêu kỷ lục so với trước đây, đạt 21,68 tỷ USD. Thu hút vốn FDI trong 9 tháng đầu năm, đạt mức cao nhất trong 5 năm qua (ước đạt 10,23 tỷ USD).
Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới, thông qua việc tham gia 16 hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP) cho phép chúng ta tiếp cận với hơn 55 thị trường, trong đó có 15 thị trường thuộc khối G20.
Theo số liệu Xếp hạng của WB, hiện nay Việt Nam Xếp hạng thứ 6/10 ở khu vực ASEAN, thứ 23/39 của Châu Á và thứ 40/176 thế giới. Với khả năng phục hồi tăng trưởng kinh tế cao từ 6,5 -7% trở lên, trong các năm tới thì Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 3 của ASEAN về quy mô nền kinh tế, ước đạt hơn 571 tỷ USD (chỉ đứng sau Indonesia và Thái Lan).
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định, trong việc thu hút các nguồn lực FDI thế hệ mới và đang trở thành quốc gia có sức hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, có uy tín trên trường quốc tế, trong điều kiện xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ.
Tập đoàn Apple đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Tập đoàn Intel cũng mở rộng giai đoạn 2 của nhà máy kiểm định Chip tại Tp. HCM với tổng giá trị đầu tư 4 tỷ USD. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn khác như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất ở Việt Nam.
Các tập đoàn lớn như Airbus, Boeing, Google, Walmart cũng đã thông báo kế hoạch tìm kiếm mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng và địa điểm phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất lớn nhất của tập đoàn ở Bình Dương với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD.
Đáng chú ý nhất là tập đoàn Samsung đã quyết định kế hoạch dịch chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại về Việt Nam và Ấn Độ, với 60% sản lượng điện thoại bán ra trên thế giới được sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra, tập đoàn Samsung đã đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất Đông Nam Á, tại Hà Nội có trị giá 220 triệu USD.
Các doanh nghiệp toàn cầu hàng đầu về vận chuyển Container và Logistics đã mở tuyến dịch vụ tại Việt Nam. Hiện nay, có khoảng 10 hãng tàu nước ngoài đảm nhận các tuyến vận tải hàng hoá Container từ Việt Nam đi các thị trường trọng điểm quốc tế. Hãng CNBC đã đưa tin MSC là tập đoàn vận tải lớn nhất thế giới, đang tích cực triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng các Cảng biển Việt Nam.
Năm ngoái, MSC đã đề xuất đầu tư chuyển khu vực cảng biển từ Singapore (cảng trung chuyển quốc tế) sang cảng Cần Giờ Tp.HCM, với mức vốn đầu tư rất lớn. Ngoài ra nhiều nhà đầu tư Cảng biển khác cũng đang tích cực thăm dò cơ hội đầu tư tại Việt Nam nhằm tìm mua các cơ sở kho vận tại Châu Á, từ đó giúp cho khách hàng của họ mở rộng chuỗi cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc.
Tại hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với chủ đề “Đồng hành và phát triển” diễn ra tại Hà Nội ngày 16/10/2023, Thủ tướng Chính phủ mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam; đồng thời đã đưa ra các cam kết hợp tác hết sức mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam.
Chúng ta hy vọng cùng với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thì cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài (FDI) sẽ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển nền kinh tế quốc gia trong thời gian tới. Thời cơ lịch sử của bối cảnh dân tộc ở thời điểm này, là có ý nghĩa rất quan trọng. Nhưng vấn đề quyết định hơn cả là làm sao chúng ta có các chiến lược, sách lược và chương trình hành động quốc gia phù hợp, để có thể tận dụng tối đa mọi cơ hội bứt phá phát triển đất nước hùng cường.
Đề xuất một số nhóm giải pháp thực hiện trọng tâm
Chúng tôi xin phép đề xuất các nhóm giải pháp thực hiện trọng tâm. Trong đó, có những nhóm giải pháp quan trọng, có tính chất cấp thiết cần phải được ưu tiên thực hiện hoàn thành trong ngắn hạn; đồng thời có những kiến nghị giải pháp cần phải bắt đầu thực hiện sớm trong thời gian trước mắt; vừa kiên trì phấn đấu thực hiện thành công trong trung hạn, dài hạn.
Thứ nhất, chúng ta tiếp tục thúc đẩy quá trình đổi mới toàn diện thể chế phát triển kinh tế, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý đầu tư trong và ngoài nước; và môi trường kinh doanh thật sự hấp dẫn, an toàn và minh bạch; gắn với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước nhằm đảm bảo yêu cầu đối với nhiệm vụ quản trị quốc gia, trong điều kiện cạnh tranh quốc tế mới và quá trình hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng.
Thứ hai, với tầm nhìn dài hạn và trên cơ sở dự báo các kịch bản tăng trưởng kinh tế và khả năng thu hút các nguồn lực đầu tư FDI thế hệ mới trong thời gian tới, Chính phủ cần phải ưu tiên công tác rà soát cập nhật, bổ sung và điều chỉnh phù hợp về các chiến lược, sách lược và chương trình phát triển kinh tế trọng điểm quốc gia nhằm vừa phục vụ yêu cầu thúc đẩy nhanh quá trình phát triển nền kinh tế quốc gia; vừa góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài; sẵn sàng đảm bảo yêu cầu tối đa của các tập đoàn đa quốc gia lớn hàng đầu thế giới trên tất cả các lĩnh vực, ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn khi có nhu cầu thăm dò và đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh ở Việt Nam, bao gồm về kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, hàng không, dịch vụ logistics, năng lượng điện, nguyên liệu ngành bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ sinh thái doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ và hạ tầng cơ sở các khu công nghiệp, công nghệ cao…vv.
Thứ ba, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, cầu thị lắng nghe ý kiến góp ý và phản ánh các khó khăn, nút thắt từ các nhà đầu tư (FDI), doanh nghiệp trong nước và tổng kết thực tiễn nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, an toàn, minh bạch và có tính cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới; góp phần tăng khả năng thu hút các nguồn lực đầu tư FDI thế hệ mới; đồng thời tạo lập niềm tin yên tâm đầu tư lâu dài ở Việt Nam cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Thứ tư, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của đội ngũ công chức quốc gia; đi đôi với việc tiếp tục cải tiến các thủ tục hành chính, đăng ký kinh doanh và quản lý hành chính, chính sách thuế đối với các doanh nghiệp đầu tư FDI; đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh để tăng khả năng cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, so với các quốc gia khác trong khu vực và thế giới.
Thứ năm, triển khai chương trình hành động quốc gia về đầu tư phát triển toàn diện nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu và ứng dụng các ngành công nghệ cao; đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế trọng điểm có nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trong thời gian tới, để chủ động đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho yêu cầu phát triển nền kinh tế trong ngắn hạn, lâu dài và thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ sáu, xây dựng phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam tài năng, năng động và sáng tạo. Mục tiêu trong thời gian tới, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ cao đáp ứng được các mục tiêu phát triển quốc gia trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và cơ chế khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.
Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đạt tầm khu vực Đông Nam Á và Châu Á, có một số tập đoàn kinh tế lớn đạt tầm thế giới và có khả năng lan toả, dẫn dắt các chủ thể kinh tế khác trong các lĩnh vực, ngành kinh tế then chốt của đất nước cùng phát triển. Xây dựng một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời có thể làm chủ chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp và có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên và mũi nhọn.
Thứ bảy, thực hiện công tác tái cơ cấu nền kinh tế quốc gia; gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế quốc gia là tái cơ cấu thị trường tài chính, tiền tệ và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đặc biệt các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn, đang quản lý nắm giữ các nguồn lực phát triển to lớn nhưng hiệu quả kinh doanh chưa được như kỳ vọng.
Thứ tám, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới. Vì vậy, Chính phủ cần phải quyết liệt mạnh dạn thay đổi, ưu tiên nguồn lực quốc gia và sớm ban hành các chính sách khuyến khích thực hiện; đi đôi với lộ trình thực hiện chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế số nhằm bứt phá phát triển, thu hút các nguồn lực FDI thế hệ mới; đồng thời thực hiện hiệu quả vấn đề này, là sự kết hợp tối ưu trong điều kiện của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, ngày càng phải đối mặt với các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu nghiêm trọng.
Đối với hệ thống doanh nghiệp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ góp phần tăng doanh thu, giảm chi phí, tạo ra các mô hình kinh doanh mới, nâng cao hiệu quả kinh doanh, có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển bền vững. Vì vậy, chúng ta cần phải kiên trì thúc đẩy quá trình hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững; ứng dụng trí thức và công nghệ vào thực tiễn. Tạo cầu nối trực tiếp cho bên cung và bên cầu có điều kiện trao đổi, ký kết hợp tác và chuyển giao công nghệ trên thị trường trong nước.
Thứ chín, vấn đề cuối cùng là phát huy sức mạnh tổng hợp đại đoàn kết của cả dân tộc. Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa sống còn và quyết định thành bại của mỗi quốc gia. Hơn nữa, trong các thời khắc có tính chất lịch sử thì ý nghĩa của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc càng được nâng cao giá trị hơn. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 5 triệu người đang sinh sống và làm việc ở hải ngoại. Trong đó, có một lực lượng đông đảo Việt kiều có trình độ, kiến thức chuyên môn và tay nghề cao đã, đang làm việc trong một số lĩnh vực công nghệ và ngành kinh tế quan trọng ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển.
Đây là nguồn lực tài sản chất xám và tay nghề quý giá của đồng bào ta ở hải ngoại. Vì vậy, chúng ta có thể tuyên truyền mời gọi, khuyến khích và trọng dụng các nguồn lực chất xám quý giá này, tham gia làm việc với nhiều cách thức hợp tác khác nhau, để hợp lực cùng nhau xây dựng và phát triển kinh tế đất nước phồn vinh.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế Việt Nam kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ trong Quý 4/2023
12:00, 12/10/2023
Kinh tế Việt Nam 2023 và một số gợi ý chính sách
02:00, 26/09/2023
Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu kinh tế toàn cầu
09:26, 19/09/2023
Kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu phục hồi và khởi sắc
00:10, 12/09/2023
Năng lượng mới tạo động lực tăng trưởng dài hạn cho kinh tế Việt Nam
16:00, 17/09/2023
Tình hình kinh tế Việt Nam đã có nhiều khởi sắc
18:04, 09/08/2023
Kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2023: Nhiều tín hiệu tích cực!
15:07, 02/08/2023